Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trong giấc ngủ, tôi nghe có ai đó hỏi văng vẳng bên tai: tên gì, ở đâu, làm gì? Tôi trả lời: tên N, ở P, làm giáo viên- tôi đã nói từ “giáo viên” bằng giọng tự hào lộ liễu.
Không phải một, tôi đã nghe rất nhiều lần những câu hỏi lặp lại như thế. Và trong vô thức, lúc nào tôi cũng trả lời ngắn gọn nhưng đầy tự hào như vậy.
Mở mắt, hình ảnh đầu tiên tôi nhìn thấy là những giọt nước long lanh trên mắt mẹ.
Mơ hồ. Lùng bùng. Hoàn toàn ngơ ngác. Tôi thấy quanh mình là những chiếc giường trắng tinh và những người sứt đầu mẻ trán mặc đồ bệnh nhân. Cũng không kịp nghĩ ngợi hay thắc mắc gì, tôi lại lơ mơ chìm vào giấc ngủ.
Tỉnh ít, ngủ nhiều, thần trí mơ màng không dứt. Hỏi gì trả lời nấy, cơm đưa tới miệng thì nhai, thuốc bỏ vào lưỡi thì nuốt. Hoàn toàn mất ý thức.
Rồi tôi cũng lấy lại ý thức, sau cơn hôn mê hơn hai tháng vì tai nạn giao thông. Đó là nghe kể lại chứ bộ nhớ tôi đã xoá sạch phần ký ức tồi tàn đó. Tôi không quan tâm điều đã xảy ra. Tôi sợ hiện tại. Mùi thuốc và những cây kim tiêm khiến tôi mệt lử.
Trong lúc thần trí còn hỗn loạn, tôi nghe đâu đó vang lên “tùng, tùng, tùng”. Tiếng trống dội vào ngực. Từng tế bào trong tôi run lên. Từ sau khi tỉnh dậy sau giấc ngủ dài, chưa bao giờ tôi thấy mình tỉnh táo như lúc này. Không thể sai được, đó là hồi trống khai trường. Mùa cầm phấn đã bắt đầu. Ruột gan nôn nóng. Tâm điều khiển thân. Những ngón tay muốn cử động- như có viên phấn đang đợi cầm. Không thể được. Có chuyện gì thế này?
Không cam tâm. Rút phăng cây kim chuyền dịch đang đính ở tay, tôi gượng ngồi dậy. Bằng mọi giá, tôi phải về. Về để mặc áo dài, để niềm nở uốn nắn học sinh, để được đứng bục giảng, để tận hưởng cảm giác “bụi phấn rơi rơi trên tóc thầy”. Nhưng dù đã cố hết sức vẫn không ngồi dậy được. Bất lực, tôi để mặc mình khóc rưng rức. Mẹ ơi, con làm sao thế này? Khai giảng rồi, con phải đi dạy? Tôi cựa quậy khóc la, mẹ lấy tay chặn ngang ngực, nhấn cho tôi nằm im. Mẹ bảo chưa được đâu. Không! Con phải về. Mẹ ác!
Chấn thương sọ não, xuất huyết màng nhện, chết dây thần kinh số 6. Sau thời gian dài hôn mê, tôi bị liệt tạm thời. Khi biết được sự thật này, trong đầu tôi không nghĩ được gì ngoài những viên phấn. Tôi làm sao cầm được phấn nữa đây? Hai mươi tám tuổi. Phải dừng ngang công việc mình yêu thích? Nghĩ xong, bủn rủn, nước mắt nhạt nhoà.
Năm học mới đã đi vào nếp rồi. Thầy cô đang bận rộn với giáo án, học trò tròn xoe mắt khi được thâu nhận những điều mới mẻ. Phòng học lặng im, tiếng thầy cô giảng bài vang vang. Sân trường toả nắng, lao xao, rộn ràng. Tôi quá biết điều đó. Bệnh viện gần trường, bệnh nhân tôi nằm dõi theo tiếng trống. Như người thuyết trình thạo việc, tôi nói với bệnh nhân giường bên, đó là trống vào lớp, trống bắt đầu truy bài, trống vào tiết, trống ra chơi, trống tập thể dục, trống tan trường. Cứ như thế. Mỗi ngày. Tiếng trống đánh vào ngực, cứa vào tim. Đau. Nhớ.
Tôi nhớ những mùa khai giảng cũ.
Cả đời mình, tôi làm sao quên được ngày đầu tiên chứng kiến cảnh thầy hiệu trưởng trịnh trọng gióng hồi trống khai trường. Đó là tiếng trống hay nhất mà tôi được nghe. Ngày hôm đó, ba đặt tôi ở cổng trường, thấy con gái còn nấn ná sợ hãi thì vững vàng dắt vào bên trong cánh cổng, bảo hãy tự đi tìm lớp học của mình. Đây sẽ là ngôi nhà thứ hai của con. Bước qua cánh cổng này, thế giới sẽ mở ra cho con.
Không phải những ngày đầu bỡ ngỡ mà cả sau này. Luôn là như vậy, chắc chắn đêm trước ngày khai giảng, tôi không tài nào ngủ được. Nôn nao với bộ đồng phục, rạng rỡ đi dự khai giảng, ngồi nghe những lời dặn dò rồi mơ ước về tương lai tươi đẹp, khát vọng dang rộng đôi cánh mà bay trên bầu trời chữ nghĩa.
Khi đã thành tựu giấc mơ trở thành cô giáo, tôi vẫn vẹn nguyên cảm giác lâng lâng hồi hộp khi được mặc chiếc áo dài mới vào ngày khai giảng và sáng hôm đó sẽ đến trường thật sớm. Tôi sẽ chọn chỗ ngồi đẹp nhất để quan sát toàn cảnh sân trường, để nhìn những gương mặt hớn hở trong chiếc quần xanh, áo trắng.
Khi buổi lễ bắt đầu, những thầy cô chủ nhiệm sẽ đưa những học sinh mới tiến qua lễ đài, cái cách họ làm dịu dàng y như một người mẹ/người cha dẫn đàn con đi về phía tương lai. Các em mỉm cười, tự tin bước theo, những đôi mắt sáng ngời mở to. Những lời động viên dặn dò của các vị đại biểu, của giám hiệu nhà trường như tiếp thêm sức mạnh cho khởi đầu mới.
Để có được những ngày khai giảng phấn khởi, náo nhiệt, chúng tôi, những thầy cô bám lớp ở vùng đồi nắng lắm mưa nhiều sẽ phải lội suối băng rừng, đến từng đám mì, cái chòi trên rẫy để đem các em ra lớp. Có làm mới biết, gian nan lắm việc vận động học sinh ra lớp. Đi mấy lần mới gặp được phụ huynh.
Căn nhà tạm bợ, nằm lọt thỏm trong hũng núi. Đến nhà mới biết, học trò nghèo quá, không có phương tiện đến trường nên bỏ học. Ngay sau đó, giáo viên sẽ vận động xe đạp cho em đến trường. Nhưng không phải lúc nào công tác vận động cũng có kết quả tốt. Bất lực. Thầy/cô buồn vì không thể đưa học sinh tới trường. Và ngày khai giảng đó sẽ có nhiều hụt hẫng.
* * *
Nằm trên giường bệnh, tiếng trống trường không ngừng dội vào tâm trí. Ngột ngạt, bức bí trong bộ đồ bệnh nhân. Nằm một chỗ. Tôi hoàn toàn tuyệt vọng.
- Mẹ ơi, nếu không được mặc áo dài, không được đứng trên bục giảng nữa, con sẽ buồn đến chết.
- Con sẽ mau lành bệnh, sẽ lại là cô giáo dạy giỏi, sẽ được học trò yêu mến. Mọi thứ chắc chắn rồi sẽ ổn.
Tôi lại gượng ngồi. Mẹ lại lấy tay ấn xuống. Tôi rơm rớm:
- Nếu sống mà phải nằm một chỗ thì đó là cuộc sống chết. Tôi nói điều đó mà không kịp ngăn dòng nước mắt đang chảy tràn trên hai má.
Mỗi lần bác sĩ vào thăm bệnh, tôi đều bi thiết hỏi, chừng nào được ra viện. Vị bác sĩ nhìn tôi bằng cái nhìn chia sẻ, rồi nói, muốn mau ra viện thì hãy lạc quan, tin tưởng và kiên trì tập luyện.
Bắt đầu bằng những ngón tay. Cứng, đơ. Mẹ bỏ vào tay một cái bánh ống rồi động viên tôi dùng hết ý chí để cầm. Bàn tay không thể nhúc nhích. Cố lên, tôi huy động tất cả sức lực và tinh thần, không được bỏ cuộc, phải tiếp tục sứ mệnh cầm phấn. Mình sẽ cầm chặt nó như đã từng cầm những viên phấn nhỏ bé. Nhiều ngày như vậy, vẫn không có kết quả.
