BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người dân hiến đất làm kênh tiêu 

Cập nhật ngày: 27/10/2017 - 13:26

BTNO - Mấy chục năm qua, cứ đến mùa mưa, hơn 50 ha ruộng thuộc cánh đồng Bàu Mây (ấp Thuận Phước, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu) lại ngập trong nước. Nhưng mùa mưa năm nay, tình trạng này đã được khắc phục nhờ con kênh tiêu vừa hoàn thành.

Những người dân hiến đất vui mừng khi kênh tiêu đã được đưa vào sử dụng.

Ông Võ Văn Lượng - Bí thư chi bộ ấp Thuận Phước cho biết, năm nào họp tiếp xúc cử tri ở địa phương, bà con cũng bức xúc về tình trạng ngập của cánh đồng. “Một năm ruộng ở đây chỉ làm được 2 vụ, vụ Mùa làm lúa, còn Đông Xuân thì trồng đậu phộng. Nhưng vụ  Đông Xuân năm nào cũng làm sau mọi những nơi khác gần cả tháng, vì phải chờ nước rút hẳn”- ông Lượng nói.

Để giải quyết khó khăn này, huyện Dương Minh Châu đã có chủ trương cho xây dựng một kênh tiêu, dài gần 300m, ngang 1,1m. Tuy nhiên, khi đi khảo sát thực tế, để xây được con kênh, buộc phải đi qua đất của 5 hộ dân tại đây.  

Từ thực tế trên, lãnh đạo địa phương đã vận động bà con hiến đất để làm kênh. “Khi chúng tôi vận động thì 4 hộ đồng ý hiến đất, riêng một hộ bán với giá 25 triệu đồng trên khoảng đất có chiều dài 50m. Số tiền này, chúng tôi đã vận động khoảng 30 hộ dân có đất nằm ngay khu ngập nước đóng góp để mua. Mọi người cũng đều đồng thuận hết”, ông Võ Văn Sáu- Trưởng ấp Thuận Phước nói.

Ông Võ Văn Nên (57 tuổi) có 7 công đất nằm ngay “rốn” nước, năm nào cũng vậy, cứ mưa xuống là ngập. Vì vậy, khi có chủ trương làm kênh tiêu, ông Nên đã chủ động hiến 30m đất để làm kênh, vì vừa có lợi cho mình vừa có lợi cho mọi người khác.

Tuy nhiên, có những người, tuy không có ruộng bị ngập nước tại khu vực này, nhưng họ vẫn đồng ý hiến đất.

“Khi nghe địa phương vận động hiến đất, nhà tôi đồng ý ngay. Dù ruộng nhà tôi không nằm trong vùng bị ngập, nhưng ở đây, thấy bà con mình năm nào cũng chịu cảnh làm sau, thu hoạch sau nên thường bị ảnh hưởng giá cả, sâu rầy, nếu có kênh tiêu thì đỡ lắm. Nghĩ vậy mà nhà tôi không bán đất, chỉ hiến để địa phương nhanh chónh làm con kênh”, bà Huệ nói.

Còn với ông Huỳnh Duy Chiểu (nhà ở ấp Thuận Bình), người có đất nằm trên đường kênh đi qua dài nhất - 150m, cũng quyết định hiến đất thay vì bán cho địa phương. “Tiền ai cũng mê, nhưng tôi nghĩ, nhiêu tiền mình xài cũng hết, nếu giờ mình bán đất thì bà con cũng phải đóng góp lại để mua rồi mới làm được kênh, nên tôi quyết định hiến cho địa phương để làm con kênh cho nhanh, bà con khỏi cực khổ nữa. Hy vọng tới vụ Đông Xuân này nước rút sớm để bà con ở đây làm đất trồng đậu cho kịp vụ, không bị trễ như mọi năm nữa”, ông Chiểu nói. 

Ngọc Diêu – Sông Ninh