BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nghĩ đến từng lối đi cho người khuyết tật

Cập nhật ngày: 24/11/2009 - 10:43

Khảo sát năm 2005 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước có khoảng 5,3 triệu người khuyết tật

Với suy nghĩ như trên, tại phiên thảo luận sáng 24.11 ở tổ về dự thảo Luật Người khuyết tật, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc giúp đỡ người khuyết tật phải được cụ thể hoá bằng các hành động, chính sách như tính tới cả thiết kế lối đi, vị trí cho người khuyết tật ở các nhà ga, sân bay, nơi cộng cộng khác…

Chính sách phải cụ thể

Theo các đại biểu, dự thảo Luật đã thể chế hoá đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chính sách liên quan đến người khuyết tật, tạo môi trường pháp lý, điều kiện và cơ hội bình đẳng, không rào cản với người khuyết tật.

Đề cập đến đời sống vật chất, tinh thần của người khuyết tật hiện nay, Phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hoá Lê Văn Cuông nêu thực trạng, thống kê cho thấy có tới 37% người khuyết tật đang sống trong hộ nghèo, cao gấp 3 lần so với tỷ lệ nghèo chung, 79,13% người khuyết tật sống dựa vào gia đình và người thân, 88,94% người từ 16 tuổi trở lên chưa được đào tạo nghề.

Những khó khăn này đang là rào cản đối với người khuyết tật tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, học nghề, tìm kiếm việc làm…dẫn đến khó khăn trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng xã hội. “Trong khi đó, dự thảo Luật lại quy định chung chung về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc chăm lo, giúp đỡ người khuyết tật”, ĐB Cuông nhận xét.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hoá, ĐB Lê Hồng Sơn nêu rõ: “Dự thảo Luật không quy định cụ thể giáo viên đào tạo nghề cho người khuyết tật và người khuyết tật được hưởng những chính sách gì của Nhà nước. Vậy căn cứ vào đâu mà triển khai cho đúng tinh thần nhân văn của Luật?”.

Ông Sơn cũng nêu thực trạng hiện nay khi Pháp lệnh người tàn tật năm 1998 quy định mỗi doanh nghiệp phải tiếp nhận ít nhất 2% người khuyết tật vào làm việc chưa được thực hiện nghiêm túc. Vì thế, trong Luật này phải nói rõ, các cơ quan, đơn vị Nhà nước căn cứ vào tình hình công việc để tiếp nhận người khuyết tật vào công tác để làm gương cho doanh nghiệp khác.

Cũng về vấn đề việc làm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, đây là mấu chốt của vấn đề người khuyết tật có sống độc lập được hay không hay phải dựa vào gia đình và xã hội. “Cơ hội việc làm cho người khuyết tật còn hạn chế, số người khuyết tật có việc chưa nhiều, trong khi đa số những người khuyết tật đang sống trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn”, ông Lợi trăn trở.

Đi tìm lời giải bài toán sinh kế cho người khuyết tật, ông Lợi cho rằng nên lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo ở các địa phương cùng những chương trình hỗ trợ phát triển khác. Mỗi địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể để có biện pháp hỗ trợ thiết thực để người khuyết tật bước đầu tự nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình.

Trách nhiệm của cộng đồng

Tán thành với việc sớm ban hành Luật, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên,  chỉ rõ: “Thực tế trong xã hội vẫn còn một bộ phận còn tâm lý kỳ thị, chưa cảm thông thực sự sâu sắc với người khuyết tật. Ngay như quy định về tiêu chuẩn tuyển chọn của một số ngành nghề nếu không cẩn thận sẽ gây ra sự phản cảm trong xã hội. Để Luật thực sự đi vào cuộc sống cần sự chia sẻ của xã hội và trách nhiệm của các cơ quan công quyền”.

Do đó, Tổng Bí thư lưu ý, việc thiết kế các điều khoản của Luật phải chặt chẽ trên tinh thần vì người khuyết tật chứ không phải xem người khuyết tật là đối tượng chỉ để bảo trợ hay thương hại.

“Để người khuyết tật luôn hòa nhập cộng đồng thì các công trình công cộng phải đảm bảo cho người khuyết tật được tiếp cận như nhà ga, bến tàu, chung cư… đều phải có lối đi và vị trí cho người khuyết tật”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Khảo sát năm 2005 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước có khoảng 5,3 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 6,34% dân số (trong đó có 1,1 triệu người khuyết tật nặng). Các dạng khuyết tật gồm 29,41% khuyết tật vận động, 16,83% thần kinh, 13,84% thị giác, 9,32% thính giác, 7,08 ngôn ngữ, 6,52% trí tuệ và 17% là các dạng khuyết tật khác. Tỷ lệ nam là người khuyết tật cao hơn nữ.

(Theo chinhphu.vn)