BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngoại giao văn hoá - Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam

Cập nhật ngày: 24/03/2009 - 09:20

Ngày 23.3, tại Thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Ngoại giao tổ chức cuộc toạ đàm “Ngoại giao văn hoá - Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam” với Ngoại giao đoàn tại Việt Nam.

Đồng chí Phạm Gia khiêm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đến dự và phát biểu khai mạc cuộc toạ đàm. Tham dự  cuộc toạ đàm còn có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, các vị Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện, lãnh đạo thành phố Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc, lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch, đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương.

Cuộc toạ đàm lần này nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về việc tăng cường công tác ngoại giao văn hóa, tạo động lực mới cho ngoại giao Việt Nam trong tiến trình Hội nhập quốc tế và mở ra hoạt động trong năm “Ngoại giao văn hoá 2009”. Cuộc toạ đàm cũng là dịp để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động ngoại giao văn hoá của các nước; công tác vận động các nước và các tổ chức quốc tế hợp tác với Việt Nam trong việc triển khai hoạt động ngoại giao văn hoá nhằm đóng góp có hiệu quả vào tiến trình công nghiệp hoá-hiện đại hoá đất nước.

Năm 2009, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã xác định ưu tiên triển khai ngoại giao văn hoá là một trong 3 trụ cột của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam bên cạnh ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế. Quan điểm chủ đạo trong chính sách ngoại giao Việt Nam nói chung và ngoại giao văn hoá nói riêng là không chỉ nhằm thúc đẩy các lợi ích và giá trị riêng của quốc gia mà còn hướng tới những đóng góp cụ thể cho hoà bình và phát triển chung của thế giới.

Phát biểu tại buổi toạ đàm, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh: Ngoại giao văn hoá Việt Nam sẽ mang Việt Nam ra thế giới và mang thế giới về với Việt Nam. Đó là một Việt Nam phát triển và đang mở rộng chính sách đa phương hoá, đa dạng hoá các mối quan hệ, sẵn sàng làm bạn với tất cả các quốc gia trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Đó là một Việt Nam tươi đẹp với bản sắc văn hoá dân tộc được tích luỹ qua hàng nghìn năm phát triển trong bức tranh văn hoá muôn màu, đa dạng và phong phú của nhân loại.

Tại buổi toạ đàm, các đại biểu đã được nghe các tham luận của các nhà ngoại giao kỳ cựu, các vị Đại sứ, các Trưởng cơ quan đại diện tại Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm hay, những bài học quý trong ngoại giao văn hoá của từng quốc gia và của cá nhân. Đây là những bài học bổ ích cho Việt Nam trong quá trình thực hiện ngoại giao văn hoá và cũng chính là cầu nối để các quốc gia, các dân tộc hiểu nhau hơn, gắn bó với nhau hơn vì một tương lai tươi đẹp cho mỗi quốc gia và của toàn nhân loại.

(Theo CPV)