BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngôi trường dưới những tán rừng 

Cập nhật ngày: 24/07/2023 - 06:01

BTN - Đến ngày 30.4.1975, ngôi trường ấy, tồn tại 13 năm dưới những tán rừng ở Tây Ninh. Đó là Trường nội trú Hoàng Lê Kha, một trong những trường học văn hoá đầu tiên của ngành Giáo dục cách mạng miền Nam, được Tỉnh uỷ Tây Ninh thành lập tháng 10.1962.

Nhiều thế hệ thầy cô giáo và cựu học sinh mừng rỡ trong ngày gặp lại. Ảnh: Đức An

Cơ sở ban đầu của trường đóng trong vùng giải phóng xã Tà Băng, huyện Châu Thành (nay là xã Phước Vinh, huyện Châu Thành). Để chuẩn bị khai giảng, thầy, cô giáo, công nhân viên và học sinh của trường cùng cắt tranh, đốn cây làm nhà để học và ăn ở.

Sau gần hai tháng xây dựng, đến tháng 12.1962, trường chính thức khai giảng lớp học đầu tiên với 30 học sinh, hầu hết là các em nhỏ trong Đội ca múa thiếu nhi Tây Ninh và Đoàn văn công Vũ Tấn của Chiến khu Đ. Thầy hiệu trưởng lúc đó là Nguyễn Văn Thông (Tư Thông), giáo viên là thầy Hồng Minh Phương (Út Phương), cô Trần Thị Ngân, cô Mười Đức; nhân viên là chú Hai Thảnh, chị Năm Phương... Cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chủ yếu dựa vào sự giúp đỡ của đồng bào ở vùng giải phóng.

Khi bộ phận chăn nuôi sản xuất được thành lập, đời sống khá hơn, số lượng học sinh tăng lên mấy lần. Đội ngũ giáo viên cũng nhiều hơn, miền Bắc chi viện có thầy Nguyễn Thanh Trúc, thầy Nguyễn Văn Quang, “ngoài thành” vào có thêm thầy Lê Minh Thành, Hồ Văn Quốc. Lúc này trường dạy theo chương trình giáo dục phổ thông 10 năm.

Đến tháng 9.1965, lớp 7 đầu tiên tốt nghiệp ra trường, các em xung phong nhận bất kỳ nhiệm vụ gì do cách mạng phân công: phục vụ các cơ quan Dân Chính, tham gia lực lượng võ trang. Trường nội trú Hoàng Lê Kha cũng như một đơn vị Dân Chính của tỉnh, trải qua bao nhiêu gian khổ, ác liệt trong chiến tranh.

Nhiệm vụ chủ yếu của trường là bảo vệ an toàn và đào tạo văn hoá cho các em học sinh. Ngoài ra, trường còn tham gia mọi công tác khi cần như: về địa phương cơ sở tuyên truyền cho cách mạng; dân công tiếp lương tải đạn phục vụ chiến trường trong chiến dịch Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, có 1 học sinh hy sinh, 1 nhân viên nhà trường bị thương.

Suốt 13 năm trong chiến khu, trường di chuyển, xây dựng mới hàng chục lần để bảo vệ bí mật, bảo đảm an toàn cho học sinh. Trung thu năm 1964, trường chuyển đến khu vực rừng Đồi Thơ gần sông Vàm Cỏ Đông, tăng gia sản xuất, trồng rau màu trên bờ sông. Cũng tại đây năm 1965, thầy trò Trường nội trú Hoàng Lê Kha gửi thư báo công cho Bác Hồ, Bác Tôn.

Trường đang chuẩn bị tổ chức vui Tết Trung thu cho học sinh thì nhận được thư của Bác Hồ, Bác Tôn gửi vào. Hạnh phúc nào bằng, hai Bác ở tận miền Bắc xa xôi, trăm công ngàn việc vẫn không quên các cháu nhỏ của Trường nội trú Hoàng Lê Kha tận miền Nam. Thầy trò lặng yên, xúc động dâng trào khi đọc từng lời Bác viết trong thư:

“Các cháu yêu quý,

Đọc thư các cháu trường Hoàng Lê Kha gửi cho hai Bác nhân dịp Tết Trung thu, hai Bác rất vui mừng và cảm động. Các cháu rất nhớ hai Bác và mong đến ngày nước nhà thống nhất. Cũng như đồng bào miền Bắc, hai Bác rất thương các cháu thiếu nhi miền Nam và mong miền Nam mau đến ngày giải phóng, cho Bắc Nam sum họp một nhà.

Vì giặc Mỹ và bọn tay sai bán nước mà đồng bào và các cháu miền Nam phải chịu nhiều đau khổ. Các cháu như hoa mới nở, như mầm non mới lên, mà quân thù dã man đã ra tay vùi dập.

Chính vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì tương lai hạnh phúc của con em, mà hơn mười năm nay đồng bào miền Nam, cha mẹ cô bác của các cháu đã chiến đấu vô cùng oanh liệt, hy sinh tất cả để đánh đuổi giặc Mỹ và lũ tay sai. Và các cháu thiếu nhi miền Nam cũng sớm theo gót cha anh mà góp phần chống Mỹ cứu nước.

Hai Bác rất vui lòng nghe nói các cháu đã làm được nhiều việc có ích như: giúp gia đình sản xuất, làm công tác thông tin liên lạc, đào hầm, vót chông, giúp các cô bác xây dựng làng chiến đấu..v.v… Hai Bác càng mừng được biết các cháu luôn luôn cố gắng học tập tốt trong hoàn cảnh rất khó khăn, dù là những nơi quân lính giặc luôn luôn càn quét xóm làng, máy bay Mỹ luôn luôn bắn phá trường học. Nhiều cháu đã tỏ ra gan dạ, thông minh, xứng đáng là con em của miền Nam anh hùng.

Đồng bào miền Nam ta rất anh hùng. Thiếu nhi miền Nam ta cũng rất anh hùng.

 Cuộc đấu tranh yêu nước vô cùng anh dũng của đồng bào miền Nam ta, có sự giúp đỡ hết lòng của đồng bào miền Bắc, của các nước xã hội chủ nghĩa, và của nhân dân tiến bộ toàn thế giới nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn.

Nhất định miền Nam ta sẽ được giải phóng!

Nước Việt Nam ta nhất định sẽ thống nhất hoàn toàn!

Hai Bác tin chắc rằng:

‘Bắc Nam sẽ sum họp một nhà,

Bác cháu ta sẽ gặp mặt, trẻ già vui chung.

Nhớ thương các cháu vô cùng,

Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi’.

Hai Bác, đồng bào và thiếu nhi miền Bắc gửi các cháu cái hôn, và thân ái gửi lời hỏi thăm các thầy cô giáo cùng bố mẹ của các cháu.

Ngày 25 tháng 9 năm 1965

Bác Hồ, Bác Tôn”.

Niềm vui to lớn thôi thúc thầy trò Trường Hoàng Lê Kha phấn đấu không ngừng, vượt qua mọi khó khăn, bơm cày đạn xới, thực hiện nhiệm vụ dạy tốt và học tốt. Mùa khô năm 1966, giặc Mỹ mở cuộc càn lớn lên Xóm Giữa (nay là xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên), căn cứ của trường ở Đồi Thơ bị huỷ diệt, thầy trò chung vai sát cánh chống càn, sơ tán về Cây Da bên rạch Lồ Cồ tổ chức dạy và học tại đây, trường lại bị máy bay trực thăng phát hiện, đánh phá. Lúc này quá ác liệt, tỉnh chủ trương phân tán học sinh về vùng Lộc Hưng, An Tịnh, huyện Trảng Bàng, sống cùng với dân, một nhà vài em, mượn nhà dân rộng rãi để tổ chức lớp học. Khi có địch càn vào, các em nhỏ bám hợp pháp với nhà mình ở, các em lớn núp dưới hầm bí mật với thầy cô.

Năm 1967, Mỹ nguỵ tăng cường càn quét vùng ven đô, ngăn chặn quân ta tiếp cận Sài Gòn. An Tịnh, Lộc Hưng là trọng điểm đánh phá của bọn Bình định nông thôn. Trường Hoàng Lê Kha không thể tiếp tục ở đây nên về lại xã Biên Giới, huyện Châu Thành.

Năm 1968, trường mở thêm lên lớp 8, đến năm 1969 các em học xong lớp 8 ra trường theo yêu cầu cách mạng. Đến giữa năm 1971, hầu hết học sinh được đưa ra miền Bắc tiếp tục học lên cao, Trường Hoàng Lê Kha vẫn tiếp tục tổ chức dạy và học.

Sau khi Hiệp định Paris ký kết năm 1973, vùng giải phóng được mở rộng, trường xây dựng ổn định tại bàu Dương Lịch (nay là xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu) đến Đại thắng mùa xuân năm 1975.

Suốt 13 năm tồn tại dưới những tán rừng, trường đào tạo hơn 200 học sinh. Thầy và trò đã vượt qua mọi gian khổ, vững vàng trước mưa bom, bão đạn của quân thù, xứng đáng là trường văn hoá mẫu mực đầu đàn ở miền Nam thời kháng chiến.

Vinh quang nào cũng có mất mát, hơn hai mươi thầy, cô giáo, cán bộ và học sinh hy sinh cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà, trong đó có Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Trúc, Hiệu phó Hồ Văn Quốc. Thầy Nguyễn Văn Thuần, cô Nguyễn Thị Hương hy sinh tại sân Trường Hoàng Lê Kha khi đang làm nhiệm vụ.

Cũng từ truyền thống đó, sau này, nhiều thầy, cô giáo và học sinh của Trường Hoàng Lê Kha trưởng thành, là cán bộ cốt cán của Đảng, Nhà nước ở địa phương và cả Trung ương.

Nguyễn Hoàng Hoá