BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người cuối cùng của thế hệ đầu tiên làm báo ở Tây Ninh

Cập nhật ngày: 04/10/2013 - 11:31
Cống hiến của ông Năm Choàng nổi bật nhất là việc ông cải trang đi từ căn cứ kháng chiến ở Lợi Hoà Đông, An Tịnh, Trảng Bàng vào tận Chợ Lớn, Sài Gòn, sào huyệt của kẻ địch mua thiết bị in typo về “mở nhà in” để in tờ báo Giải Phóng…

Ban biên tập Báo Tây Ninh thăm hỏi chú Năm Choàng bên giường bệnh

(BTN) - Đó là ông Nguyễn Tấn, thường gọi là Nguyễn Văn Choàng- Năm Choàng, nguyên Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh. Trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông là “con chim đầu đàn” của cơ sở ấn hành tờ báo của Đảng bộ tỉnh, ban đầu có tên là nhà in Dân Quyền, rồi sau là nhà in Dương Minh Châu và nhà in Hoàng Lê Kha cho đến ngày nay.

Muốn xuất bản tờ báo, tất nhiên phải có nhà in để ấn loát. Đó là yếu tố bắt buộc của một tờ báo giấy cổ điển. Trong thời đại ngày nay, dù công việc làm báo đã được “số hoá” với tất cả các công đoạn đều ứng dụng công nghệ thông tin, tờ báo giấy vẫn phải “qua nhà in” để nhân bản. Nếu không thì làm sao có được hàng ngàn, hàng vạn, thậm chí hàng triệu ấn bản báo đến tay bạn đọc trong thời gian sớm nhất?

Tờ báo Tây Ninh ngày nay, lúc ban đầu cách đây 67 năm được xuất bản bằng phương pháp in thủ công, in đất sét, in bột, in giấy sáp rồi in typo (in chữ chì) bằng cơ giới, dù máy in chỉ là máy tự chế, đóng bằng gỗ. Thật ra trong thời kháng chiến, công nghệ in typo là hiện đại nhất, tiên tiến nhất trên thế giới lúc bấy giờ. Và ông Năm Choàng đã là người trực tiếp thực hiện công việc in báo, bằng tất cả các “công nghệ” ấy từ khi Báo Dân Quyền, tiền thân của Báo Tây Ninh, mới ra mắt số đầu tiên cho đến ngày Báo Giải Phóng “từ trong rừng ra” trở thành Báo Tây Ninh xuất bản công khai, chính thức được mệnh danh “Tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Tây Ninh”.

Thành tích cống hiến của ông Năm Choàng nổi bật nhất là việc ông cải trang đi từ căn cứ kháng chiến ở Lợi Hoà Đông, An Tịnh, Trảng Bàng vào tận Chợ Lớn, Sài Gòn, sào huyệt của kẻ địch mua thiết bị in typo về “mở nhà in” để in tờ báo Giải Phóng từ năm đầu kháng chiến chống Mỹ ở Tây Ninh.

Ông Năm Choàng thời in báo bằng đất sét

Sau một chuyến làm khách thương, đáp xe đò “đột nhập” đô thành Sài Gòn, ông Năm Choàng đến một hãng đúc chữ chì ở Chợ Lớn. Khi ông còn lúng túng mở lời với nhân viên bán hàng ở tầng trệt cửa hàng về chuyện muốn mua thiết bị in thì từ trên lầu một người Hoa, là “tài phú” của hãng vội vã bước xuống mời ông lên lầu, vào phòng làm việc.

Ông Năm Choàng tin chắc là tay tài phú đã biết được ông là người cách mạng vào mua hàng để chuyển ra căn cứ kháng chiến, vì vậy ông đinh ninh là… “phen này chết chắc”. Thế nhưng không ngờ người tài phú không hỏi han, truy vấn ông gì cả mà lại tận tình hướng dẫn ông những việc cần làm, những gì cần mua để có thể lập được một nhà in typo trong điều kiện cần thiết tối thiểu.

