Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị: Phải xóa bỏ triệt để định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam
Thứ hai: 21:12 ngày 05/05/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bộ Chính trị yêu cầu đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước, đặc biệt phải xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam.

Các đại biểu tại Hội nghị Trung ương 11, khóa XIII.

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

Theo đó, nghị quyết đánh giá sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân nước ta đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia…

"Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường khu vực, thế giới” - Bộ Chính trị nhận định.

Tuy nhiên, theo Bộ Chính trị, kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước.

Hầu hết doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tiềm lực tài chính và trình độ quản trị hạn chế; phần lớn có năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo thấp; năng suất lao động, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh chưa cao; tư duy kinh doanh thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu kết nối với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Bộ Chính trị đánh giá có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng chủ yếu do tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế còn chưa đầy đủ, chưa theo kịp yêu cầu phát triển.

Cạnh đó, thể chế, pháp luật còn vướng mắc, bất cập; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa được quan tâm đúng mức. Kinh tế tư nhân còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn, công nghệ, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao…

Nhằm hiện thực hoá mục tiêu phát triển đất nước như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra và đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới, việc đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động cần có những giải pháp tổng thể, toàn diện, đột phá để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân, củng cố niềm tin, tạo khí thế và xung lực mới cho phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là cần thiết và cấp bách.

Từ tình hình trên, Bộ Chính trị yêu cầu quán triệt trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững.

Cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng.

"Xoá bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam”- Bộ Chính trị yêu cầu đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước; nuôi dưỡng, khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân, xác định doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế.

Đặc biệt, bảo đảm kinh tế tư nhân cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận cơ hội kinh doanh và các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực hợp pháp khác của đất nước theo quy định của pháp luật…

Bộ Chính trị nêu mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10- 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55 - 58% GDP, khoảng 35 - 40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84 - 85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5 - 9,5%/năm.

Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.

Tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế.

"Phấn đấu đến năm 2045, có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP”- Nghị quyết Bộ Chính trị nêu rõ.

...................

Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết

+ Phối hợp với Đảng uỷ Quốc hội kịp thời thể chế hoá đầy đủ các chủ trương, chính sách nêu tại Nghị quyết này và bố trí đủ nguồn lực để triển khai thực hiện, ban hành Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế tư nhân ngay trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV với các cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể, khả thi, hiệu quả.

+ Chủ trì chuẩn bị tài liệu quán triệt cùng với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương tổ chức quán triệt ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù.

+ Đảng uỷ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch hành động với các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình phù hợp và phân công cụ thể trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị thực hiện.

+ Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch hướng dẫn, vận động Nhân dân thực hiện Nghị quyết, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân.

+ Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng uỷ Chính phủ, các cơ quan liên quan tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức quán triệt và tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết.

+Đảng uỷ Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, các đảng uỷ trực thuộc Trung ương và địa phương theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết; báo cáo Bộ Chính trị để chỉ đạo những vấn đề phát sinh và đòi hỏi của thực tiễn.

Nghị quyết này phổ biến đến chi bộ.

Nguồn  PLO

Tin cùng chuyên mục