Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nghị định 116 không giải quyết được bài toán thiếu giáo viên
Thứ tư: 07:18 ngày 05/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo số liệu thống kê, cả nước chỉ có hơn 17% sinh viên sư phạm thuộc diện đào tạo theo địa chỉ, có đến 40 tỉnh, thành phố chưa thể triển khai chính sách này.

Một số môn học thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa triển khai được vì thiếu giáo viên. Ảnh minh hoạ

Hơn 2 năm Chính phủ ban hành chính sách đào tạo giáo viên theo địa chỉ (đặt hàng đào tạo) nhưng đến thời điểm này, phần lớn các tỉnh, thành trong cả nước, kể cả Tây Ninh, chưa thể triển khai. Dù được kỳ vọng nhưng chính sách đào tạo giáo viên theo địa chỉ (Nghị định 116 năm 2020) hiệu quả không cao. Theo số liệu thống kê, cả nước chỉ có hơn 17% sinh viên sư phạm thuộc diện đào tạo theo địa chỉ, có đến 40 tỉnh, thành phố chưa thể triển khai chính sách này.

Thiếu, nhưng tuyển không được

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, nhu cầu giáo viên từ nay đến năm 2026 là 107.000 người, trong khi Bộ Chính trị đã phê duyệt từ nay đến đó, cả nước được tuyển bổ sung gần 66.000 giáo viên.

Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2019 khiến cho toàn bộ hệ thống trường cao đẳng sư phạm trong cả nước, trên thực tế, chỉ hoạt động cầm chừng, đào tạo giáo viên mầm non và số ngành ngoài sư phạm. Trường cao đẳng sư phạm, theo luật, không còn tuyển sinh, đào tạo giáo viên phổ thông, cụ thể là giáo viên tiểu học và trung học cơ sở, trong khi đây lại là hai cấp học thiếu giáo viên trầm trọng.

Bộ GD&ĐT từng đề xuất cho phép tuyển dụng giáo viên, sinh viên có bằng cao đẳng sư phạm, hy vọng bù đắp phần nào số giáo viên đang thiếu. Tuy nhiên, đề xuất này quá muộn. Số sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm chính quy, việc quay về quê để đi dạy chỉ là lựa chọn sau cùng. Đây còn chưa đề cập đến, đối với những sinh viên chính quy tốt nghiệp đại học các ngành ngoại ngữ, tin học không dễ gì chấp nhận vào dạy trường công lập với mức lương khởi điểm còn thua cả khoản tiền hỗ trợ sinh viên sư phạm.

Tại Tây Ninh, theo tính toán, cần ít nhất 2.064 giáo viên cho bậc học mầm non. Đối chiếu với quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV thì nhu cầu giáo viên cho bậc học mầm non là 2.230 giáo viên. Như vậy, chưa nói vị trí việc làm khác trong trường mầm non, chỉ riêng giáo viên, Tây Ninh đang thiếu khoảng 500 người.

Giáo dục phổ thông, cấp tiểu học, toàn tỉnh hiện có 4.432 giáo viên trong khi nhu cầu giáo viên theo định mức cần 4.705 giáo viên, thiếu 273 giáo viên. Cấp THCS hiện có 2.856 giáo viên, theo quy định cần 3.173 giáo viên, thiếu 317 giáo viên. Cấp THPT có 1.371 giáo viên trong khi theo quy định, cấp học này cần 1.617 giáo viên, thiếu 246 giáo viên. Như vậy, toàn tỉnh đang thiếu 1.265 giáo viên các cấp học, bậc học.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT giải thích, thực hiện Luật Giáo dục năm 2019, việc tuyển dụng viên chức mầm non, tiểu học, trung học cơ sở gặp nhiều khó khăn về nguồn tuyển dụng (tiêu chuẩn viên chức mầm non phải đạt trình độ cao đẳng trở lên, viên chức tiểu học và THCS phải đạt trình độ đại học trở lên). Do quy định mới như vừa nêu, công tác tuyển dụng giáo viên cho các cấp học, bậc học khó khăn hơn.

Xin lưu ý, con số giáo viên thiếu chỉ mới tính ở mức thấp nhất theo tỷ lệ định biên, nếu “tính đúng tính đủ” theo quy định của Bộ GD&ĐT, số lượng giáo viên ở Tây Ninh thiếu còn nhiều hơn. Điều này giải thích vì sao một số môn học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 không triển khai được.

Trong năm học 2022-2023, bậc học mầm non tuyển dụng được 39 viên chức (trong đó có 31 giáo viên và 8 nhân viên) đạt 17,33% so với chỉ tiêu. Bậc học phổ thông, cấp tiểu học tuyển dụng được 36 viên chức (trong đó có 27 giáo viên và 9 nhân viên) đạt 15%.

