Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nghệ nhân Đoàn Văn Sang với niềm đam mê nhạc lễ Nam bộ
Chủ nhật: 16:46 ngày 13/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ở Tây Ninh, nói đến nhạc lễ, nhiều người trong nghề thường nhắc đến Nghệ nhân Đoàn Văn Sang. Ông sinh năm 1966, ngụ ấp Phước Hội A, xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu.

Nghệ nhân nhạc lễ Đoàn Văn Sang

Theo chân các lưu dân trong cuộc Nam tiến khai hoang mở cõi, nhạc lễ Nam bộ được đưa từ vùng ngoài vào, là âm nhạc sinh ra do nhu cầu phục vụ tín ngưỡng, lễ thức và đời sống tinh thần của người di dân. Nhạc lễ Nam bộ tiếp thu nhạc cung đình, thông qua những người thầy là quan nhạc triều Nguyễn, tiêu biểu là nhạc sư Nguyễn Quang Đại (nghệ danh Ba Đợi) được tôn là hậu tổ của nhạc lễ và nhạc tài tử Nam bộ.

Nhạc lễ Nam bộ còn là sự giao lưu, thụ ứng và tiếp biến âm nhạc của cộng đồng các dân tộc cùng chung sống. Trong dòng chảy lịch sử, văn hoá nơi vùng đất phương Nam, nhạc lễ được sử dụng phổ biến tại Tây Ninh trong các lễ thức của dân gian, tôn giáo (Phật giáo, Cao Đài). Đặc biệt, nhạc lễ được xem là cái nền của âm nhạc truyền thống, và là một trong những cơ sở để sáng tạo nên các bài bản của đờn ca tài tử.

Đam mê đầy nhiệt huyết với nhạc lễ, từ năm 15 tuổi (năm 1981), Nghệ nhân Đoàn Văn Sang bắt đầu học nhạc lễ với các nghệ nhân lớn tuổi ở huyện Gò Dầu và thường xuyên đi theo các nghệ nhân thực hành nhạc lễ trong các lễ hội, biểu diễn, liên hoan…

Đến năm 1985, ông được thầy Trương Kế Nghiệp, nghệ danh Bảy Nghiệp (1934 -2019) ở Truông Dầu, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng truyền dạy. Với tinh thần cầu thị, ông thường xuyên tham khảo về nhạc lễ với các nghệ nhân tiền bối và từ đồng nghiệp…

Trong quá trình học và đi làm nghề, Nghệ nhân Đoàn Văn Sang nắm vững kỹ năng, thông thạo 20 bài gọi là bài tổ của cổ nhạc Nam bộ: 1- Sáu bản Bắc: Lưu thuỷ, Phú lục, Bình bán chấn, Xuân tình, Tây Thi, Cổ bản. 2- Ba bài Nam: Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung (còn gọi là Nam đảo). 3- Bốn bài Oán: Tứ đại, Phụng cầu, Phụng hoàng, Giang nam. 4- Bảy bài lớn (thất chánh): Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc.

Thực hiện được nhiều bài bản như bộ “Ngũ Châu miền Đông”, “Tám bản ngự” (Đường Thái Tôn, Chiêu quân, Vọng phu, Tương tư, Duyên kỳ ngộ, Bắc man tấn cống, Ái tử kê (miền Đông), và Quả phụ hàm oan) cùng nhiều bài bản của nhạc tài tử, nhạc lễ gồm cả nhạc lễ dân gian, nhạc lễ tôn giáo (Phật giáo). Sử dụng điêu luyện các loại nhạc cụ như: chập bạt, đẩu, bồng, phệt, đồ đường, mõ sừng trâu, song lang, trống chiến, trống cơm, trống cái, kèn thau, kèn đại, kèn trung, kèn tiểu mộc, đờn cò, đờn sến, đờn bầu, đờn gáo, đờn guitar phím lõm, violin…

Ông tham gia câu lạc bộ Đờn ca tài tử - cải lương của Trung tâm Văn hoá huyện Gò Dầu, trung bình một năm khoảng 80-100 buổi biểu diễn phục vụ tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, các dịp lễ hội, phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, các xã, thị trấn, tham gia biểu diễn giao lưu, các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn cấp huyện, tỉnh, khu vực và toàn quốc.

