Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
1. Ngoại Tám là cô ruột má tôi, tức em ruột ông ngoại. Nhà ngoại chỉ có hai anh em nên nghe nói thương nhau dữ lắm. Nghe kể: hồi ông ngoại mất, ngoại Tám bỏ ăn bỏ ngủ, khóc sưng húp mắt mất mấy ngày.
Ðương nhiên, má tôi cũng rất thương ngoại Tám.
Thương mà chửi. Xót quá nên chửi. Má chửi rất ác miệng, gọi ngoại Tám là “đồ điên”. Sao mà dại dữ không biết. Gặp tao là tao đá hất, tao bỏ cho lăn lê trào máu mà chết... Thôi, tôi nạt, má nói gì nghe ghê quá! Ghê gì mà ghê, mày nghĩ coi: cả đời làm đầy tớ, làm đồ chơi, làm cái máy đẻ con cho ổng; vậy nhưng có khi nào ổng coi bả (bà ấy) là vợ chưa? Lúc còn đi đứng được đã khắc bạc; giờ nằm một chỗ miệng vẫn còn bai bải chửi rủa, hạch sách đủ điều. Chia tay rồi chớ ràng buộc chi đâu; vậy mà cun cút đi lo uống lo ăn, lo đổ cứt đái, lo phục dịch đặng mà… nghe chửi! Má phân tích ra xem cũng có lý. Tôi nghe, thở dài, im.
Có lần tôi lẩn thẩn hỏi má: má nè, hồi xưa ông bà ngoại Tám lấy nhau có… yêu nhau không mà giờ ghét nhau dữ dị (vậy)? Má trợn mắt: yêu đương gì, mày? Hồi nẳm cha mẹ đôi bên cứ dòm lại dòm qua, thấy được được là… ráp, cưới luôn. Gái trai chưa có ý cha mẹ mà to gan gặp nhau là… ăn roi, ở đó đòi yêu với iếc! À ra vậy. Giờ thì tôi có thể hình dung ra khởi đầu cuộc hôn nhân của bà ngoại Tám. Không có yêu đương, rõ như lòng bàn tay, vậy chắc là môn đăng hộ đối. Nghe kể ông Hai Khe (chồng ngoại Tám) nhà giàu, con một nên ông bà cố ưng là phải. Còn ngoại Tám ưng hay không ưng đâu quan trọng. Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, sách xưa dạy rồi.
2. Ba tôi thường bảo: cha mẹ đặt tên ông dượng (tức chồng ngoại Tám) là “Khe” quả không sai. Ổng khắt khe quá nên vợ chồng khó sống. Khắt khe gì, má tôi vặc lại, khùng khùng thì có. Ai đời vợ con đầu gối tay ấp mà coi như đầy tớ, hở chút mắng chửi. Ai đời vợ chồng chia tay con mình đẻ không nuôi. Ai đời…
Thôi thôi, cái miệng bà, “gây khẩu nghiệp” bây giờ. Ba lật đật bụm miệng không cho má nói tiếp. Biết mà, khi nào chẳng vậy, nhắc tới ông dượng quý hoá là má tôi nổi điên. Không “dập lửa” kịp thời má sẽ lồng lên rủa xả cho tới mệt lử rồi chiều… bỏ cơm.
Biết vậy cho nên dù rất tò mò tôi cũng không dám hỏi má. Có điều, chắp nối từ những lời cảm thán của ba, từ những cơn thịnh nộ của má, tôi cũng dần hình dung ra tính cách ông Hai Khe. Ðúng là… quái gở! Không vũ phu nhưng gia trưởng, độc đoán.
Ông muốn gì là ngoại Tám phải làm theo cấm cãi, kể cả những ý muốn khùng điên trái khoáy. Không nghe theo là ông chửi, chửi tới mức “đào mồ cuốc mả” tận chín đời nhà ngoại Tám mới thôi. Con cái ra đời cũng được ông Hai “cai trị” theo cung cách không khác đối với vợ.
Ðừng ai hỏi ông Hai có thương vợ con không, đó thuộc loại “câu hỏi lớn không lời đáp”. Riêng tôi, tôi cứ (võ đoán) đáp ào là không. Cái đáp án đầy nghịch lý bởi nó hoàn toàn trái quy luật tự nhiên. Vợ thì có thể không thương, nhưng con- những đứa con do máu thịt mình tạo nên- sao không thương được? Ấy vậy mà rành rành ông Hai không thương.
Bằng chứng là ông không nuôi, không lo. Ngày tuyên bố ly hôn mạnh ai nấy sống, ông Hai chấp nhận chia đôi nhà đất, của cải nhưng con thì không chia. Mười đứa con lớn bé tổng cộng ông… đẩy dồn hết cho ngoại Tám. Mặc cho ngoại gào la (ông là cha, ông phải có trách nhiệm cùng tui nuôi con chớ?), ông Hai đáp tỉnh: chúng nó con gì tui? Bà có lỗ, bà đẻ thì bà tự nuôi chớ tui đâu có lỗ?