Lực bất tòng tâm.
Những cố gắng hoàn toàn vô vọng, tôi đổ gục. Nằm trên giường, tôi chỉ còn nghe được tiếng trống trường. Nhưng tôi không ước được mặc áo dài, được cầm phấn, được thiết kế những bài học sinh động, bổ ích nữa. Y như chiếc lá mùa thu năm ngoái còn sót lại, bây giờ, tôi ước bên cửa sổ phòng bệnh có một dây thường xuân. Tôi sẽ mong manh như Giôn-xi trong “Chiếc lá cuối cùng” của nhà văn O. Hen-ri, sẽ đếm đến chiếc lá cuối cùng, và tôi cũng sẽ “rụng” như chiếc lá kia, cho xong những ngày phiền não.
“Chiến thắng vẻ vang nhất là chiến thắng chính mình”. Bác sĩ động viên, mẹ kiên trì hỗ trợ. Mỗi ngày, mẹ bóp nắn tay chân, dừng lại thật lâu ở những ngón tay. Nhẫn nại, mẹ cứ bỏ mãi cái ống vào tay rồi lấy tay mẹ cầm những ngón tay tôi, uốn, nắn. Không được. Giờ thì không phải tôi khóc mà là mẹ. Tiếng khóc của mẹ làm tim can tôi đau thắt. Trong tình huống này, nếu tôi lại quỳ mọp dưới vết thương thì hẳn là trọng tội với người mẹ một đời lao đao. Nhưng mọi nỗ lực đều bằng không. Tôi hận là mình không thể chết đi!
* * *
Tôi ra viện trong tình trạng được cõng ra xe như một phế nhân. Cơ thể vẫn trong tình trạng bại liệt, đầu óc lúc nhớ lúc quên.
Hoang mang, lùng bùng, mất phương hướng. Tôi thiểu não nằm mọp trên giường. Không ổn. Tôi không thể kết thúc cuộc đời mình như thế này. Mẹ ơi, buổi chiều, con muốn được dìu ra hiên, muốn được nhìn học trò tan trường, đi về ngang nhà.
Phụ huynh đến nhà thăm. Nhiều. Và học trò nữa. Hoạn nạn mới biết lòng nhau. Quà thăm bệnh sang cả nhất là hộp sữa Ông Thọ. Nhưng tôi thấy ấm lòng. Cảm giác được an ủi nhiều nhất là khi những học sinh nhà ở tận buôn Thô - các em là dân tộc thiểu số - đến nhà gọi cô ơi, tụi em nhớ cô quá! Học trò thay nhau đến thăm cô bệnh. Các em rón rén đem theo những trái cam vườn khô đét, chùm mận, túi đậu phộng luộc, một đoạn mía… Đơn giản thôi nhưng tôi có động lực như được uống thần dược. Tôi hạnh phúc, ứa nước mắt. Chưa bao giờ như lúc này, tôi thèm được đến trường với những học trò bé nhỏ của mình.
Không thể hoang phí thời gian với nỗi tuyệt vọng uỷ mị nữa. Tôi muốn nhập viện ngay lập tức. Lần này là hoàn toàn tự nguyện, tôi muốn được điều trị nghiêm túc theo liệu trình của bệnh viện phục hồi chức năng.
Tôi đã và sẽ mạnh mẽ hết mức có thể. Vào viện một mình- bắt buộc phải như vậy. Tôi đặt mình vào hoàn cảnh phải hoàn toàn tự lực. Không còn chỗ để dựa dẫm, để sướt mướt nữa. Tôi run run tự xúc từng muỗng cơm đưa vào miệng. Vung vãi, đổ tháo. Kệ. Mướt mồ hôi. Một, hai lần không được thì nhiều lần chắc chắn sẽ được. Tôi bắt mình phải tự đứng trên đôi chân của chính mình. Tôi là cô giáo, tôi sẽ dùng nghị lực bây giờ của mình để dạy học sinh sau này. Ai dám nói cuộc đời mình sẽ không có những cú ngã chí mạng?
Nỗ lực và nỗ lực. Rồi cuối cùng cũng ít nhiều được đền đáp.
Ngày tự mình cầm được cái bánh ống, dù rất lỏng lẻo nhưng tôi đã bật khóc. Khóc ré vì sung sướng. Giữa bệnh viện, tôi đã nghe tiếng trống trường “tùng tùng” vang lên rộn rã. Và tôi mỉm cười, theo cái cách tôi vẫn cười mỗi khi bước vào lớp...
N.T.B.N