Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nghẹn ngào đưa tiễn nhà lãnh đạo đáng kính
Thứ bảy: 12:47 ngày 27/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng tình cảm của nhân dân với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là thước đo công bằng và chuẩn mực nhất

Ngày 26-7, hàng vạn người dân vẫn nối nhau xếp hàng để được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Tang lễ Quốc gia, cũng như đứng hai bên đường trên nhiều tuyến phố để chờ tiễn biệt nhà lãnh đạo lỗi lạc của đất nước. Trên các tuyến đường ở thủ đô, nhiều trụ sở cơ quan, tòa nhà văn phòng đã trình chiếu phim tài liệu, hình ảnh về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như thay lời tiễn biệt nhà lãnh đạo đáng kính về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Mai Dịch.

Cống hiến hết mình cho Đảng, cho nhân dân

Từ sáng sớm, nhà sử học Dương Trung Quốc đã có mặt tại Nhà Tang lễ Quốc gia, đứng xếp hàng cùng người dân chờ đến lượt vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Quốc cho biết chứng kiến cảnh dòng người nối dài lan tỏa rất nhiều cảm xúc. "Ông cha ta nói rồi, Bác Hồ nói rồi và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng nói: "Thước đo là lòng dân". Lòng dân là thước đo công bằng và chuẩn mực nhất. Chúng ta thấy người dân đến đây viếng Tổng Bí thư đã thể hiện rất rõ điều đó" - nhà sử học khẳng định.

Theo ông Dương Trung Quốc, tình cảm của người dân trong sự kiện này thể hiện rõ nghĩa tử là nghĩa tận. "Tình cảm của người dân đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đánh thức lương tri, trách nhiệm của không ít người" - ông Quốc nói.

Cụ Đặng Thị Phúc, giáo viên tiểu học của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, năm nay 92 tuổi, sức khỏe đã kém, được cháu gái đẩy xe lăn đến Nhà Tang lễ Quốc gia để tiễn biệt học trò Trọng lần cuối.

Còn bà Kiều Thị Thật, ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, đã bắt xe khách từ hơn 3 giờ sáng để 5 giờ có mặt tại phố Lò Đúc chờ xếp hàng vào viếng. "Tôi vô cùng tiếc thương và kính trọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vì thế, hôm nay tôi muốn được lên đây, vào tận nơi để thắp cho ông một nén nhang và sẽ chờ đến chiều để được tiễn đưa Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng" - bà Thật nói.

Đến trưa nhưng dòng người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn nối dài không ngớt. Các chốt an ninh thông báo 11 giờ 15 phút sẽ đóng chốt để chuẩn bị cho lễ truy điệu Tổng Bí thư. Nhưng ở phía bên ngoài, tại các nút giao thông hướng vào Nhà Tang lễ Quốc gia, người dân vẫn xếp hàng dài chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Người dân chờ tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở ngoài cổng Nghĩa trang Mai Dịch. Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

Bật khóc khi viếng Tổng Bí thư

Sáng cùng ngày, hàng ngàn người từ khắp nơi đã xếp hàng chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội - quê hương Tổng Bí thư. Nhiều người đã bật khóc khi viếng Tổng Bí thư.

Vượt hàng trăm cây số, đi xuyên đêm, 37 phụ nữ dân tộc Tày, tỉnh Lào Cai với niềm kính trọng, sự tiếc thương vô hạn nhà lãnh đạo tài ba đã đến với mảnh đất Đông Anh trọng tình nghĩa, vẹn ân tình. Nhiều người trong số họ đã không ăn sáng để kịp vào tiễn biệt Tổng Bí thư thật sớm. Chị Lương Ngọc Hà, một thành viên trong đoàn, cho biết chị đã khóc không chỉ là nỗi tiếc thương về mất mát của đất nước, dân tộc Việt Nam trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà còn là những giọt nước mắt hạnh phúc trước tình cảm sâu đậm của người dân thôn Lại Đà dành cho mọi người về viếng tang. "Họ đã thay mặt người con ưu tú vừa nằm xuống đáp lại tình cảm của những người dân về đây dự lễ viếng" - chị Hà bộc bạch.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Trọng Vĩnh (91 tuổi), thầy giáo của Tổng Bí thư khi học lớp 10 Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, người thành lập và xây dựng Hệ thống Trường Tiểu học và THCS-THPT Nguyễn Siêu, khi biết tin Tổng Bí thư từ trần, ông đặt vé máy bay từ nước Đức về Hà Nội để kịp đến viếng học trò tại quê nhà. "Mong Tổng Bí thư về cõi vĩnh hằng an vui với các đồng chí tiền bối tại Nghĩa trang Mai Dịch" - ông Vĩnh nói.

Đến viếng Tổng Bí thư tại thôn Lại Đà, anh Elton (người Nam Phi đang học tại Trường Đại học Nông nghiệp 1, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội), cho biết tuy là người nước ngoài nhưng được học và sinh sống tại Việt Nam nhiều năm, qua các phương tiện truyền thông nên anh biết đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

"Tôi vô cùng ngưỡng mộ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tôi cũng như nhiều người dân Việt Nam đến viếng Tổng Bí thư, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến những công lao to lớn của Tổng Bí thư đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam" - anh Elton nói.

Ông Lê Trung Kiên, Bí thư Huyện ủy Đông Anh, xúc động ghi trong sổ tang: "Chúng tôi nguyện hứa với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ biến đau thương thành hành động, nguyện noi gương, học tập và làm theo đồng chí, quyết tâm xây dựng Đảng bộ huyện Đông Anh trong sạch, vững mạnh, xuất sắc và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân…". 

Thương tiếc nhà lãnh đạo lỗi lạc của đất nước, hàng vạn người dân mang theo di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đứng hai bên đường, dọc từ cổng Nhà Tang lễ Quốc gia kéo dài hơn 10 km đi qua các tuyến phố Trần Thánh Tông - Lê Thánh Tông - Tràng Tiền - Hàng Khay - Tràng Thi - Điện Biên Phủ - Trần Phú - Sơn Tây - Kim Mã - Đào Tấn - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh - Đường gom Đại lộ Thăng Long - Lê Quang Đạo - Lê Đức Thọ - Hồ Tùng Mậu và tại khu vực Nghĩa trang Mai Dịch… để tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đúng 15 giờ ngày 26-7, lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra tại Nghĩa trang Mai Dịch, TP Hà Nội.

Nguồn NLDO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục