Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
“Cần mở lại điểm Trường tiểu học Suối Dây B tại ấp 5. Hiện nay, các em phải đi học khá xa, phụ huynh mất nhiều thời gian để đưa đón (kể cả khi đã học lên cấp 2), ảnh hưởng đến công ăn việc làm. Hơn nữa, số lượng học sinh trong độ tuổi đến trường tại đây ngày càng tăng. Trong khi đó, điểm trường học cũ và quỹ đất công đang bị bỏ không hơn 10 năm qua”- cử tri thuộc địa bàn ấp 5, xã Suối Dây, huyện Tân Châu kiến nghị.
Sân chơi của các em là trước một nhà tạm trong vườn cao su.
Ông Huỳnh Văn Ðô, một người dân đã hiến hơn 1.000m2 đất để làm điểm Trường tiểu học Suối Dây B tại ấp 5 kể, khoảng năm 1982, ở khu vực này rất ít người học qua hết cấp 1 vì đường sá đi lại quá khó khăn, nên ông Ðô liên hệ với chính quyền địa phương xin hiến đất và cất trường học.
Ban đầu, điểm trường chỉ có một lớp học, nhà lợp mái tranh, vách che bồ trúc. Vài năm sau đó, lớp học xuống cấp, cơ quan chức năng đến nâng cấp lên thành nhà gỗ, mái ngói, đồng thời cất thêm hai lớp học nữa. Ðiểm trường này qua thời gian lại xuống cấp, nên tiếp tục được tu sửa, trong đó có một lớp học xây tường và lợp mái tôn.
Hiện nay, các em học sinh cấp 1 ở ấp 5 đi học tại hai nơi là Trường tiểu học Thị trấn B và Trường tiểu học Suối Dây B (ấp 4, xã Suối Dây).
Ðược biết, ấp 5 có 6 tổ dân cư, với 201 hộ, hơn 800 nhân khẩu. Qua thăm dò ý kiến của khoảng 10 hộ dân ở các tổ 1, 2, 3, hầu hết đều than rằng, con, cháu đi học xa quá (khoảng cách từ nhà đến trường hơn 6, 7 cây số - NV).
Mặc dù đường đã trải nhựa nhưng không rộng lắm, nhiều xe tải lưu thông- nhất là các xe chở cát và nông sản, phụ huynh không dám để con em tự chạy xe đạp đi học. Học sinh cấp 2 cũng phải được đưa đón vì chưa đủ tuổi để điều khiển xe mô tô.
Người dân ở đây chủ yếu làm nghề cạo mủ cao su, công việc cần nhiều thời gian, quả là bất tiện khi hằng ngày phải chở con đi học rồi đón về, chi phí phát sinh không nhỏ (tiền xăng, bán trú).
“Bà con rất mong về việc mở lại điểm trường để các cháu đi học được thuận tiện. Trên thực tế, không phải nhà nào cũng có điều kiện đưa đón con em đi học. Không ít trường hợp phải nghỉ học sớm, có thể do bất tiện vì trường lớp quá xa.
Ðiểm trường cũ ở đây tuy nhỏ, nhưng đã tạo điều kiện thuận lợi cho không ít thế hệ vượt qua cấp tiểu học để học lên cấp cao hơn. Mặt khác, hiện trẻ em trong ấp đang thiếu sân chơi nên chiều nào bọn trẻ cũng rủ nhau đi tập võ và vui đùa tại một nhà tạm trong vườn cao su. Nếu điểm trường được mở lại, sân trường sẽ là sân chơi lý tưởng cho các em”, bà Mai Thị Hạ (sinh năm 1955), một cử tri ngụ tổ 2, ấp 5 trình bày.
Ông Hà Huy Châu, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Dây cho biết: “Ðiểm Trường tiểu học Suối Dây B tại ấp 5 không còn hoạt động khoảng năm 2006, do không đủ sĩ số học sinh trên một khối lớp. Ðúng là cử tri có kiến nghị về vấn đề cần mở lại điểm trường tại đây.
Chúng tôi sẽ kiểm tra lại tình hình thực tế, sau đó tham mưu cho cấp trên xem xét. Quỹ đất công tại điểm trường cũ vẫn do UBND xã quản lý, tạm thời cho ông Ðô mượn trồng mì để tránh hoang hoá”. Ông Ðô cho hay: “Khi Nhà nước cần tái mở điểm trường, tôi sẵn lòng trả lại đất. Tôi thấy, trẻ em trong ấp đi học ngày càng đông, nhưng trường lớp thì xa quá, tội nghiệp!”.
Theo danh sách học sinh (dự kiến) chiêu sinh trên địa bàn ấp 5 năm học 2018-2019 do Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Tân Châu cung cấp, tổng số có 73 em bao gồm các khối lớp, trung bình khoảng 15 em/khối lớp, chia ra học tại Trường tiểu học Thị trấn B và Trường tiểu học Suối Dây B.
Ông Nguyễn Thịnh Hùng, Trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Tân Châu nhận định: “Năm nay, sĩ số tuyển sinh vào lớp 1 trên địa bàn toàn huyện tăng hơn so với năm ngoái. Riêng đối với ý kiến của cử tri ấp 5, Phòng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại tình hình thực tế để có hướng tham mưu, xử lý”.
Hiện cử tri và nhiều phụ huynh học sinh tại ấp 5 đang chờ cơ quan có thẩm quyền xem xét nguyện vọng của mình.
Q.S