Cấp THCS được 37 viên chức (trong đó có 31 giáo viên và 6 nhân viên) đạt 17%. Cấp THPT và Trường CĐSP Tây Ninh tiếp nhận 55 hồ sơ đăng ký dự tuyển, kết quả sát hạch cho thấy tất cả ứng viên đều đạt tối thiểu từ 50 điểm trở lên (thang điểm 100), theo tính toán, nếu tất cả ứng viên nêu trên trúng tuyển cũng chỉ đạt tỷ lệ 35% so với chỉ tiêu. Như vậy, năm học 2022-2023, hầu hết các địa phương tuyển không đủ chỉ tiêu giáo viên, nhân viên cho ngành Giáo dục.

Hiện tại, bậc học phổ thông chưa có giáo viên giảng dạy môn tích hợp (môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý) và thiếu giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh. Cơ cấu giáo viên các môn chưa bảo đảm tỷ lệ. Tỷ lệ bố trí giáo viên hiện nay chưa đạt yêu cầu theo Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về khung vị trí việc làm và định mức người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

Nguồn tuyển dụng giáo viên trong vài năm gần đây không nhiều, số lượng tuyển sinh vào ngành Sư phạm hằng năm thấp do học sinh đăng ký vào ngành này ít, không đủ chỉ tiêu đào tạo. Những năm trước, Tây Ninh tuyển được nhiều giáo viên từ nguồn của các tỉnh bạn.

Thời gian gần đây, do tình trạng thiếu giáo viên chung trên toàn quốc, nguồn tuyển dụng giáo viên từ các tỉnh bạn rất ít. Đặc biệt là ở các bộ môn ngoại ngữ, tin học, trong hai năm gần đây, tuyển giáo viên ở hai bộ môn này rất hạn chế, không đủ chỉ tiêu tuyển dụng.

Từ năm 2016 đến nay, có 1.563 viên chức là giáo viên được tuyển dụng mới. Tuy nhiên, số giáo viên tuyển dụng mới không đủ bù cho số giáo viên đã giảm là 3.042 người (bao gồm giáo viên tinh giản biên chế, nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển đi nơi khác...).

Mới nhất, ngày 3.4.2023, Sở Nội vụ và Sở GD&ĐT công bố kết quả tuyển dụng viên chức cho các đơn vị trực thuộc, kết quả chỉ 38 ứng viên trúng tuyển, 14 ứng viên không trúng tuyển. Như vậy, kết quả tuyển dụng sau cùng còn thấp hơn số lượng dự kiến, ước tính ban đầu.

Hiệu quả thấp

Ngày 25.9.2020, Chính phủ ban hành Nghị định 116 hỗ trợ chi phí học tập, cấp học bổng và đặc biệt đào tạo sinh viên sư phạm theo địa chỉ. Nghị định 116, khi mới ban hành được xem như một giải pháp có tính đột phá để giải quyết câu chuyện thiếu giáo viên.

Thực tế cho thấy, hai năm rưỡi kể từ khi chính sách nêu trên có hiệu lực, việc đào tạo giáo viên theo địa chỉ đạt hiệu quả thấp, cả nước chỉ có hơn 17% sinh viên sư phạm học theo diện chính sách này. Số sinh viên học xong cũng chưa biết liệu có được tuyển dụng đúng như tinh thần Nghị định 116 hay không, vì theo các quy định khác, sinh viên đào tạo theo địa chỉ vẫn phải tham gia thi hoặc xét tuyển.

Các nhà quản lý ngành Giáo dục chỉ ra rằng, khi tham gia tuyển dụng, có thể sinh viên đào tạo theo địa chỉ không trúng tuyển, trong khi sinh viên tự do lại trúng tuyển, vì đây là sự cạnh tranh. Thực tế cho thấy, việc triển khai Nghị định 116 gặp quá nhiều khó khăn, vướng mắc kể cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.

Trong đó phải kể đến, khi đã đào tạo theo đơn đặt hàng, chính quyền địa phương (UBND tỉnh, thành phố) phải bảo đảm đầu ra cho sinh viên. Nhưng quy định hiện hành không có gì bảo đảm điều đó được thực hiện, vì sinh viên sư phạm đào tạo theo địa chỉ không phải thuộc diện sinh viên cử tuyển. Ngay cả sinh viên diện cử tuyển, mặc dù có quy định bố trí việc làm sau 12 tháng kể từ ngày ra trường nhưng không phải nơi nào, trường hợp nào cũng thực hiện được.

Ngày 16.2.2023, Bộ GD&ĐT công bố số liệu thống kê các địa phương trong cả nước xung quanh việc triển khai Nghị định 116. Tính đến thời điểm công bố, cả nước có đến 40 tỉnh, thành phố không triển khai nhiệm vụ đặt hàng đào tạo giáo viên cho khoá tuyển sinh năm 2021.

Tây Ninh nằm trong số 40 tỉnh, thành phố vừa nêu. Điều này chứng minh việc triển khai Nghị định 116 gặp nhiều khó khăn, nếu không muốn nói rằng, tính hiệu quả của chính sách này không cao. Trong buổi làm việc với Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh khảo sát việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một lãnh đạo Sở GD&ĐT dự báo, nếu vẫn duy trì những quy định, chính sách (tiền lương) như hiện nay, mười năm nữa cũng không thể tuyển đủ giáo viên.

Việt Đông

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục