Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Nghĩa tình người lính
Thứ hai: 10:53 ngày 07/04/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Năm 1970, tại Campuchia, khi đang độ tuổi đôi mươi, chàng trai Nguyễn Văn Thinh và cô gái Trần Thị Phiếm hăng hái lên đường tham gia cách mạng.

Năm 1970, tại Campuchia, khi đang độ tuổi đôi mươi, chàng trai Nguyễn Văn Thinh và cô gái Trần Thị Phiếm hăng hái lên đường tham gia cách mạng. Chàng trai là chiến sĩ theo đơn vị hoạt động địa bàn tỉnh Kratie. Cô gái là chiến sĩ nuôi quân hoạt động ở Kampong Cham. Đến năm 1972, cả hai theo đơn vị hành quân về lại Việt Nam trong thời điểm chiến tranh đang khốc liệt, rất nhiều mất mát hy sinh.

Vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Văn Thinh và Trần Thị Phiếm

Vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Văn Thinh và Trần Thị Phiếm (hiện ngụ ấp Hội Thanh, xã Tân Hội, huyện Tân Châu) bồi hồi kể lại những năm tháng lịch sử. Năm 1972, ông Thinh là chiến sĩ một đơn vị trực thuộc Cục Hậu cần chiến khu miền Đông hoạt động tại khu vực Lâm Đồng - Long Khánh. Những đợt hành quân, ông theo đơn vị di chuyển đến các vùng từ sông Mã Đà rồi đến La Ngà. Năm 1974, ông bị sốt rét nặng phải về tuyến sau điều trị. Sau đó, do có tay nghề thợ mộc, ông chuyển về Đoàn 210 Cục Hậu cần, rồi Tiểu đoàn Quân y K41 cho đến khi xuất ngũ vào cuối năm 1976.

Ngày tham gia bộ đội, ông Thinh vừa qua tuổi 20 với tràn đầy ý chí chiến đấu. Trải qua 7 năm trong quân ngũ, tinh thần chiến đấu càng được tôi luyện mạnh mẽ, không ngừng phấn đấu và không chùn bước trước khó khăn. Ông nhớ lại: “Có những thời điểm chiến tranh khốc liệt, nhiều mất mát lắm. Nhưng dẫu trong gian khó chúng tôi vẫn quyết chí bám trụ mà không hề có ý nghĩ thoái lui”.

Vào bộ đội khi mới 17 tuổi, bà Phiếm theo đơn vị làm công tác nuôi quân hoạt động xuyên suốt từ Kampong Cham rồi về Long Khánh - Đồng Nai. Bà Phiếm vẫn nhớ: “Những ngày mới vào bộ đội, chưa quen với khó khăn, khi nhớ nhà tôi chỉ biết khóc nhưng rồi cũng quen dần. Sau này, những chuyến về phép dù được vui bên gia đình nhưng tôi nôn nao trở lại đơn vị lắm, vì nhớ anh em, đồng đội”.

Như là cái duyên, những tâm hồn đồng điệu cuối cùng cũng gặp nhau, môi trường quân đội đã giúp se duyên cho ông Thinh, bà Phiếm. Ông Thinh kể rằng sau khi chuyển về làm công tác hậu cần, ông có dịp gặp và quen bà Phiếm. Cả hai luôn nhiệt tình trong các dịp tập luyện văn nghệ chào mừng Quốc khánh 2.9 hay kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân 22.12. Sau hơn 1 năm quen biết, đến tháng 10 năm 1975, cả hai được đơn vị đồng ý cho làm lễ thành hôn.

Vợ chồng ông Thinh ôn lại chuyện ngày còn trong quân ngũ

Đến giờ đã ngoài tuổi 70, khi mái đầu đã bạc, ông bà vẫn nhớ như in về ngày cưới của mình năm đó. Bà Phiếm chậm rãi hồi tưởng: sau giải phóng, đơn vị cả hai đang đóng quân tại một ngôi chùa khu vực Phước Hoà - Dầu Tiếng. Sau khi được chấp thuận, “lễ cưới bộ đội” được tổ chức đơn sơ. “Cổng chùa được trang trí thành cổng cưới, tiệc cưới được đãi trong một chái nhà tạm của chùa nhưng vẫn vui, người dân đến rất đông. Lúc đó tôi thường tập văn nghệ cho các bạn trẻ trong khu vực nên ngày cưới họ đến đông lắm. Tôi nhớ người dân cũng háo hức vì muốn xem đám cưới bộ đội”- bà Phiếm vui vẻ kể lại. Ông Thinh nói thêm, trong lễ cưới, đơn vị làm một con heo đãi khách, thêm chút trà bánh. Chú rể, cô dâu không quần áo sặc sỡ mà chỉ một màu xanh áo lính.

Cho đến giờ, gần 50 năm chung sống, hai ông bà vẫn giữ gìn hạnh phúc vẹn nguyên như ngày nào. Có lẽ vì họ là những người lính đã cùng nhau trải qua những tháng ngày gian khó nên luôn biết quý trọng hạnh phúc. Sau này, dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng ông bà vẫn luôn cố gắng cho các con được đủ đầy, hạnh phúc. “Hồi đó còn khó khăn, có cái tết hai vợ chồng không được bộ quần áo mới. Tất cả để lo cho con. Vui là các con chúng tôi lớn lên hoà thuận, thương yêu nhau và thương yêu cha mẹ”- bà Phiếm chia sẻ.

Phục viên vào năm 1976, hai ông bà về đất Tân Hội định cư và làm ăn sinh sống. Ông Thinh làm nhiều việc để kiếm sống, nuôi gia đình- từ làm thuê, thợ mộc đến trồng trọt... Thậm chí, đã ở vào tuổi 60 ông vẫn còn đi làm thuê kiếm sống. Vất vả là vậy, nhưng khi cuộc sống ổn định hơn một chút, vợ chồng ông sẵn sàng đóng góp cùng địa phương chăm lo cho người còn khó khăn, góp tiền sửa đường tại khu dân cư. Nhiều năm trước, đoạn đường trong xóm bị hư hỏng, khó đi, vợ chồng ông Thinh dùng tiền bán vườn mai lâu năm, thêm ít tiền dành dụm để sửa đường. Những dịp tết gần đây, vợ chồng ông đều góp vài chục phần quà cùng địa phương chăm lo tết cho người dân còn khó khăn. “Dù không giàu có nhưng của ít lòng nhiều, chúng tôi mong muốn cùng địa phương chăm lo cho người dân. Bà con vơi bớt gánh nặng là vợ chồng tôi vui rồi”- ông Thinh nói.

Ông Thinh cũng năng nổ tích cực hoạt động các hội, đoàn thể ở địa phương như Hội Cựu chiến binh, Chi hội Người cao tuổi ấp, tham gia công tác Mặt trận ở ấp và Tổ dân cư tự quản.

Ông Phạm Đức Cảnh- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Hội nhận xét: “Ông Thinh là cựu chiến binh có nhiều nỗ lực trong cuộc sống. Không chỉ vậy, ông còn giúp đỡ nhiều cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn và hộ nghèo trong tổ, ấp về kinh nghiệm sản xuất và hỗ trợ cây, con giống; tích cực vận động bà con đóng góp xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ các gia đình chính sách và tham gia giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ tại địa phương”.

Vi Xuân

Tin cùng chuyên mục