Kết cục, gào la cho đã rồi ngoại Tám cũng đành phải chấp nhận. Cha bỏ con được chứ mẹ nào có thể bỏ con (xin lỗi các đấng mày râu, đừng ai “ném đá” tôi vụ nói xấu đàn ông. Cái vụ này thì- không cứ gì hồi xưa- bây giờ vẫn còn nhan nhản).
Tiếng ly hôn nhưng là tự thoả thuận, không có bàn tay pháp luật “hộ tống”. Ðương nhiên, ngoại Tám không có quyền đòi pháp luật can thiệp (mà nếu có cái quyền ấy, dốt nát tối tăm như ngoại chắc cũng không bao giờ biết/dám dùng), vậy là lo cun cút bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà cày cuốc, làm thuê nuôi con.
Mười cái tàu há mồm sự sống trông cả vào phần tài sản được chia cùng thân hình gầy quắt giơ xương của người đàn bà tuổi bốn mươi ba, cân nặng cũng chừng ấy ký lô. Chỉ sự sống thôi, bởi chuyện học hành đương nhiên là… xa xỉ. Mười đứa con không đứa nào qua nổi cái lớp 5. Sống. Lớn. Còn được dựng vợ gả chồng cho là đã quá may. Ba tôi luôn tấm tắc: Cô Tám đúng là “thiên tài”, giỏi thiệt. Má tôi không nhịn được lại ra miệng: Ừ, “thiên tài” đó. Nên giờ mới gánh “thiên tai”.
Cái “thiên tai” má muốn nói chính là ông Hai Khe. Mấy năm nay đổ bịnh liệt giường, nằm luôn một chỗ.
3. Gia tài chia đôi, phần ngoại Tám lao đao do nheo nhóc một bầy con nhưng ông Hai thì rủng rỉnh. Ông bán bò, bán đất đem cho vay nặng lãi lấy tiền ăn chơi cờ bạc. Chơi chẵn mười mấy năm, tới lúc bầy con được ngoại Tám chăn dắt trưởng thành, dựng vợ gả chồng xong thì ông Hai cũng vừa vặn… sạch túi.
Tôi có vài lần sang ngoại Tám chơi lúc còn nhỏ. Ngôi nhà gạch xây tương đối bề thế, có điều chưa kịp tô trát. Ấy là nói lúc ông bà chưa chia tay. Chia tay rồi thì nhà ngăn đôi, ông nhà trên bà cùng lũ con ở nhà dưới. Nhà chung không ai sửa đương nhiên ngày càng xuống cấp, xập xệ. Xập xệ kệ đi, còn ở được cứ ở. Nhà dột, mùa mưa phải mang thau chậu hứng lung tung.
Ngoại Tám đương nhiên không tiền sửa còn ông Hai Khe thì… ngu gì sửa? Ông tuyên bố: sống hết đời tao rồi nhà cửa cũng về tay mẹ con nó, tao dại gì tốn kém vô duyên? Câu ấy lý giải vì sao từng ấy năm ông ra sức ăn chơi xài phá, cố tiêu cho đến đồng bạc cuối cùng trước khi nhắm mắt xuôi tay. Bán sạch sành sanh. Duy nhất sót ngôi nhà đang ở. Nhà chung, và lại là chỗ trú thân nên ông không thể bán.
Chưa hết, gần tới cuối đời ông Hai còn bệ rạc hơn cả mức tưởng tượng. Trắng tay, bệnh tật do một đời truỵ lạc ăn chơi, giờ thì ông sinh tồn bằng cách… ăn trộm cơm nhà ngoại Tám. Nhà chia đôi, ngăn tạm bằng tấm cót (phên) ép lách cái là qua.