Sau đó người tài phú kêu nhân viên lấy hàng đóng gói gọn gàng cẩn thận cho khách dễ nhận, dễ chuyển. Trong lúc đó, ông Năm Choàng kiếm chuyện đi khỏi cửa hàng, đứng xa xa nhìn lại xem… có tên mật thám nào đến không! Thế rồi công việc “táo bạo” ấy đã trót lọt, ông Năm Choàng chuyển được mấy trăm ký chữ chì và các thiết bị cần thiết khác từ Chợ Lớn về tận căn cứ kháng chiến an toàn.

Phương tiện vận chuyển là xe hàng của một cơ sở cách mạng. Cơ sở ấy chính là gia đình của chị Út Thuỷ, Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Chủ tịch UBND tỉnh ngày nay.

Từ đó, tờ báo Giải Phóng của Tỉnh uỷ Tây Ninh được in bằng công nghệ in hiện đại, với số lượng hàng ngàn bản mỗi kỳ, báo được phát hành không chỉ ở chiến khu mà còn vào được tận các vùng địch tạm chiếm ở thành thị. Sự hiện diện của tờ báo kháng chiến được in ấn đàng hoàng, rõ đẹp với nội dung tuyên truyền đường lối cách mạng, giải phóng đất nước, vạch mặt, lên án kẻ thù, động viên nhân dân tham gia, ủng hộ kháng chiến đã làm cho các tầng lớp nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào chính nghĩa của cách mạng; đồng thời làm cho kẻ thù hết sức sợ hãi vì chúng không thể nào ngờ “Việt Cộng” lại có thể in được tờ báo kháng chiến độc đáo như thế, không kém gì các tờ báo xuất bản tại đô thành Sài Gòn.

Từ xuất xứ ban đầu ấy, tờ báo của Đảng bộ tỉnh duy trì việc ấn loát, xuất bản liên tục cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong đó công trạng của chú Năm Choàng đối với tờ báo thật lớn lao.

Có thể nói, trong giai đoạn cực kỳ khó khăn của những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, trước ngày Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời 20.12.1960, tờ báo của tỉnh chỉ có hai người làm “một người là cả toà soạn” và “một người là cả nhà in”: ông Phan Văn - chú Tư Văn và ông Nguyễn Tấn- chú Năm Choàng. Ông Phan Văn, Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Báo Tây Ninh (theo Quyết định về việc thành lập cơ quan báo của Đảng bộ, ngày 5.10.1976 của Tỉnh uỷ Tây Ninh, do Phó Bí thư Thường trực Nguyễn Văn Hải - chú Bảy Hải ký) đã nói về người đồng đội, đồng nghiệp của mình trong dịp kỷ niệm 50 năm truyền thống nhà in Hoàng Lê Kha, 1946 - 1996 như sau:

“Nói đến chữ chì, giữa năm 1947 hai đồng chí Hoàng Hiệp và Năm Choàng vốn không phải thợ nhà in, lặn lội về một nhà in của Nam bộ học nghề (nhà in Lý Chính Thắng của Liên hiệp Công đoàn Nam bộ ở An Phú Đông, Gia Định), nhất là đồng chí Năm Choàng, một học sinh ra kháng chiến mới 17 tuổi…

Tôi nhớ mãi và rất xúc động khi dự lễ mừng công của Xí nghiệp in trong dịp Tết 1963. Chuyện kể lại y như quay phim, đồng chí Năm Choàng làm trọn tháng tết. Đồng chí mệt lả đến mức gục đầu trên mâm chữ. Bởi vì đồng chí làm việc 24/24 tiếng trong ngày mà cả tháng tết đều như vậy. Trong giấc ngủ đồng chí còn nói mê “phải in cho kịp báo Xuân”.

Ý chí và tấm lòng của người duy nhất thuộc thế hệ làm báo đầu tiên ở Tây Ninh, từ ngày ra mắt tờ báo Dân Quyền, còn sống đến bây giờ là như thế. Thế hệ làm báo “kỹ thuật số” ngày nay có theo kịp không?!

DUY NHÃ