BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nghị quyết đặc biệt cho những giá trị đặc biệt

Cập nhật ngày: 12/10/2022 - 09:49

Phát biểu kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý: “...trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023, chúng ta phải tiếp tục nêu cao cảnh giác, chủ động kiểm soát có hiệu quả hơn nữa dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh...”.

Dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam từ đầu năm 2020 đến nay đã trải qua 4 đợt bùng phát với diễn biến phức tạp. Song, đến thời điểm này, Việt Nam đã ứng phó tốt dịch bệnh, không những kiểm soát và khống chế thành công, mà còn nhanh chóng phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Đây là thành quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo từ Trung ương xuống cơ sở; trong đó có những quyết sách chưa có tiền lệ, tiêu biểu là Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 của Quốc hội về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (Nghị quyết 30).

Có thể nói, trong lúc “nước sôi lửa bỏng”, “chống dịch như chống giặc”, sự ra đời của Nghị quyết 30 đã kịp thời tháo gỡ hàng loạt “nút thắt” về cơ chế, chính sách, giúp việc thực hiện các giải pháp cấp bách được thuận lợi, đáp ứng kịp thời yêu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong đó, với các quy định đặc thù tại Khoản 3, Nghị quyết 30 đã tạo điều kiện cho Chính phủ thực hiện thành công chiến lược vắc xin và chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch kịp thời tại những thời điểm quyết định.

Nghị quyết 30 là nghị quyết đặc biệt đã cho những giá trị đặc biệt. Giá trị đó đôi khi khó có thể đong đếm được bằng những con số. Vì thế, cần đánh giá kỹ lưỡng kết quả thực hiện để rút ra bài học kinh nghiệm không chỉ cho lĩnh vực lập pháp, mà còn cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo nói chung. Đây là điều rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh thế giới đầy biến động bất thường và khó lường; đòi hỏi hệ thống chính trị không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động vì sự phát triển của đất nước.

Báo cáo việc thực hiện Nghị quyết 30 tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10-10, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện một số biện pháp của Nghị quyết 30 đến hết ngày 31-12-2023.

Đây là kiến nghị rất cần thiết vì các chính sách, quy định phòng, chống dịch cần có thời gian chuyển tiếp để duy trì thành quả, bảo đảm tính liên tục, tránh gián đoạn các cơ chế, chính sách tác động đến người dân, doanh nghiệp và hệ thống y tế trong điều kiện dịch vẫn tiềm ẩn nguy cơ.

Thực tế, trên thế giới chưa nước nào công bố hết dịch Covid-19. Phát biểu kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý: “...trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023, chúng ta phải tiếp tục nêu cao cảnh giác, chủ động kiểm soát có hiệu quả hơn nữa dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh...”.

Tuy nhiên, để Nghị quyết 30 mang lại hiệu quả cao nhất, điều quan trọng là phải khắc phục những hạn chế, tồn tại, nhất là tình trạng một số đơn vị, địa phương chưa chủ động trong đấu thầu, mua sắm do tâm lý lo ngại, dẫn đến thiếu thuốc; khắc phục những khó khăn, vướng mắc về thanh quyết toán chi phí điều trị, về thuốc, vật tư y tế trong quá trình phòng, chống dịch; rà soát chế độ, chính sách, thực hiện chi trả đầy đủ, bảo đảm quyền lợi của lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19; đẩy nhanh quá trình sửa đổi và xây dựng các dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)...

Ngoài ra, việc nghiên cứu để có cơ chế riêng xử lý sai phạm khi thực hiện biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19 cũng là đòi hỏi khách quan, chính đáng. Quan trọng là phải gắn với thực hiện Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Nguồn hanoimoi