Ðợi ngoại Tám đi làm ông Hai lén chui sang. Gặp cá gắp cá, gặp cơm xới cơm. Cùng cực không có gì cũng lén xúc chén gạo về tự nấu. Ngoại Tám kêu trời nhưng không nỡ tuyệt tình bởi biết ông Hai Khe đang đói. Lũ con về thăm nghe chuyện, điên máu: Ðể cho ổng chết! Cả đời ổng có biết thương ai đâu mà giờ mẹ phải thương? Nói vậy nhưng chúng đi rồi thì ngoại vẫn để hé tấm cót, chỉ dặn: ông có ăn thì cũng nhớ một vừa hai phải, chừa phần cho tui…
Vậy nhưng cái khổ chia cơm sớt cá ấy chưa là gì nếu tính tới lúc ông Hai Khe đột quỵ, nằm liệt. Ðây mới chính là “thiên tai” (theo cách gọi của má tôi) rớt xuống đầu ngoại. Con cái dứt khoát bỏ, đương nhiên ngoại Tám là người… nuôi. Hàng xóm người nói vô một câu (thôi, coi như bà làm phước. Dù gì cũng từng là vợ chồng…
Ủa, mà ông bà đâu có ly hôn, không phải vẫn vợ chồng sao?), ngoại Tám mềm lòng, nhận. Nhận thì phải lo cun cút phục dịch: tắm rửa ỉa đái, nước rót cơm bưng, lại còn phải lo đi kiếm tiền để mua nước mua cơm, khổ không thua cái thời được vinh dự “ôm show” mười đứa con rồng rắn. Mà không, khổ hơn, bởi ông Hai Khe bị liệt tứ chi nhưng miệng mồm ông không bị liệt. Không liệt nên buồn miệng hay bệnh tật nổi hành thì ông… chửi. Chửi vung cả trời đất, cả con cái xóm làng, dòng tộc thân sơ.
Trời thì cao, con cái xóm làng dòng tộc đâu ai rảnh tới để nghe, vậy nên cái đích chửi “ngon ăn” nhất vẫn là… ngoại Tám. Hành hạ ngoại Tám với ông Hai gần như cái thú bệnh hoạn cuối cùng ông còn được hưởng. Vậy nên ông hết sức tận dụng- từ chuyện rủa xả, hất đổ cơm canh tới những hành vi tệ hại hơn như… bài tiết ra giường xong cố tình trây trét cho thúi rùm.
Ngoại Tám từ ngoài chạy vô kêu đất kêu trời thì ông hổn hển: mày hận tao lắm phải không? Mày giết tao đi. Tao không muốn sống vầy nữa… Mày, tao, đó là cách xưng hô quen thuộc của ông Hai Khe với vợ mỗi lúc cơm không lành canh không ngọt.
Còn nữa: cái yêu cầu kia từ lúc đổ bệnh không biết ông Hai đã yêu cầu ngoại Tám tới lần thứ mấy? Ngoại Tám như không nghe thấy. Ngoại lại lụm cụm lấy nước lấy khăn bưng đi lau rửa giường chiếu. Mặt ngoại thản nhiên như không còn cảm xúc.
À mà không, đó là một biểu cảm của trạng thái nhẫn nhục đã được tôi rèn đến mức… thượng thừa thì đúng hơn. Có lần má tôi nghe chuyện, không kiềm chế được đã gọi ngoại Tám là “đồ điên” ngay trước mặt ngoại. Không giận dữ, ngoại đáp bằng giọng tỉnh bơ: Ừ, điên. Tao biết tao điên từ khi nhận làm vợ ổng. Giờ lỡ rồi, thôi điên luôn cho… trọn gói. Má tôi tuyệt vọng giơ hai tay lên trời.
4. Ông Hai Khe chết.
Vật vã mấy năm trường, mong ước (chết) của ông cuối cùng cũng được ông trời thành tựu thay cho… ngoại Tám. Nghe nói trước lúc chết chừng mươi bữa ông Hai đột ngột đổi tính, hiền như biến thành người khác. Phút hấp hối ông còn cầm tay ngoại Tám thều thào: Tui… một đời… làm khổ bà, bà… oán… tui… lắm… phải không? Ngoại Tám nhìn ông trân trân, cái nhìn câm lặng như xưa giờ trước mặt chồng ngoại vẫn quen cái nếp lặng câm.
Bà… oán là đúng. Tui… sai quá rồi. Tui… xin lỗi! Kiếp sau nếu… có làm người… xin để bà làm chồng còn tui… làm… vợ… Ông Hai đột ngột rướn lên, há mồm hớp hớp không khí trước lúc duỗi thẳng, ngoẹo đầu qua bên. Từ đôi mắt lạc thần hai dòng nước mắt ứa ra. Ðôi mắt đứng tròng vẫn cứ mở to, chăm chăm nhìn ngoại Tám.
Má kể: lâu rồi má mới thấy ngoại Tám lại chảy nước mắt.
*
Ðám tang ông Hai ba má tôi túc trực trăm phần trăm. Nghĩa tử nghĩa tận, ba tôi bảo. Má tôi hơi cự nự nhưng rồi cũng làm theo. Mồ yên mả đẹp cho ông Hai xong, thấy ngoại Tám cứ thẫn thờ ra vô, má hỏi chọc: sao cô buồn dữ? Bộ cô còn… nhớ thương ổng lắm há? Ngoại Tám cười gượng: Hổng biết thương hay ghét, nhưng sao bữa giờ ổng “đi” tao cứ thấy bần thần…
Y.N