Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hụi cũng là một dạng hợp đồng dân sự nói chung và hợp đồng vay tài sản nói riêng vì nó có đầy đủ các đặc trưng của hợp đồng mà Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định.
Thời gian qua, các vụ vỡ hụi, giật hụi lên đến hàng tỷ đồng xảy ra ở khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, khiến nhiều người khốn khổ. Việc chơi hụi thường mang tính tự phát, quá trình giao dịch là thoả thuận dân sự, cơ quan chức năng và chính quyền khó quản lý, khi vụ việc vỡ lỡ người dân mới trình báo… Nhiều vụ vỡ hụi xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của người dân, không nắm rõ quy định pháp luật.
Mới đây, theo đề nghị của Bộ Tư pháp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2019/NÐ-CP về họ, hụi, biêu, phường, có hiệu lực từ ngày 5.4.2019. Ðể giúp mọi người hiểu và nắm rõ các quy định về hụi, bà Nguyễn Thị Kim Hương, Trưởng Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật- Sở Tư pháp cho biết như sau:
Bà Nguyễn Thị Kim Hương (N.T.K.H): Bản chất của việc chơi hụi là một hình thức dành dụm của cải, về pháp lý, đây là một loại giao dịch dân sự dưới dạng hợp đồng. Hụi là sự tổ chức dây chuyền, tập trung vận động nhiều người tham gia đóng góp tiền cho vay và vay của nhau. Nội dung hoạt động này thể hiện đầy đủ đặc điểm của một hợp đồng vay tài sản.
Theo quy định tại Ðiều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên. Theo đó, bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
Như vậy, xét về hụi, họ, biêu, phường, đây là một loại giao dịch dân sự vì nó là sự thoả thuận của các bên nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Hụi cũng là một dạng hợp đồng dân sự nói chung và hợp đồng vay tài sản nói riêng vì nó có đầy đủ các đặc trưng của hợp đồng mà Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định.
PV: Bà có thể cho biết pháp luật Việt Nam đã có những văn bản pháp luật nào quy định về hụi?
Bà N.T.K.H: Như đã nói ở trên, hụi là một trong những hình thức để huy động vốn, tương trợ trong nhân dân được Nhà nước thừa nhận và cho phép hoạt động. Bộ luật Dân sự đã dành hẳn 1 điều quy định về vấn đề này. Ðể quy định cụ thể hơn về hoạt động của hình thức này, ngày 27.11.2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2006/NÐ-CP, Nghị định số 19/2019/NÐ-CP quy định về hụi, họ, biêu, phường.
PV: Theo pháp luật, việc tổ chức hụi phải tuân thủ các nguyên tắc nào?
Bà N.T.K.H: Việc tổ chức hụi phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản quy định tại Ðiều 3 của Bộ luật Dân sự. Việc tổ chức hụi chỉ được thực hiện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia quan hệ về hụi; không được tổ chức hụi để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
PV: Ðiều kiện để làm thành viên của dây hụi như thế nào thưa bà?
Bà N.T.K.H: Thành viên của dây hụi là người từ đủ mười tám tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật Dân sự. Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu có tài sản riêng cũng có thể là thành viên của dây hụi; trường hợp sử dụng tài sản riêng là bất động sản, động sản phải đăng ký để tham gia dây hụi thì phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý; điều kiện khác theo thoả thuận của những người tham gia dây hụi.
PV: Ðể làm chủ hụi cần phải có điều kiện gì, theo quy định của Nghị định 19/2019/NÐ-CP?
Bà N.T.K.H: Người làm chủ hụi phải đủ mười tám tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật Dân sự. Trường hợp các thành viên tự tổ chức dây hụi thì chủ hụi là người được hơn một nửa tổng số thành viên bầu ra, trừ trường hợp các thành viên có thoả thuận khác, điều kiện khác theo thoả thuận của những người tham gia dây hụi.
PV: Nghị định có quy định hình thức thoả thuận về dây hụi hay không?
Bà N.T.K.H: Thoả thuận về dây hụi được thể hiện bằng văn bản. Văn bản thoả thuận về dây hụi được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia dây hụi yêu cầu. Trường hợp thoả thuận về dây hụi được sửa đổi, bổ sung thì văn bản sửa đổi, bổ sung phải được thực hiện theo quy định nêu trên.
PV: Nghị định quy định về sổ hụi và giấy biên nhận như thế nào, thưa bà?
Bà N.T.K.H: Chủ hụi phải lập và giữ sổ hụi, trừ trường hợp có thoả thuận về việc một thành viên lập và giữ sổ hụi. Trường hợp dây hụi không có chủ hụi thì các thành viên thoả thuận giao cho một thành viên lập và giữ sổ hụi. Khi góp hụi, lĩnh hụi, nhận lãi, trả lãi hoặc thực hiện giao dịch khác có liên quan thì thành viên có quyền yêu cầu chủ hụi hoặc người lập và giữ sổ hụi cấp giấy biên nhận về việc đó.
PV: Nghị định quy định như thế nào về thông báo việc tổ chức dây hụi?
Bà N.T.K.H: Chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi khi thuộc một trong các trường hợp: tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên; tổ chức từ hai dây hụi trở lên.
PV: Về lãi suất trong hụi có lãi được quy định như thế nào?
Bà N.T.K.H: Lãi suất trong hụi có lãi do các thành viên của dây hụi thoả thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh hụi (tại nhiều địa phương được gọi là “hốt hụi”-PV) tại mỗi kỳ mở hụi, nhưng không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần hụi phải góp, trừ đi giá trị các phần hụi đã góp trên thời gian còn lại của dây hụi.
Trường hợp mức lãi suất giới hạn nói trên được điều chỉnh bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Ðiều 468 của Bộ luật Dân sự 2015 thì áp dụng mức lãi suất giới hạn được điều chỉnh đó. Trường hợp lãi suất theo thoả thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi vượt quá lãi suất giới hạn nêu trên thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Về lãi suất trong trường hợp chậm góp, chậm giao phần hụi, trường hợp đến kỳ mở hụi mà chủ hụi không giao hoặc giao không đầy đủ các phần hụi cho thành viên được lĩnh hụi, thành viên chưa lĩnh hụi không góp phần hụi hoặc góp phần hụi không đầy đủ thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
Lãi suất phát sinh do chậm góp hoặc chậm giao phần hụi được xác định theo thoả thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất giới hạn quy định của số tiền chậm trả trên thời gian chậm trả, nếu không có thoả thuận thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định của số tiền chậm trả trên thời gian chậm trả.
Trường hợp đến kỳ mở hụi mà thành viên đã lĩnh hụi không góp phần hụi hoặc góp phần hụi không đầy đủ thì phải trả lãi như sau: Trường hợp hụi không có lãi, lãi suất được xác định theo thoả thuận nhưng không được vượt quá mức lãi suất giới hạn quy định của số tiền chậm góp hụi trên thời gian chậm góp, nếu không có thoả thuận thì lãi suất được xác định bằng 50%/năm mức lãi suất giới hạn quy định của số tiền chậm góp trên thời gian chậm góp; trường hợp hụi có lãi, lãi suất được xác định theo mức quy định tại Khoản 5 Ðiều 466 của Bộ luật Dân sự 2015 đối với hụi có lãi.
PV: Xin cảm ơn bà!
PHƯƠNG THẢO