Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngôi trường chắp cánh ước mơ cho học sinh dân tộc thiểu số
Thứ sáu: 05:12 ngày 17/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhiều em sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông đã tiếp tục học lên cao đẳng, đại học và đang làm giáo viên, bác sĩ, ngân hàng, bất động sản; đặc biệt, có một cựu học sinh nữ của trường đang làm giảng viên ở một trường cao đẳng tại TP. Hồ Chí Minh.

Năm học 2011-2012, Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh khai giảng năm học đầu tiên. Đây là ngôi trường nội trú (công lập) duy nhất trên địa bàn tỉnh dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số và một số học sinh dân tộc Kinh nhưng sinh sống ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Bà Lê Thị Tươi- Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú cho biết, vào mỗi năm học, nhà trường cử cán bộ, giáo viên đến từng địa phương để tuyển sinh. Năm năm đầu hoạt động, cán bộ, giáo viên của trường kết hợp với chính quyền các địa phương đến từng nhà thống kê, vận động học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số đi học.

Năm năm tiếp theo, hoạt động giáo dục đã đi vào nền nếp, việc vận động học sinh nhập học thuận lợi hơn. Hiện tại, nhà trường có hai cấp học, gồm trung học cơ sở và trung học phổ thông, tổng cộng hai mươi lớp học. Chế độ, chính sách dành cho giáo viên, nhân viên, học sinh được thực hiện đúng, đủ và kịp thời theo quy định.

Do học lực của học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số có những hạn chế nhất định, nên ngoài giờ học chính khoá trên lớp, nhà trường phân công giáo viên dạy kèm, củng cố kiến thức cho học sinh vào buổi tối các ngày trong tuần, từ 19 giờ đến 20 giờ.

Về chất lượng, hiệu quả giáo dục, bà Lê Thị Tươi nhìn nhận, theo từng năm, chất lượng giáo dục được cải thiện, củng cố. Ví dụ, kết quả thi tốt nghiệp đối với học sinh lớp 12 năm sau cao hơn năm trước, những năm học gần đây, 100% học sinh của nhà trường được công nhận tốt nghiệp; giai đoạn đầu, có năm học chỉ đạt 60% học sinh tốt nghiệp. “Chất lượng đầu vào của nhà trường không cao, nhiều em học lực yếu. Nhà trường đã rất nỗ lực mới có kết quả như vậy”- bà Tươi đánh giá.

Không chỉ hoạt động giáo dục đơn thuần (theo chương trình, chuyên môn), lãnh đạo nhà trường cho hay, việc thành lập ngôi trường dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn còn đạt được nhiều mục đích khác.

“Nhà trường hiện có học sinh của 13 dân tộc khác nhau, không chỉ đi học, các em về đây còn có thể giao lưu văn hoá giữa các dân tộc và đặc biệt, thể hiện tinh thần đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam”- bà Lê Thị Tươi đánh giá ý nghĩa của việc thành lập ngôi trường chuyên biệt này.

Lãnh đạo nhà trường thông tin thêm, hằng năm, theo quy định, nhà trường họp phụ huynh học sinh và điều đáng mừng là, hầu hết phụ huynh đều có mặt ở trường để trao đổi, nắm bắt việc học, việc ăn ở của con em mình. Một cách khái quát, nhà trường nhận được sự đồng tình, hỗ trợ, phối hợp tốt từ phụ huynh học sinh.

Đối với học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số, có một vấn đề không thể không đề cập, đó là tỷ lệ học sinh nữ nhập học. Ông Lê Minh Trung- Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú Tây Ninh thông tin, từ khi trường thành lập đến nay, số lượng học sinh nữ tăng lên, tỷ lệ bỏ học ngày càng giảm.

Những năm đầu thành lập, tỷ lệ bỏ học khoảng 9%-10%, mấy năm gần đây, tỷ lệ giảm còn dưới 5%. Theo thống kê của nhà trường, học lực của học sinh nữ con em đồng bào dân tộc thiểu số ngày một cao hơn.

Nhiều em sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông đã tiếp tục học lên cao đẳng, đại học và đang làm giáo viên, bác sĩ, ngân hàng, bất động sản; đặc biệt, có một cựu học sinh nữ của trường đang làm giảng viên ở một trường cao đẳng tại TP. Hồ Chí Minh.

Học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh.

