Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngôi nhà trâu đực, trâu cái của người Sán Chay

Cập nhật ngày: 22/04/2013 - 05:57
HTML clipboard

Người Sán Chay có hai nhóm Cao Lan và Sán Chỉ cư trú ở các tỉnh miền núi, Trung du Bắc Bộ. Bà con sinh sống theo làng và mỗi gia đình đều có khuôn viên cùng với mảnh vườn sinh thái. Kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Sán Chay đến nay vẫn bền vững dẫu có một bộ phận chuyển sang sống nhà đất, hoặc cùng lúc vừa ở nhà sàn, vừa ở nhà đất

Người Sán Chay cho biết, từ xa xưa tổ tiên họ đã ở nhà sàn với hai kiểu nhà trâu đực, trâu cái. Đây chính là nét độc đáo kiến trúc dân gian trong văn hoá cư trú Sán Chay.

Ngôi nhà của dân tộc Sán Chay tại Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Ngôi nhà trâu cái

Nhà trâu cái vì kèo bốn cột, các cột liên kết với nhau bằng bộ kèo và dầm sàn không có xà ngang, câu đầu. Các vì kèo liên kết với nhau bằng đầu dọc. Nhà chỉ có hai vì kèo nên các cột đặt trên mặt bằng nền nhà gần như là hình vuông. Nhà có bốn mái, diện tích mái gần bằng nhau, lợp cỏ gianh. Vách nứa được quây kín từ mái tới suốt mặt nền, che cỏ phần gầm sàn sát mặt đất. Nhà sàn thấp nên không có cầu thang, chỉ có mẩu gỗ làm bậc lên xuống.

Trong nhà có nơi thờ gia trạch, khu vực bếp núc, các phòng nhỏ ngăn vách nứa đan thưa. Phòng góc trái là gian tiếp khách, các phòng còn lại giành cho gia chủ, phía cuối là kho chứa lương thực. Gần sàn là nơi nuôi nhốt trâu bò, gà vịt.

Ngôi nhà trâu đực

Nhà trâu đực thường được coi là nhà phụ, nhà ngang, vì kèo chỉ có ba cột, một cột cái chính giữa nóc và hai cột con hai bên liên kết với nhau bằng dầm sàn. Cách bố trí mặt bằng sinh hoạt cũng tương tự như nhà trâu cái.

Với người Sán Chay ở miền núi và Trung du Bắc Bộ, việc gìn giữ được đến ngày nay kiểu nhà trâu đực, trâu cái là sự bảo tồn kiểu nhà truyền thống cổ xưa nhất. Tính chuẩn mực và đặc trưng ổn định của kiểu nhà sàn cổ nguyên sơ này rất tiêu biểu cho văn hoá nhà sàn vùng núi thấp.

Theo sự giao lưu biến đổi, một số vùng đồng bào Sán Chay ngày nay tiếp thu, biến đổi ngôi nhà truyền thống của mình. Vẫn mang dáng dấp nhà trâu cái, nhà trâu đực nhưng đã được cải biến thành nhà sàn, nửa đất hoặc nhà chính là nhà sàn, nhà phụ là nhà đất, nhà sàn có vì kèo năm cột, nhà sàn hai gian hai chái hình chữ nhật để mở rộng không gian sử dụng.

Không gian nhà ở

Người Sán Chay rất quý trọng khách khứa tới thăm nhà, nên với kiểu nhà nửa sàn, nửa đất hoặc nhà chính, nhà phụ bà con vẫn dành gian đầu hồi bên phải là không gian tiếp khách riêng. Bước vào cửa là bàn ghế để tiếp đón, đãi khách đến nhà. Lùi về phía sau giáp vách nhà là giường dành cho khách. Gian giữa là nơi chốn của chủ nhà. Phía trước có bộ phản gỗ bóng loáng, giáp đố hậu đặt tủ chè, trên đó có bát hương thờ cúng tổ tiên của gia chủ. Gian nhà bên trái dành cho con trai, chỉ kê một cái giường. Đàn bà con gái trong nhà thường ở nhà phụ, nhà trâu đực, nơi để cót thóc. Có nơi chỗ ở của phụ nữ và trẻ em, cót thóc để ở nhà chính, nhà trâu cái nằm ở phía sau giường chủ nhà, giường con trai. Trong trường hợp này, nhà phụ dành cho không gian bếp núc chứa đồ ăn thức uống. Đó chính là những nét cư trú mang yếu tố cổ xưa của người Sán Chay mà ngày nay nhiều vùng vẫn còn tồn tại không dễ gì pha trộn.

Coi trọng nơi cất trữ lương thảo

Ngôi nhà trâu đực, trâu cái phản ánh đậm nét người Sán Chay, là cư dân nông nghiệp truyền thống, canh tác lúa nước thành thạo gắn bó mật thiết với nương rẫy ruộng vườn, vật nuôi gia súc, gia cầm. Chính vì vậy, trong không gian nhà ở, nơi quan trọng là bồ thóc cất trữ lương thảo. Đồng bào có nghi lễ dựng bồ thóc rất độc đáo.

Lễ dựng bồ thóc không làm tại nhà mà diễn ra tại ruộng. Ngày gieo hạt, chủ nhà đến ruộng từ sớm, chẻ khúc nứa làm bốn mảnh, sau đó cắm thành ô vuông. Ba mảnh nứa cắm cả hai đầu, nơi đó được như bồ thóc trong tín ngưỡng dân gian. Chủ nhà đặt vào trong một gói muối khô và một ống nứa đựng đầy nước, gieo quanh đó mười hai hốc lúa. Sau đó mới tra hạt cho cả ruộng, nương.

Lúc tra lúa phải đi theo cặp một nam, một nữ. Nam đi giật lùi, vừa đi vừa chọc hốc. Nữ ở phía đối diện khom người bước tiến vừa đi vừa gieo hạt vào hốc do người nam chọc ra. Cặp đôi chọc hốc tra hạt phải là tâm đầu ý hợp, mau mắn, có duyên, theo quan niệm của đồng bào như vậy lúa mới tốt, mùa màng mới bội thu, bồ thóc trong nhà mới đầy. Tra xong ruộng rẫy, chủ nhà trở lại chỗ bồ thóc tín ngưỡng cắm nốt đầu thanh nứa còn lại. Chủ nhà cắm thêm hai bông lau cạnh gói muối và ống nước, nói lời cầu mong cho lúa cây to cao như cây lau, coi đó là nghi lễ đóng bồ thóc.

Theo langvietonline