BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tạp bút

Nghe lại lời ru 

Cập nhật ngày: 11/10/2021 - 00:39

BTN - Mấy tháng nay tôi về quê, do dịch Covid- 19 nên ở lại học online, lại thấy tinh thần thanh thản, thoải mái, đầu óc nhẹ nhàng hơn, nhất là được nghe lại lời ru của ngoại và của những nhà xung quanh vọng lại.

Chỗ tôi đến trọ để đi học có nhiều cặp vợ chồng trẻ. Người gốc Sài Gòn, người từ các nơi tụ tập về đây để tìm việc làm… Thế nên, có rất nhiều trẻ con trong xóm, cũng đồng nghĩa với việc tôi được nghe nhiều lời “ru con”. Không ngờ, ngay từ ngày đầu tôi đã phải thất vọng chỉ vì tiếng ru của các bà mẹ trẻ.

Lâu dần, tôi cố mà cho qua để chú tâm vào việc học. Bởi có những bà mẹ suốt ngày này qua ngày khác chỉ có ầu ơ ví dầu, người thì bật đĩa nhạc Xuân Mai, mở “volume” lớn lên dù đứa nhỏ khóc dữ dội; có người sinh con thứ hai rồi mà cứ mấy câu nhạc “chế” nhai đi nhai lại. Đứa trẻ khóc to hơn tiếng hát khiến bà mẹ bực mình hát thêm vài câu rồi kèm theo “ngủ đi... ông cố”. Thật tình, những ngày nghỉ, tôi như bị tra tấn bởi thứ âm thanh hỗn độn này.

Mấy tháng nay tôi về quê, do dịch Covid- 19 nên ở lại học online, lại thấy tinh thần thanh thản, thoải mái, đầu óc nhẹ nhàng hơn, nhất là được nghe lại lời ru của ngoại và của những nhà xung quanh vọng lại.

Hát ru là những bài hát nhẹ nhàng, đơn giản. Phần lớn lấy từ ca dao, bài đồng dao, câu hò, điệu lý... truyền miệng từ đời này sang đời khác, từ bà sang mẹ, sang chị... Lời ru cũng rất đa dạng nên mỗi gia đình, mỗi vùng miền có cách hát riêng.

Ngoại tôi là người thuộc rất nhiều bài hát, lời ru, từ hát ru kiểu Nam bộ, Trung bộ đến cả Bắc bộ. Giọng ru của ngoại gây nhiều ấn tượng, ai đã nghe vài lần có thể sẽ bị “nghiện”. Bằng chứng là mỗi tối, ngoại ngồi bên chiếc võng ru em hoặc cháu tôi ngủ thì chừng như mọi người trong nhà (kể cả ông ngoại) đều kiếm chỗ nằm đâu đó để mà “thưởng thức”.

Có một buổi tối, trời mưa dầm, cháu tôi cứ khóc mãi, mẹ bé hát kiểu nào cũng chả ăn thua (đa phần hát nhạc thiếu nhi). Ngoại đang lỡ việc ở sau nhà, thấy vậy, buộc lòng lên nhà trên dỗ bé ngủ. Ngoại chỉ mới một tay vỗ vỗ mông bé, dỗ dành “ngoan nào, bà thương”, rồi bà ru “ầu ơ... ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi... Ầu ơ... Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Trông về quê mẹ..." thì bé đã lim dim.

Ngoại nói như đùa: “Muốn bé thức dậy không?", ai cũng ngạc nhiên, ngoại hát: "Con cò bé bé nó đậu cành tre...", thế là bé cựa mình, ngọ nguậy như phản đối. Ngoại trở về “loại hình” ru cũ "À ...ơi..." vài ba câu là bé đã ngủ ngon lành.

 Nhịp điệu bài hát đem lại cảm giác an toàn cho trẻ, gắn kết tình cảm gia đình, tình mẫu tử. Giọng hát, tiếng ru của bà, của mẹ làm cho trẻ yên tâm như có người bảo bọc, chở che. Hình ảnh người mẹ hát ru con không xa lạ đối với người Việt Nam chúng ta. Nét đẹp ấy đi vào thơ ca, nhạc hoạ và đã khắc sâu vào tiềm thức của mỗi con người.

Ngày xưa, các bà, các mẹ hát ru còn gửi gắm nhiều tâm sự về chồng, về con và là một cách để giáo dục trẻ từ thuở còn nằm nôi. Lúc sinh thời, chia sẻ về “hát ru”, GS.TS Trần Văn Khê cho rằng: “Đây là âm nhạc dân gian truyền thống rất hữu ích cần được bảo tồn”, bởi “Mẹ ru cái lẽ ở đời. Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”.

Dưới góc độ khoa học, hát ru rất có lợi không những đối với sự phát triển ngôn ngữ, tâm sinh lý của trẻ mà còn phát triển thể chất nữa. Trên thực tế, không phải những người trẻ họ không hiểu được tầm quan trọng của việc hát ru con, nhưng với nhịp sống hối hả ngày nay, lời hát ru ngày càng thưa thớt.

Họ ngại ngần khi cất tiếng ru con như bà và mẹ ngày xưa. Thế nên họ có sáng kiến thu lại lời ru của bà, mẹ, có khi của chính mình để khi cần mở ra cho trẻ nghe. Nhưng khi nói đến hát ru là nói đến lòng bao dung, nhân hậu, đến lòng mong mỏi cho trẻ thơ được yên ấm trong sự chở che. Hơn nữa, lời ru phải được cất lên tự nhiên, khi chúng ta thật sự ấp iu trẻ, cầu mong cho chúng bình yên mau lớn.

Theo dòng chảy của thời gian, hát ru đã trở thành một loại hình nghệ thuật đặc trưng với những làn điệu trữ tình, sâu lắng, lời ca mộc mạc, giản dị, thiết tha, chân tình, bắt nguồn từ cuộc sống lao động cần cù, gian lao của nhân dân ta, nhưng lại có sức lay động lòng người tha thiết.

Tiếng hát ru đã góp phần bồi dưỡng nên nhân cách, tâm hồn cao đẹp của các thế hệ con người Việt Nam trong quá khứ và hôm nay. Hát ru trẻ không chỉ là cất tiếng hát ru đơn thuần, mà còn giúp tình mẫu tử thêm thắm đượm.

Vì vậy, việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phục hồi hát ru là góp phần nâng cao nhận thức tư tưởng và tình cảm của nhân dân, giữ gìn vốn cổ tinh hoa của dân tộc, để lời ru không nhạt nhoà trong xã hội văn minh, hiện đại.

Nguyên Hạ