BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024):

Ngôi “Sao đỏ” của cách mạng Việt Nam 

Cập nhật ngày: 02/04/2024 - 10:14

Dành trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được đồng chí, đồng nghiệp trân trọng gọi với cái tên thân thương “Sao đỏ”, “Anh Cả”, “Anh Cả Đỏ”.

Tấm gương sáng về tinh thần kiên cường, bất khuất, về đạo đức cách mạng cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư và tác phong cần cù, giản dị của đồng chí Nguyễn Lương Bằng được Đảng tin, nhân dân yêu mến, cảm phục.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm khu trưng bày tư liệu lịch sử về đồng chí Nguyễn Lương Bằng tại Nhà tưởng niệm ở xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện (tỉnh Hải Dương). Ảnh: Quỳnh Nga

Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sinh ngày 2-4-1904 trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại thôn Đông, xã Đoàn Lâm, tổng Đoàn Lâm (nay là thôn Đông, xã Thanh Tùng), huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.

Năm 1925, đồng chí Nguyễn Lương Bằng gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được giác ngộ, kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Ngay sau khi hoàn thành khóa huấn luyện ở Quảng Châu (Trung Quốc), đồng chí xung phong về nước hoạt động để thiết lập hệ thống liên lạc, xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán, gây dựng các cơ sở, tổ chức cách mạng. Tháng 10-1929, tại Hồng Kông (Trung Quốc), đồng chí Nguyễn Lương Bằng được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng và là một trong những đảng viên cộng sản thế hệ đầu tiên.

Trong những năm tháng hoạt động cách mạng dưới chế độ thực dân, đồng chí bị địch bắt ba lần và hai lần tổ chức vượt ngục, trở về hàng ngũ, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Sau khi vượt ngục thành công lần thứ hai (năm 1943), đồng chí được Thường vụ Trung ương Đảng giao phụ trách công tác tài chính và công tác binh vận, tham gia Ban lãnh đạo của Tổng bộ Việt Minh.

Tại Hội nghị toàn quốc của Đảng năm 1945 ở Tân Trào (Tuyên Quang), đồng chí được bầu bổ sung làm Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng và được Quốc dân Đại hội Tân Trào bầu vào Thường trực của Ủy ban Dân tộc giải phóng gồm 5 người (Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí: Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Dương Đức Hiền). Đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã tham gia lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám; tham gia phái đoàn của chính quyền cách mạng tiếp nhận lễ thoái vị của Bảo Đại.

Sau khi đất nước giành được độc lập, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là đảng viên lớp đầu tiên, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, được Đảng tin tưởng, giao nắm giữ nhiều trọng trách, như: Trưởng ban Kinh tế - Tài chính Trung ương, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương, Tổng Thanh tra Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ, Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã thể hiện rõ phẩm chất người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, tận trung với nước, tận hiếu với dân, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cống hiến trọn đời cho sự nghiệp của Đảng

Khi được giao trọng trách Trưởng ban Kinh tế - Tài chính Trung ương, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy kinh tế - tài chính từ Trung ương đến các khu, tỉnh; triển khai nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn về kinh tế - tài chính, song hành với việc xây dựng đội ngũ cán bộ tài chính Đảng có phẩm chất, năng lực để phát triển các ngành kinh tế, tài chính then chốt của nước nhà.

Khi được giao nhiệm vụ Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã dồn hết tâm trí xây dựng nền móng của Ngân hàng Quốc gia. Chỉ 1 tháng sau khi Ngân hàng Quốc gia được thành lập, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, giấy bạc ngân hàng được phát hành và nhanh chóng được nhân dân hưởng ứng. Giấy bạc cũng đã theo cán bộ địch hậu đi sâu vào vùng địch tạm chiếm, đẩy lùi giấy bạc Đông Dương, khẳng định chủ quyền tiền tệ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trên cương vị đại sứ đầu tiên của nước ta tại Liên Xô từ năm 1952, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã tích cực góp phần vào việc làm cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân Liên Xô hiểu rõ và ủng hộ cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của Việt Nam, tạo điều kiện để hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước tăng cường tình đoàn kết, gắn bó.

Thực hiện nhiệm vụ là Trưởng ban Kiểm tra Trung ương, Tổng Thanh tra Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã chỉ đạo sâu sát công tác kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ nghiêm kỷ luật Đảng, nhất là những nội dung liên quan đến công tác cán bộ, chỉnh đốn tổ chức; vấn đề cải cách ruộng đất, đơn thư khiếu nại tố cáo…

Đặc biệt, khi trở thành Phó Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã có những đóng góp quan trọng, tập trung vào mục tiêu cao nhất là xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; xây dựng, kiện toàn bộ máy nhà nước, chăm lo xây dựng Đảng; phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng lực lượng vũ trang; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Lương Bằng là tấm gương cao đẹp của một người cộng sản mẫu mực, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân. Trong lao tù của thực dân, đồng chí không ngại hy sinh, gian khổ, kiên cường, bất khuất trước kẻ thù. Khi thành lập chính phủ liên hiệp, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cùng một số đồng chí lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh đã tự nguyện rút khỏi Chính phủ lâm thời để các nhân sĩ, trí thức tiêu biểu có cơ hội tham gia bộ máy lâm thời.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Đó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học”.

Tấm gương mãi mãi tỏa sáng

Khi giữ vị trí, chức vụ cao trong Đảng, Nhà nước, đồng chí luôn là tấm gương về cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, nói đi đôi với làm; sống khiêm tốn, giản dị, có tình nghĩa, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào. Với những công lao to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Ðánh giá về đồng chí Nguyễn Lương Bằng, nguyên Tổng Bí thư Ðỗ Mười trân trọng ghi nhận: “Anh Nguyễn Lương Bằng, “Anh Cả” quý mến của chúng ta đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc. Anh Cả là tấm gương sáng về tinh thần cách mạng kiên cường, bất khuất, về đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và tác phong cần cù, giản dị; là người lãnh đạo, người đồng chí được toàn Ðảng, toàn dân yêu mến, cảm phục”.

Trong bản Điếu văn đọc tại Lễ tang đồng chí Nguyễn Lương Bằng ngày 23-7-1979, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam xúc động chia sẻ: “Anh Cả kính mến và thân yêu, trái tim anh đã ngừng đập. Nhưng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta rất tự hào về Anh, về đồng chí “Sao Đỏ”, đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Đồng chí năm nay vừa tròn 75 tuổi, kể từ khi giác ngộ, đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp cách mạng. Tấm gương của đồng chí là giá trị tinh thần, mãi mãi tỏa sáng đối với nhiều thế hệ những người cộng sản và thanh niên ta, nhân dân ta. Tinh thần cách mạng, đạo đức cộng sản chủ nghĩa của đồng chí là bất diệt”.

Gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng, lãnh đạo, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện, “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Học tập, noi gương đồng chí Nguyễn Lương Bằng là chúng ta học tập về sự gắn kết nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng; tranh thủ thời cơ và sự ủng hộ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cho cuộc đấu tranh cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta. Đó là tinh thần nêu gương sáng về đạo đức của người cộng sản, tình đoàn kết đồng chí trong sáng, luôn dấn thân, sâu sát phong trào cách mạng, luôn tin tưởng và phát huy sức mạnh to lớn của quần chúng cho cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân ta.

Nguồn hanoimoi