Ông Trần Thành Lập, 61 tuổi, chủ một cơ sở đúc gang ở ấp Trường Thọ, xã Trường Hoà, huyện Hoà Thành cho biết, nghề đúc gang ở Trường Hoà có từ rất lâu và được tách ra từ nghề đúc gang truyền thống ở tỉnh Đồng Nai.
Công nhân đang sản xuất ở một cơ sở đúc gang. |
Ông Trần Thành Lập, 61 tuổi, chủ một cơ sở đúc gang ở ấp Trường Thọ, xã Trường Hoà, huyện Hoà Thành cho biết, nghề đúc gang ở Trường Hoà có từ rất lâu và được tách ra từ nghề đúc gang truyền thống ở tỉnh Đồng Nai. Vào khoảng giữa thế kỷ trước (năm 1950), cha ông Lập là ông Trần Văn Đời cùng với ba người khác là ông Lê Văn Sô, Nguyễn Văn Đăng và Trương Văn Viễn từ Đồng Nai mang nghề đúc gang truyền thống của gia đình mình vào xã Trường Hoà mở 4 lò đúc gang khởi nghiệp.
Lúc đầu, các lò đúc gang ở đây chủ yếu sản xuất các loại lưỡi cày, “long” bánh xe bò (một dụng cụ bằng kim loại trong trục căm xe bò). Sau đó các cơ sở cải tiến dần và sản xuất ra được nhiều mặt hàng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Khi phong trào hợp tác hoá “nở rộ”, lúc ấy các lò đúc gang cũng được tập hợp lại thành lập hợp tác xã đúc gang Hoà Thành. Do chính ông Lập làm Chủ nhiệm. Nhưng rồi do nhiều nguyên nhân khác nhau, hầu hết các hợp tác xã sản xuất kinh doanh không có hiệu quả. Hợp tác xã đúc gang cũng không ngoại lệ. Đến khi phong trao hợp tác hoá nhiều nơi tự tan rã, thì hợp tác xã đúc gang Hoà Thành cũng giải thể. Từ đó đến nay các cơ sở đúc gang ở đây sản xuất theo lối cá thể. Xã hội ngày càng phát triển, nhiều loại máy móc, thiết bị mới ra đời. Để đáp ứng phụ tùng cho các loại máy móc và cũng để tồn tại và phát triển, các cơ sở đúc gang luôn tìm tòi học hỏi sáng tạo ra những mặt hàng mới. Anh Trần Văn Chi, con ông Lập, người đang nối nghiệp cha quản lý cơ sở đúc gang gia đình cho biết, hiện nay cơ sở anh có 20 công nhân, sản xuất chủ yếu 2 mặt hàng: sơ mi bố thắng và sơ mi lòng xe honda. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là bỏ mối cho các đại lý ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra cơ sở anh Chi còn làm theo đơn đặt hàng của khách hàng. Công nhân làm ăn công theo sản phẩm. Nhưng có mức thu nhập từ 2,5 – 3 triệu đồng/người/tháng. Anh Chi cho biết thêm hiện nay ở khu vực ấp Trường Thọ có 6 cơ sở đúc gang truyền thống và sản xuất được nhiều mặt hàng khác nhau, với số lượng lao động khoảng 100 người.
Anh Chi còn cho biết, thuận lợi lớn của nghề đúc gang là được các cấp lãnh đạo, các ngành chức năng tạo điều kiện cho các cơ sở phát triển, được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn. Tuy nhiên, nhìn chung các cơ sở đúc gang ở đây vẫn còn gặp không ít khó khăn ở cả khâu “đầu vào” lẫn khâu “đầu ra”. Ở khâu “đầu vào” giá nguyên liệu (nguyên liệu chủ yếu của nghề đúc gang là gang và than) luôn biến động theo chiều hướng tăng cao. Vốn đầu tư lớn, nên các cơ sở thường thì thiếu vốn, mức vay ngân hàng chính sách cũng có hạn (20 triệu đồng/hộ). Nếu vay ngoài hoặc mua nguyên liệu thiếu chịu các cơ sở phải chịu lãi suất cao, nên rất bất lợi cho người sản xuất. Ở khâu “đầu ra” giá cả thị trường các sản phẩm làm ra có khi bấp bênh, và đang có sự cạnh tranh thiếu lành mạnh về giá cả sản phẩm ở một số cơ sở trong khu vực, xa hơn nữa là sự cạnh tranh về chất lượng với các cơ sở đúc gang truyền thống ở tận Đồng Nai. Việc cạnh tranh này dẫn đến bất lợi cho các cơ sở.
Để nghề đúc gang truyền thống ở Trường Hoà duy trì và phát triển, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động địa phương, các ngành chức năng cần tạo nhiều điều kiện hơn nữa, nhất là tăng nguồn vốn vay cho các cơ sở đúc gang. Đồng thời để tránh tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các cơ sở tại khu vực và có thể cạnh tranh (lành mạnh) với các nơi khác, cần có người đứng ra tập hợp, liên kết các cơ sở đúc gang này lại với nhau dưới dạng tổ hợp tác. Từ đó các cơ sở này có điều kiện giúp đỡ nhau về vốn, về tay nghề, thị trường tiêu thụ, nhất là thống nhất về giá cả, với mục đích là làm sao tất cả các cơ sở đều nâng cao được mức thu nhập. Từ đó làm tiền đề tiến đến xây dựng hợp tác xã đúc gang kiểu mới, xây dựng thương hiệu nghề đúc gang truyền thống.
D.H