Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Sự kiện lịch sử được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðại tướng Võ Nguyên Giáp trao lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” trước khi lên đường về Nam đánh Mỹ được “Người lính cụ Hồ” Ðặng Văn Thượng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh (thường gọi là ông Sáu Thượng), ghi lại trong tập hồi ký “Trên nẻo đường quê hương”.
Lá cờ Quyết chiến quyết thắng (chụp lại từ Hồi ký Người lính cụ Hồ Ðặng Văn Thượng).
Trong các cuộc kháng chiến cứu nước cũng như chiến tranh bảo vệ đất nước, tỉnh Tây Ninh- vùng đất phên giậu của Tổ quốc, được mệnh danh là “Quê hương trung dũng kiên cường”. Với truyền thống bất khuất trước mọi kẻ thù xâm lược, Tây Ninh được chọn là nơi đứng chân của cơ quan đầu não, lãnh đạo cách mạng miền Nam. Chính từ vùng đất này- nơi lần đầu tiên lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Ðảng, của Bác Hồ phất lên cùng với tiếng kèn xung trận làm khiếp đảm quân thù trong cuộc kháng chiến giải phóng đất nước.
Sự kiện lịch sử được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðại tướng Võ Nguyên Giáp trao lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” trước khi lên đường về Nam đánh Mỹ được “Người lính cụ Hồ” Ðặng Văn Thượng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh (thường gọi là ông Sáu Thượng), ghi lại trong tập hồi ký “Trên nẻo đường quê hương”.
Theo đó, cuối năm 1959, sau khi Trung ương Ðảng ban hành Nghị quyết 15 soi sáng con đường cách mạng Việt Nam trong bối cảnh đất nước bị chia cắt và miền Nam đang chìm ngập trong “đêm trường trung cổ” dưới sự thống trị của chính quyền Mỹ-Diệm, ông Sáu Thượng cùng 27 đồng đội thuộc Sư đoàn B338, đơn vị của cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc sau Hiệp định Genève 1954, được tuyển chọn tập trung huấn luyện chính trị, quân sự trong một khu doanh trại ở vùng rừng núi thuộc tỉnh Hoà Bình.
“Sau đó một tuần- ông Sáu Thượng viết, vào ngày chủ nhật, đúng 17 giờ có 2 xe quân sự đến rước đoàn ra Hà Nội, đến một nhà đối diện Phủ Chủ tịch. Xe ngừng, anh em xuống xe vào trong nhà ngồi chừng một phút thấy có đồng chí Trần Văn Trà, đồng chí Tô Ký, anh Ba Lê Duẩn, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, Bác Tôn Ðức Thắng và Bác Hồ đến. Mọi người đứng dậy vỗ tay chào Bác, anh em chúng tôi lại khóc vì quá xúc động.
Bác ra hiệu ngồi xuống, Bác hỏi “Các chú chuẩn bị kỹ chưa? Có ai đau yếu gì không? Lên đường được chưa?”; “Dạ chúng cháu đã sẵn sàng lên đường khi có lệnh của Bác”. Bác nói: “À, chú Hùng chuẩn bị vật chất cho anh em đủ chưa?”; anh Hai Phạm Hùng: “Thưa Bác, ngày giờ lên đường không thay đổi, còn hai vật nhỏ sẽ cung cấp đủ cho anh em và dặn dò anh em lần chót”.
Bác bảo: “Tất cả anh em vào ăn cơm đi. Vừa ăn vừa nói chuyện cho vui. Anh em cố gắng ăn cho thật no nhé, đừng để thừa lãng phí!”. Chúng tôi, Nguyễn Hoàng Sơn- Trưởng đoàn, Bùi Thanh Vân- Phó, Trần Văn Phú- Phó, Ðặng Văn Thượng- Bí thư chính trị được hân hạnh ngồi chung mâm cơm với Bác và đồng chí Võ Nguyên Giáp; Bác Tôn, anh Hai Phạm Hùng ngồi mâm thứ hai với anh em; anh Ba Lê Duẩn, anh Trần Văn Trà, anh Tô Ký ngồi với anh em mâm thứ ba. Bác Hồ, Bác Tôn cầm đũa đi từng bàn gắp thức ăn để vào chén cho anh em, động viên anh em ráng ăn thật no.
“Công việc tôi dặn hôm nọ các chú còn nhớ không?”, “Dạ các cháu ghi lòng tạc dạ!”, “Ði đường dù có thiếu thức ăn ráng chịu chứ đừng bắn thú rừng cải thiện cho mình, giữ bí mật cho mình, cho dân, cho người đi sau. Về Nam khi gặp các đồng chí lãnh đạo, gặp đồng bào các đồng chí nhớ nói: Ðảng, nhân dân miền Bắc, quân đội và tôi gởi lời thăm, chúc mạnh khoẻ, đoàn kết lương giáo, chung sức chung lòng chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà để Bác về thăm miền Nam ruột thịt”. Bác lại gắp thức ăn cho từng anh em, đốc thúc: “Phải ăn đi, sao cứ ngồi đờ người vậy? Ăn hết cơm rau mới về!”. Anh em vừa khóc vừa ăn hết bát cơm.
Ðồng chí Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đưa đến bàn ăn có Bác Hồ ngồi, mở gói giấy lấy lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam trao cho tôi- đồng chí Ðặng Văn Thượng, và nói: “Ðồng chí là Bí thư Chi bộ, là chính trị viên, hãy giữ lá cờ này như sinh mạng chính trị của đoàn, thường xuyên mở ra xem trên đường đi để nhắc nhở nhau ý chí và quyết tâm, khi về Nam xây dựng lực lượng quân đội lấy cờ ra giáo dục anh em, đặc biệt dùng cờ này trong chiến đấu, quyết tâm tiêu diệt quân thù, giải phóng miền Nam, rước Bác về thăm”.
Ngày 1.1.1960, đoàn lên đường hành quân về Nam, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, của nhân dân và của quân đội. Do yêu cầu bí mật tuyệt đối, cuộc ra quân tuy rất trang nghiêm nhưng hết sức lặng lẽ, không cờ giong trống mở, không khúc nhạc quân hành vang vọng theo chân. Qua Nam Ðịnh, Thanh Hoá, Vinh… những xóm làng miền Bắc thân yêu hằng ấp ủ và chắp cánh cho các anh trở về quê mẹ hôm nay.
Cho tới Vĩnh Linh, khi dòng sông Bến Hải bên trong bên đục hiện ra trước mắt thì đơn vị đột ngột ngoặt sang một bến kín vượt sông. Rồi từ đây đoàn quân Nam tiến đầu tiên bắt đầu cặp theo Trường Sơn mải miết về Nam.
Về đến Trung ương Cục miền Nam, đóng ở rừng Rùm Ðuông, chiến khu Bắc Tây Ninh thì thời gian chỉ còn hơn hai tháng sẽ tới thời điểm Trung ương cục dự định tổ chức ra mắt Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Lãnh đạo Trung ương cục sau khi nhận lá cờ Quyết chiến quyết thắng và số vàng làm “vốn ban đầu kháng chiến”, đã bàn bạc và quyết định cử đồng chí Bùi Thanh Vân, thường gọi là Út Liêm, người Tây Ninh một trong các chiến sĩ cách mạng tham gia hội thề Rừng Rong theo lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ năm 1946, và đồng chí Ðặng Văn Thượng tiếp tục đi xuống miền Tây Nam bộ “chiêu binh mãi mã” để thành lập đơn vị đầu tiên của Quân Giải phóng miền Nam.
Trong vòng tháng 10 và 20 ngày đầu tháng 11 năm 1960, ông Út Liên và ông Sáu Thượng đã nhận được 500 thanh niên là con em các gia đình có truyền thống cách mạng ở các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An cùng với số thanh niên ở Trảng Bàng tình nguyện nhập ngũ.
Ðơn vị đầu tiên của quân chủ lực Miền được thành lập với phiên hiệu Tiểu đoàn 1 do ông Út Liêm làm Tiểu đoàn trưởng, ông Sáu Thượng làm Chính trị viên. Tiểu đoàn 1 ra mắt đúng vào ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam 20.12.1960.