“Chúng tôi muốn nhấn mạnh điều này, vì đối với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức, quan niệm ban đầu đối với các em gái là không cần phải học hành cao và lập gia đình sớm. Tuy nhiên, sau này suy nghĩ của phụ huynh đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi theo sự phát triển của tỉnh và cả nước, các em phải có kiến thức để lao động, xây dựng gia đình và xã hội, vượt qua những định kiến vốn có”- ông Lê Minh Trung phân tích.

Ông Trung nhìn nhận, Trường phổ thông Dân tộc trú Tây Ninh ra đời kịp thời, phù hợp tình hình của địa phương, đúng với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, tạo nên sự hoà hợp dân tộc. Mỗi năm, nhà trường tiếp nhận học sinh của 12-13 dân tộc về đây sinh sống và học tập. Mỗi phòng trong ký túc xá của trường có từ 6-8 em thuộc 3-4 dân tộc khác nhau ở chung, không còn bố trí nơi ở cho các em theo từng dân tộc như giai đoạn ban đầu.

Em Hà Thị Thuỳ Dung, học sinh lớp 12A3 Trường phổ thông Dân tộc nội trú Tây Ninh, quê ở huyện Bến Cầu, nhập học vào trường từ năm lớp 6. Dung cho biết, ngoài việc học, niềm vui lớn nhất là được gặp nhiều bạn mới, giao lưu, biết thêm nhiều dân tộc, được thầy cô giúp đỡ trong những lúc khó khăn. Thầy cô ở đây rất thân thiện, giúp đỡ học sinh nhiệt tình.

Theo Phạm Văn Linh (dân tộc Mường, ngụ xã Tân Lập, huyện Tân Biên), học sinh lớp 8 Trường phổ thông Dân tộc nội trú Tây Ninh, ở ngôi trường chuyên biệt này, em học hỏi nhiều điều hay từ các bạn đến từ nhiều dân tộc khác nhau. “Các bạn rất tốt, hoà đồng, bạn chung phòng vui vẻ, thức ăn ở đây ngon miệng. Anh trai của em từng học ở đây và đang theo học đại học ngành giao thông vận tải. Ba mẹ em luôn khuyên con cái cố gắng học hành”- Linh chia sẻ.

Côm Niên, học sinh lớp 6A2, dân tộc Khmer, nhà ở huyện Châu Thành cho biết, những ngày đầu nhập học em còn lạ, bỡ ngỡ, nhưng qua học kỳ đầu tiên đã quen dần với ngôi trường. Theo nhận xét của Côm Niên, điều kiện ăn ở của nhà trường thuận lợi, thầy cô quan tâm chu đáo, tận tình. “Em thấy cơm ở đây nấu rất ngon, ba mẹ em muốn em học hết lớp 12 rồi sẽ tiếp tục học lên cao. Em muốn học ngoại ngữ để trở thành phiên dịch viên”- cô học sinh người Khmer bày tỏ nguyện vọng.

Học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh trong giờ ăn trưa

Nhìn lại chặng đường 10 năm, khó khăn, bất cập chưa phải đã hết nhưng cái được lớn nhất, có ý nghĩa nhất của ngôi trường nội trú công lập duy nhất ở Tây Ninh là con em đồng bào dân tộc thiểu số và một số lượng nhất định học sinh dân tộc Kinh ở vùng sâu vùng xa được tạo điều kiện thuận lợi nhất để học hành. Chính từ ngôi trường này, nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số được học hành đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm, góp phần xây dựng quê hương, bản làng.

Trường phổ thông Dân tộc nội trú thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý học sinh dân tộc nội trú; đảm bảo các điều kiện để học sinh dân tộc nội trú được học tập, ăn, ở và sinh hoạt an toàn tại trường.
2. Tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù phù hợp với học sinh dân tộc nội trú.
3. Giáo dục học sinh về chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; bản sắc văn hoá và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam; ý thức tham gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
4. Giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề truyền thống phù hợp với năng lực, phẩm chất của học sinh, điều kiện và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
5. Theo dõi, thống kê số lượng học sinh, đánh giá hiệu quả giáo dục hằng năm và theo từng giai đoạn để xây dựng các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của trường PTDTNT 
(trích Thông tư 04, ngày 23.2.2023 về quy chế tổ chức và hoạt động 
của trường phổ thông dân tộc nội trú).

 

Việt Đông - Hoàng Yến

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục