Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Người dân cần biết tự phòng vệ và sàng lọc thông tin
Thứ tư: 05:26 ngày 13/01/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp chia sẻ về cách thức xử lý thông tin sai trái để nhân dân biết tự phòng vệ và sàng lọc thông tin mạng hiện nay.

Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp. Ảnh: VGP/Lê Sơn.
Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

Những ngày gần đây, trên một số trang mạng xã hội xuất hiện một số thông tin mạo danh, bịa đặt, xuyên tạc đối với một số cán bộ cấp cao của Đảng, gây “nhiễu” thông tin trước Đại hội Đảng toàn quốc sắp diễn ra.

Xung quanh vấn đề này, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp về cách thức xử lý thông tin sai trái để nhân dân biết tự phòng vệ và sàng lọc thông tin mạng hiện nay. 

Ông Lê Doãn Hợp phân tích: Thứ nhất, chúng ta dễ nhận thấy rằng, nhận xét một con người, cũng như một cán bộ trong cơ chế thị trường rất dễ có ý kiến khác nhau, vì tình cảm khác nhau nói khác nhau, lợi ích khác nhau nói khác nhau, nhận thức khác nhau nói khác nhau. Đó là chuyện thường ngày của cuộc sống.

Thứ hai, đã trở thành chu kỳ, cứ gần đến Đại hội, Đảng ta thay đổi nhân sự thì mỗi người có mong muốn nhân sự khác nhau sẽ nói khác nhau. Đó cũng là chuyện bình thường của cuộc đời.

Điều quan trọng nhất là các cơ quan quản lý cán bộ và bản thân cán bộ và những người quản lý xã hội mạng phải bám sát thực tiễn để có giải pháp kịp thời. Bởi quản lý bây giờ phải quản lý cả xã hội thật và xã hội ảo. Do đó, không đặt ngoài vai trò quản lý của Nhà nước đối với xã hội ảo.

Quản lý như thế nào? Ông Lê Doãn Hợp chỉ ra ba loại thông tin trên mạng: Thông tin đúng, thông tin sai và thông tin có đúng có sai. Vậy với những thông tin đúng thì cần cầu thị, khắc phục; thông tin sai thì phải đấu tranh phản bác lại một cách có lý, có tình, giàu sức thuyết phục.

Vậy, chúng ta quản lý tình trạng này thế nào, thưa ông?

Ông Lê Doãn Hợp: Theo tôi có 3 cách để xử lý.

Thứ nhất, hãy tạo cơ chế để cán bộ tự bảo vệ mình. Các nước tư bản người ta tranh cử nên họ tự bảo vệ, bởi khi cử tri hỏi cái gì họ sẽ giải trình vấn đề đó. 

Với chúng ta cũng cần có những bước đi thích hợp, trong thời đại công nghệ thông tin, trước hết mỗi cán bộ cần công khai số điện thoại di động và hộp thư điện tử (e-mail). 

Chúng ta hãy sử dụng công cụ đó để lãnh đạo, quản lý và giải trình những vấn đề mà người dân quan tâm. Nhân dân nói gì, hỏi gì thì người cán bộ đó sẽ trả lời. Người dân góp ý cái này, phản ánh cái kia để mình nghe thông tin mà làm. Tất nhiên, quá trình đó có thông tin “nhiễu”, nhưng phần đông vẫn là người tốt nhiều hơn, có ích nhiều hơn.

Hồi tôi công tác ở Nghệ An, tôi cũng công khai số điện thoại di động, nên có những cuộc điện thoại của người dân điện báo cho tôi biết là cán bộ cấp dưới của tỉnh đang đánh bạc chỗ này, chỗ kia. Khi lực lượng chức năng đến nơi quả đúng như vậy. Đây chính là vai trò quản lý và thông qua quản lý mình làm rõ cán bộ mình hơn.

Thứ hai, cơ quan quản lý cán bộ phải làm việc này. Bởi người ta nói về cán bộ như thế, cơ quan phải có kết luận cụ thể, thông tin rõ ràng về cán bộ diện mình quản lý. Phải có kết luận rõ ràng, nếu cán bộ của Đảng quản lý thì đưa lên website của Đảng; cán bộ Chính phủ quản lý thì đưa lên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; cán bộ các bộ, ngành Trung ương thì đưa lên Cổng Thông tin điện tử các bộ, ngành đó; cán bộ tỉnh, thành phố thì đưa lên Cổng Thông tin điện tử của địa phương, cho nhân dân được biết. 

Khi chúng ta thông thoáng như thế thì ít bị tích tụ, bóp méo, xuyên tạc. Bởi theo tôi, sợ nhất trong việc làm công tác cán bộ là thiếu thông tin và “nhiễu” thông tin. Bởi thiếu thông tin thì dễ suy diễn, dị nghị gây “nhiễu” thông tin. Vì thế, chúng ta phải chăm lo công tác thông tin đối với cán bộ nghiêm túc, chu đáo, kịp thời.

Thứ ba, tiếp tục hoàn chỉnh luật pháp để quản lý chặt chẽ hơn để người tốt được được tin cậy, người không tốt bị giám sát. Người tốt có chỗ dựa, người xấu không dám lộng hành. 

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý mạng xã hội; nghiên cứu học hỏi các nước tiên tiến trên thế giới để có giải pháp quản lý tốt hơn. 

Làm thế nào để người dân có thể phân tích, sàng lọc thông tin mạng đang nhiễu loạn hiện nay, thưa ông?

Ông Lê Doãn Hợp: Theo tôi, đây là vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay. Cụ thể, chúng ta phải bồi dưỡng, định hướng, nâng cao nhận thức cho mọi công dân để người dân biết và tự phòng vệ, sàng lọc thông tin. Bởi cái đúng có logic của cái đúng, cái sai sẽ dễ nhận thấy ngay sự thiếu căn cứ, ngụy biện của cái sai. Do đó, mỗi người dân nghe một thông tin nào đấy thì cần biết phân tích, sàng lọc, lựa chọn.

Như chuyện của chúng tôi, cách đây gần 30 năm khi còn làm Phó Bí thư Thành ủy thành phố Vinh (Nghệ An), chuẩn bị Đại hội Đảng, một đồng chí Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy bị dư luận xã hội cho rằng có biểu hiện đa nguyên. Ngay đêm đó, chúng tôi họp Thường vụ Thành ủy, giao Ban Tổ chức nhận xét cán bộ rõ ràng để Thành ủy thông qua, in ấn thành văn bản, sáng hôm sau phát cho các đại biểu tham dự Đại hội một bản, chiều bầu Ban Thường vụ đồng chí đó vẫn trúng cử với tín nhiệm rất cao. Như vậy, mình phải khẳng định rõ thông tin về cán bộ của mình quản lý thì cán bộ yên tâm hơn, nhân dân tin cậy hơn.

Chúng ta phải có bộ máy giám sát xã hội mạng rất kỹ, đây phải là một chức năng quản lý xã hội. Trên nền tảng quản lý đó, cái gì đúng thì chúng ta tiếp thu, cầu thị. Cái gì sai, phải đấu tranh phản bác với nguyên tắc là thông tin đưa ra ở đâu thì sẽ trả lại ở đó. Nói có tình, có lý, có sức thuyết phục, không phải phê phán mà là góp ý xây dựng giàu tình người và sức thuyết phục cao hơn. Làm như thế thì thông tin thông thoáng, nhân dân sẽ tin hơn và những thế lực thù địch muốn “vận dụng” để xuyên tạc, mạo danh, nói xấu cũng khó vì mình tôn trọng lòng dân và làm chủ thông tin.

Đặc biệt, cơ quan quản lý cán bộ phải chủ động đưa thông tin, chủ động các phương án. Khi nói đến người nào là phải có thông tin đưa ra ngay, điều này căn cứ vào thông tin do cán bộ cung cấp và tổ chức phải giám sát. Với những thế lực xuyên tạc, bôi nhọ, nói xấu cán bộ không có căn cứ với dụng ý xấu thì chúng ta phải kết luận rõ ràng cho nhân dân biết một cách công minh. Qua đó, cán bộ yên tâm làm việc, nhân dân tin tưởng vào cách làm minh bạch, nghiêm túc của Đảng và Nhà nước.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn chinhphu.vn
Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục