Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Bộ Công Thương bắt đầu khởi động dự án hỗ trợ người dân lắp điện mặt trời tại gia đình với sự tài trợ của Chính phủ Đức. Mức hỗ trợ có thể lên tới 6 triệu đồng/hộ gia đình.
Phát biểu tại hội thảo khởi động Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam sáng 25/7 tại TP.HCM, ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cho biết mục tiêu của Việt Nam là đến cuối năm 2025 sẽ có 100.000 hệ thống điện mặt trời áp mái được lắp đặt.
"Trong thời gian vừa qua đã có sự bùng nổ về số lượng các dự án điện mặt trời quy mô lớn, tuy nhiên số lượng các dự án điện mặt trời áp mái còn khá hạn chế, chưa phản ánh được tiềm năng của loại hình điện sạch này", ông Kim đánh giá.
Ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, phát biểu sáng 25/7. Ảnh: USAID.
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), điện mặt trời áp mái là giải pháp chủ động, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
Nguồn điện này lại càng quan trọng trong bối cảnh EVN đang phải huy động nguồn nhiệt điện chạy dầu với sản lượng tương đương 1,7 tỷ kWh trong năm nay và dự kiến 5,2 tỷ kWh năm 2020. Tình hình thiếu điện, đặc biệt tại miền Nam sẽ càng nghiêm trọng khi mức thiếu hụt dự báo tăng từ 3,7 tỷ kWh năm 2021 lên 12 tỷ kWh năm 2023.
Để thúc đẩy người dân lắp đặt điện mặt trời áp mái, Bộ Công Thương ủy quyền EVN thực hiện Chương trình phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam với nguồn vốn viện trợ không hoàn lại 14,5 triệu Euro (khoảng 375 tỷ đồng) của Chính phủ Đức thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).
Dự án này có mục tiêu hỗ trợ khoảng 50.000-70.000 khách hàng là hộ gia đình trên toàn quốc lắp đặt điện mặt trời mái nhà nối lưới với tổng công suất lắp đặt từ 130 MWp đến 150 MWp. Mức hỗ trợ dự kiến là 3 triệu đồng/kWp và tối đa không quá 6 triệu đồng mỗi khách hàng. Dự án thực hiện trong giai đoạn 2019-2021.
Đại diện Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, ông Sebastian Paust, Bí thư thứ nhất, Trưởng phòng Hợp tác Phát triển, cho biết phía Đức sẽ hỗ trợ Việt Nam các hoạt động về phát triển nguồn nhân lực, xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật, triển khai các hoạt động nghiên cứu và chương trình tài trợ thí điểm nhằm khuyến khích khu vực tư nhân và hộ gia đình tham gia vào các hoạt động kinh doanh phát triển điện mặt trời áp mái.
Để đấu nối điện mặt trời mái nhà, đầu tiên hộ gia đình cần đăng ký bán điện mặt trời với ngành điện. Sau đó, EVN sẽ kiểm tra, thử nghiệm các yêu cầu kỹ thuật hệ thống điện mặt trời, lắp đặt công tơ 2 chiều. Tiếp theo, ngành điện ký kết hợp đồng mua bán điện với khách hàng.
Hàng tháng, chỉ số điện mặt trời phát lên lưới sẽ được ghi lại. Cuối cùng, ngành điện thanh toán tiền điện cho khách hàng mỗi tháng theo số lượng điện phát lên lưới. Giá mua điện mặt trời mái nhà trong năm 2019 là 2.134 đồng/kWh.
Ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết EVN sẽ thiết lập hệ thống phần mềm giám sát để đảm bảo tính minh bạch, nhanh chóng của dự án. “Bất kỳ hộ dân nào lắp đặt xong điện mặt trời mái nhà, ký kết hợp đồng mua bán điện sẽ nhận được tiền hỗ trợ ngay”, ông cho biết.
Theo số liệu cập nhật của EVN đến ngày 18/7, cả nước hiện có 9.110 khách hàng không kể các đơn vị thuộc EVN lắp đặt điện mặt trời áp mái với tổng công suất là 186,37 MWp. Trong đó, 7.550 khách hàng là hộ gia đình với công suất 40,46 MWp.
Nguồn Zing