BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nghĩa trang bất tử 

Cập nhật ngày: 15/03/2020 - 08:48

BTNO - Gọi là “nghĩa trang bất tử” bởi 64 cán bộ chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong trận "Gạc Ma 14.3.1988", nhưng các anh vẫn sống mãi trong lòng triệu triệu trái tim người dân đất Việt và thế hệ cán bộ chiến sĩ hải quân.

Người sống sót trở về từ Gạc Ma

Tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” những ngày trung tuần tháng ba khói hương nghi ngút. Hàng trăm người thân của 64 liệt sĩ Gạc Ma từ nhiều miền quê của Tổ quốc về để thắp hương tưởng niệm. Hàng trăm các em học sinh, thầy sô giáo, sinh viên, thanh niên xã Cam Lâm (Cam Ranh, Khánh Hòa) đến dọn vệ sinh và trồng cây tri ân các liệt sĩ.

Trong dòng chảy và nghĩa cử cao đẹp ấy, có nhiều cựu binh Gạc Ma- những người sống sót trở về sau trận tàn sát của Hải quân Trung Quốc. Họ đến để thắp nén hương lên ngôi mộ gió và kính cẩn nghiêng mình trước anh linh đồng đội.

Những ngôi mộ gió trong khuôn viên Những người nằm lại phía chân trời.

Lần thứ ba đến Tượng đài Những người nằm lại phía chân trời, cựu binh Nguyễn Văn Chương- nguyên Chỉ huy phó quân sự đảo Gạc Ma có nhiều nỗi niềm chung riêng xúc động. Ông đến từng ngôi mộ gió thắp nén hương trước anh linh đồng đội.

Mộ nào, ông cũng đưa tay chào và nghiêng mình kính cẩn nói trong xúc động: “Đây là nơi yên nghỉ cuối cùng. Đồng đội hãy yên nghỉ nhé”. Ông Chương chia sẻ từ đáy lòng mình: “Tôi không quên được ngày sống ở Gạc Ma, chỉ huy với lính như anh em một nhà. Cứ đến ngày 14.3, đêm nằm nước mắt chảy dài, thương anh em vô cùng”. Ông Chương khóc, giọt nước mắt người cựu binh sống sót trở về từ đảo đá Gạc Ma rơi nhòa trên mộ gió đồng đội.

Ông Chương kể, ngày lên đường ra Gạc Ma ông tròn 18 tuổi. Theo tiếng gọi của Tổ quốc ông ra Trường Sa chẳng tiếc thân mình. “64 cán bộ chiến sĩ hy sinh trong trận Gạc Ma, thì hơn 90% ở tuổi mười tám, đôi mươi. Hầu như tất cả đều rất trẻ, chưa biết yêu là gì. Một vài sĩ quan cưới vợ xong rồi đi. Đó là lần đi không quay trở lại. Tui cũng như anh em ngày ấy, đi Trường Sa rất hăng hái. Biết có thể phải hy sinh, phải nằm lại biển khơi nhưng phải lên đường”- ông Chương hồi tưởng lại.

Cựu  binh Nguyễn Văn Chương (đi đầu) trong hành trình "đưa linh hồn đồng đội từ Gạc Ma về lòng đất mẹ".

Ông Chương khóc. 32 năm trước ông khóc vì đồng đội hy sinh không tìm thấy thi thể. Hôm nay ông khóc trước 64 linh hồn đồng đội ẩn dưới 64 ngôi mộ gió. Giọt nước mắt nghèn nghẹn đau thương chen lẫn tự hào. “Đảo Gạc Ma bị Trung quốc chiếm trái phép từ đó. Và đúng 30 năm sau, linh hồn của 64 đồng đội được từ Gạc Ma được rước về bán đảo Cam Ranh này. Gọi là mộ gió bởi dưới từng ngôi mộ không có xương cốt, mà chỉ có tên từng liệt sĩ. Chúng tôi còn sống như ngày nay, biết bao chiến sĩ Trường Sa đã ngã xuống. Đời lính đã qua, nhiều cay đắng nhưng cũng lắm vinh quang”, ông Chương trải lòng.

Tràng hoa bất tử

Sau chặng hải trình trong sóng và ngược gió, tàu hải quân đưa chúng tôi đến vùng biển Gạc Ma- Cô Lin, Len Đao vào lúc xế chiều. Đây là các đảo nằm trong Cụm đảo Sinh Tồn mà 32 năm trước đã diễn ra "Sự kiện đau thương và bi tráng- Gạc Ma". Nghi thức thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ bắt đầu.

Thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ Trường Sa.

Viếng liệt sĩ Trường Sa.

Giữa biển nước mênh mông và hương trầm nghi ngút, tiếng trưởng đoàn công tác vọng vào sóng nước: “Để có được quần đảo Trường Sa vững chãi như ngày hôm nay, các anh đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Trước khi ngã vào lòng biển mẹ, Trung úy Đảo phó quân sự Trần Văn Phương đã hô vang "Hãy tô thắm lá cờ truyền thống quân chủng hải quân bằng máu của mình".

Lời nói đanh thép ấy là biểu tượng của đức hy sinh và lòng dũng cảm. Các anh ngã xuống cho Trường Sa trường tồn, cho biển cả mãi xanh. Sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử, mãi mãi được Tổ quốc ghi công, nhân dân biết ơn, thế hệ bộ đội Hải quân nhắc nhớ. Hãy yên nghỉ vĩnh hằng trong lòng biển mẹ, các anh nhé”.

Tất cả chúng tôi, từ sĩ quan đeo hàm đại tá đến chiến sĩ binh nhì; từ vị lãnh đạo cấp cao trong đoàn công tác đến nam thanh nữ tú lần đầu tiên đứng trước linh hồn 64 liệt sĩ giữa sóng nước Gạc Ma đều không cầm được nước mắt.

Tượng đài Gạc Ma bất tử

Cầm bông huệ trắng thả xuống dòng biển chảy xiết, chị Trần Thị Thủy – con gái của liệt sĩ Trung úy Trần Văn Phương, nói với linh cốt người cha nằm tận biển sâu: “Ba ơi, con đến với ba đây. Ba hãy yên nghỉ nhé”. Chị Thủy trải lòng: “Khi sinh ra em không biết mặt ba. Nghe mẹ kể ngày ba đi Trường Sa mẹ đã mang thai em. Ngày nhận được tin ba hy sinh, mẹ ôm bụng gào thét. Mỗi lần đến ngày 14.3 (ngày giỗ -PV), mẹ em lại đem ảnh ngày cưới ra xem”.

32 năm là quãng thời dài để người ta quên nhiều thứ. 32 năm vết bụi thời  gian phần nào làm lu mờ "sự kiện Gạc Ma". Nhưng đối đối với những người sinh ra 64 liệt sĩ vẫn khắc khoải một niềm đau

Hằng năm, cứ đến ngày 14.3, Mẹ Nguyễn Thị Hằng ở Quảng Trị lại ngồi bên mâm cơm với di ảnh con trai Hoàng Ánh Đông rồi khóc. 32 năm qua mẹ Hà Thị Liên (Hà Tĩnh) đặt tấm bia đá khắc tên con trai Đào Kim Cương trước giường ngủ. Tấm bia đá ngày càng nhẵn nhụi bởi ngày nào mẹ Liên cũng áp má vào đó như để tìm hơi thở con trai thổi về từ biển, Mẹ Lê Thị Muộn (trú phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đêm nào cũng mơ thấy con về. Và cũng 32 năm qua, cứ đến ngày 14.3, cựu binh Gạc Ma Trần Thiên Phụng lại làm mâm cơm cúng với 64 cái bát, 64 đôi đũa.

Mẹ liệt sĩ Gạc Ma chưa nguôi niềm đau mất con trai- Ảnh Đoàn Nguyên

Lịch sử đã sang trang mới, song lịch sử cũng không bao giờ quên “Sự kiện Gạc Ma 14.3” ngày ấy. Bởi để có cuộc sống biển đảo yên bình như hôm nay, 64 người lính hải quân đã anh dũng hy sinh quên mình vì Tổ quốc. Các anh đã thắp sáng trong tim hơn 90 triệu người dân Việt Nam về một tượng đài. Đó là đức hy sinh quên mình vì nhân dân, vì Tổ quốc, vì Trường Sa mãi mãi trường tồn.

64 liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến Trường Sa ngày 14 tháng 3 năm 1988, có 1 sĩ quan đeo quân hàm cấp trung tá, 2 sĩ quan cấp đại úy, 3 sĩ quan cấp thượng úy, 2 sĩ quan cấp trung úy, 2 sĩ quan thiếu úy, 1 sĩ quan chuẩn úy. Liệt sĩ là hạ sĩ quan chiến sĩ có 46 người (2 thượng sĩ, 9 trung sĩ, 11 hạ sĩ, 17 binh nhất, 7 binh nhì); hai quân nhân chuyên nghiệp, một liệt sĩ giữ chức thuyền trưởng, 4 liệt sĩ giữ chức phó thuyền trưởng, 1 liệt sĩ giữ chức đại đội trưởng, 3 người giữ chức trung đội trưởng, 2 chiến sĩ giữ chức tiểu đội trưởng. Trong 64 sĩ quan, chiến sĩ hy sinh ngày ấy, phần lớn ở tuổi mười tám, đôi mươi. 

Mai Thắng