Đặc biệt, hằng năm, tại chùa Linh Sơn Tiên Thạch trên núi Bà Đen long trọng tổ chức lễ vía Linh Sơn Thánh Mẫu từ ngày mùng 4 đến 6.5 (nông lịch) theo nghi thức Phật giáo cổ truyền. Nhạc lễ là một trong các thành phần quan trọng trong lễ cúng, nhiều năm nay, nhạc lễ trong lễ vía do ban nhạc của Nghệ nhân Đoàn Văn Sang phụ trách. Năm 2019, lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu - núi Bà Đen được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia theo Quyết định số 3325/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Nghệ nhân Đoàn Văn Sang chia sẻ, trong nhạc lễ Phật giáo, điều rất quan trọng là ban nhạc phải hoà nhịp và ăn ý với diễn xướng nên ban lễ sư thường có ban nhạc lễ riêng. Hay những bài rỗi của các cô bóng trong nghệ thuật bóng rỗi được thực hiện với trống lệnh, nhịp sanh và hoà cùng ban nhạc lễ với các điệu Nam xuân, Nam ai, Nam chạy, Nam đảo... ban nhạc lễ phải hiểu được ý nghĩa của tiếng trống lệnh, để khi cô bóng ra roi trống, ban nhạc biết được khi nào cô bóng chuyển điệu, bắt đầu hay ra roi kết thúc để nhạc lễ hoà đờn đúng với bài rỗi của cô bóng.

Ban nhạc lễ của Nghệ nhân Đoàn Văn Sang tham gia Liên hoan Đờn ca tài tử và bóng rỗi tỉnh Đồng Nai năm 2023.

Chú trọng đến việc truyền dạy để bảo tồn và phát huy nhạc lễ, Nghệ nhân Đoàn Văn Sang thành lập ban nhạc đi phục vụ trong các lễ thức ở đình, miếu, nghi lễ dân gian, nghi lễ Phật giáo, đờn ca tài tử, biểu diễn trong các liên hoan âm nhạc dân tộc… trong và ngoài tỉnh, tạo nơi học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, gắn kết các nhạc công trong và ngoài địa phương. Bên cạnh đó, ông mở lớp đào tạo học trò về nhạc lễ tại nhà.

Trong số đông học trò, tiêu biểu như Nguyễn Hoàng Anh Vũ, Trần Minh Cường, Nguyễn Văn Tuyền, Võ Tấn Hoà (huyện Gò Dầu), Nguyễn Anh Nhựt, Lâm Hoàng Chinh (huyện Bến Cầu), Trần Tấn Lực, Nguyễn Thanh Nhân (thị xã Trảng Bàng), Trương Quốc Việt (thị xã Hoà Thành), Nguyễn Tấn Phát, Nguyễn Đức Nguyên (thành phố Tây Ninh), Trương Minh Tiến, Đỗ Nha Sĩ, Đặng Mạnh Tường (tỉnh Long An), Hồ Minh Thiên (quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh). Trong quá trình truyền dạy, ông thường dẫn học trò đi thực hành trong các lễ thức để trau dồi kinh nghiệm.

Việc truyền dạy nhạc lễ cho học trò chủ yếu theo lối “cầm tay chỉ việc”, ngồi đối mặt để hướng dẫn học trò sử dụng các nhạc cụ, chú trọng dạy lý thuyết song song với thực hành. Cơ bản người học nhạc lễ phải nắm được các bài bản được cải biên liên tục từ 72 bản nhạc cổ, đặc biệt là từ 20 bài gốc (bản tổ) cho 4 điệu (hơi), gồm 6 bản Bắc diễn tả sự vui tươi, phóng khoáng, 7 bản Hạ dùng trong tế lễ, có tính trang nghiêm, 3 bản Nam diễn tả sự an nhàn, thanh thoát và 4 bản Oán diễn tả cảnh đau buồn, chia ly. Nên trong dân gian có câu: “Thức thời tối thiểu lão thông nhị thập quyền tổ bản/ Quán thế thậm đa lịch luyện thất thập nhị huyền công” (tạm dịch: Tối thiểu phải làu thông 20 bản tổ/ Tối đa rèn luyện được 72 bài [tài tử]).

“Dạy cho học trò hiểu về các nhạc cụ và cách phân chia nhạc cụ theo bát âm, ngũ hành, theo phe và theo bộ… Sau đó, học trò chọn cho mình nhạc cụ phù hợp và tôi truyền dạy theo loại nhạc cụ do học trò chọn, qua đó nhằm phát huy niềm đam mê, năng khiếu và tài năng của học trò”- Nghệ nhân Đoàn Văn Sang nói.

Hơn 40 năm gắn bó, Nghệ nhân Đoàn Văn Sang đã có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật nhạc lễ Nam bộ tại Tây Ninh. Niềm đam mê của ông được lan toả khi có nhiều học trò thạo nghề, yêu nghề, tiếp tục đóng góp cho địa phương và nền âm nhạc cổ truyền của dân tộc.

Phí Thành Phát

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục