BAOTAYNINH.VN trên Google News

Góp ý dự thảo Bộ Luật tố tụng hình sự (sửa đổi):

Người bị bắt được quyền im lặng đến khi có người bào chữa

Cập nhật ngày: 14/11/2014 - 04:14

Viện trưởng VKS tỉnh Lê Văn Lành phát biểu tại hội nghị.

Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) được xây dựng gồm 8 phần, 36 chương, 476 điều, trong đó có 286 điều sửa đổi, 142 điều bổ sung mới, giữ nguyên 48 điều và bỏ 12 điều. Các đại biểu tham dự hội nghị đã tích cực đóng góp ý kiến dự thảo bộ luật tố tụng hình sự, ngoài những điểm chung còn có một số vấn đề lớn có ý kiến khác nhau như: tăng quyền, trách nhiệm cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán (Điều 36, 40, 42); mở rộng diện người tiến hành tố tụng đối với trợ lý điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm tra viên (Điều 36, 40, 45); quyền im lặng của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo (Điều 52, 53, 54, 55); quyền của bị can đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án khi kết thúc điều tra (Điều 54); về căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam (Điều 97); về trình tự xét hỏi (Điều 300); về thẩm quyền khởi tố của toà án (Điều 13, 161); về giới hạn xét xử (Điều 291); về thẩm quyền của hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật (Điều 385), dự thảo đã tổng hợp nhiều phương án để giải quyết vấn đề để đại biểu thảo luận, đề xuất.

Tại hội nghị, nội dung “Về quyền im lặng của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo” được đại biểu quan tâm, đa số đồng tình với phương án 2 là “Người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, đưa ra ý kiến hoặc từ chối trình bày lời khai, đưa ra ý kiến”. Theo Phó Ban Nội chính Tỉnh uỷ Phạm Hồng Thái, dự thảo BLTTHS, kể cả BLTTHS năm 2003 đều không có quy định nào bắt buộc người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo phải khai báo, nếu không khai báo phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Do đó cần quy định như phương án 2 để mọi người hiểu rõ người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền này, đồng thời phải có quy định để khuyến khích họ khai báo (có chính sách khoan hồng rõ hơn đối với người thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình, là cơ sở xem xét vấn đề miễn truy tố).

Tuy nhiên, cần quy định chặt chẽ hơn đối với trường hợp người bị bắt cố tình không hợp tác (im lặng mà không có người bào chữa) để đối phó, kéo dài sự im lặng, gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Do vậy, cần quy định được giữ im lặng đến khi có người bào chữa tham gia.

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng, góp ý dự thảo BLTTHS cũng như khi tổ chức thực hiện, cần phải tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân hiểu đúng bản chất quyền im lặng - một quyền đã được thừa nhận từ lâu trong pháp luật tố tụng hình sự nước ta nhưng đến nay mới chính thức được ghi nhận cụ thể trong điều luật.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Re đề nghị quyền im lặng phải có giới hạn, nghĩa là phải quy định rõ thêm là “người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo” có quyền im lặng đến khi có luật sư do người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo mời, nếu người bị bắt, bị can, bị cáo không mời luật sư thì cơ quan tố tụng yêu cầu đoàn luật sư cử luật sư đến để tham gia điều tra. Khi có luật sư, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo phải trình bày đầy đủ có sự chứng kiến của luật sư.

Đại biểu Lâm Tấn Đông- Uỷ viên Thường trực HĐND tỉnh cũng đồng tình với phương án 2 nhưng đề xuất cần quy định thời gian cụ thể, tránh việc người bị bắt lợi dụng quyền im lặng để kéo dài sự im lặng gây khó khăn cho công tác điều tra.

DUY ĐỨC