Từ 28 chiến sĩ đầu tiên hồi kết về Nam, chỉ trong một thời gian ngắn đã trở thành đơn vị quân chủ lực đầu tiên của Cách mạng miền Nam. Ngày ra quân, Tư lệnh Bộ chỉ huy quân sự Miền Trần Văn Trà đã trao lại lá cờ Quyết chiến quyết thắng cho Tiểu đoàn 1. Chính trị viên Tiểu đoàn Ðặng Văn Thượng nhận cờ với lời hứa quyết thắng từ trận đầu cho đến ngày toàn thắng.
Giữ vẹn lời thề, chỉ trong vòng năm đầu thành lập Tiểu đoàn 1 đã lập nhiều chiến công trên địa bàn “Quê hương Tây Ninh trung dũng kiên cường”.
Trận đánh đầu tiên của Tiểu đoàn 1 là trận phục kích tiêu diệt đoàn xe quân sự của Quận trưởng nguỵ quyền Võ Hiến Lê trên địa bàn xã Phan, khi đoàn xe từ quận đường ở Suối Ðá đi thị xã Tây Ninh.
Dưới ngọn cờ Quyết chiến quyết thắng phất lên trong tiếng kèn đồng giục giã thúc quân, quân ta phục kích trong khu rừng ven lộ 13 (nay là đường tỉnh 781) đã dũng cảm xung phong tiêu diệt toàn bộ trung đội địch đi trên 2 xe GMC và 1 xe Jeep, trong đó có viên Quận Lê và tất cả sĩ quan tuỳ tùng, ta thu được 30 khẩu súng và thiêu cháy 3 xe quân sự.
Sau trận đánh chấn động Tây Ninh của quân ta, nguỵ quyền Sài Gòn phải rút bỏ quận đường Phú Khương ở Suối Ðá, dời ra đóng tại Nhàn Du khách sạn bên bờ Ðộng Ðình hồ (bàu Cà Na) ở ngay bên ngoài cạnh hàng rào phía Tây nội ô Toà thánh Cao Ðài (nay là khu dịch vụ thương mại du lịch Cà Na của Công ty Hùng Duy, Tây Ninh). Báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ đăng tin “Việt cộng đánh quận Phú Khương có phất cờ và kèn đồng thúc quân”.
Tiếp theo trận đánh lộ 13, Tiểu đoàn 1 đánh đồn Cần Lê gần biên giới thuộc huyện Tân Biên, tiêu diệt gọn và tịch thu toàn bộ vũ khí của bọn lính đồn. Thừa thắng xông lên Tiểu đoàn đánh đồn án ngữ biên giới và cầu Lộc Ninh bắc qua sông Sài Gòn.
Ðịch bỏ đồn rút chạy rồi không dám quay lại tái chiếm, ta làm chủ hoàn toàn dải đất cặp biên giới Bắc Tây Ninh bảo vệ an toàn khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Về phía nội địa tỉnh Tây Ninh, Tiểu đoàn 1 hành quân chống địch càn quét, phá vỡ kế hoạch lập ấp chiến lược ở Bàu Cỏ (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu ngày nay), ở ấp Suối Cao, trên đường 26 (huyện Gò Dầu), ở các ấp Trảng Sa, Trảng Cỏ, Bời Lời (xã Ðôn Thuận, huyện Trảng Bàng)…
Trận đánh nào Tiểu đoàn cũng giương ngọn cờ Quyết chiến quyết thắng của Bác Hồ để động viên tinh thần bộ đội, thực hiện đúng lời dặn của Bác Hồ và Ðại tướng Võ Nguyên Giáp “kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Cũng theo hồi ký của ông Sáu Thượng, lá cờ truyền thống vẻ vang do Bác Hồ trao cho, ông đã gìn giữ bên mình suốt 16 năm, từ khi ông theo đoàn quân hồi kết về Nam, lãnh đạo đơn vị đầu tiên của Quân giải phóng, phát triển từ cấp Tiểu đoàn, lên cấp Trung đoàn (Q.761), rồi trở thành Sư đoàn chủ lực đầu tiên là Sư đoàn 9 và cuối cùng ông trao lại cho Trường Sĩ quan Lục quân 2 năm 1976 khi ông chuyển công tác về làm Chủ tịch UBND tỉnh rồi Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh. Hiện nay, lá cờ Quyết chiến quyết thắng lừng lẫy chiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn còn đang được trân trọng lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Nguyễn Tấn Hùng