Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
“Cán bộ là người đầy tớ trung thành của Nhân dân”. Lời di huấn ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được xem như lời thề thiêng liêng, là thước đo phẩm giá và là nền tảng cho mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân.

Bài 1: Lời thề bị lãng quên
Có những lời thề được khắc cốt ghi tâm, trở thành lẽ sống của một đời người, của cả một thế hệ. Lời thề phụng sự Nhân dân của người cán bộ cách mạng chính là như vậy. Nhưng cũng có những lời thề, chỉ vì cám dỗ của quyền lực và vật chất, đã phai mờ rồi bị lãng quên, để lại phía sau là sự tổn thương và nỗi thất vọng khôn nguôi trong lòng Nhân dân.
.jpg)
Lời thề thiêng liêng mang tên “công bộc của dân”
Trong kho tàng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luận điểm “Cán bộ, đảng viên là người đầy tớ trung thành của Nhân dân” là một di sản vô giá, một viên ngọc sáng soi rọi cho công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị Việt Nam. Tư tưởng này không phải là một khẩu hiệu đạo đức đơn thuần mà bắt nguồn sâu xa từ nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về một nhà nước kiểu mới, nhà nước vô sản, nơi quyền lực thực sự thuộc về đại đa số Nhân dân lao động.
Khi bản chất nhà nước thay đổi từ công cụ thống trị của thiểu số trở thành công cụ phục vụ lợi ích của đa số thì vai trò của những người vận hành bộ máy nhà nước cũng phải thay đổi một cách căn bản. Họ không còn là những “ông quan” cai trị, mà trở thành những “công bộc”, những người được Nhân dân ủy thác quyền lực để phục vụ chính Nhân dân.
Trên nền tảng lý luận ấy và từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển tư tưởng này lên một tầm cao mới. Người đã chỉ rõ ngọn nguồn của quyền lực một cách không thể giản dị và sâu sắc hơn: “Dân chủ là thế nào? Là dân làm chủ. Dân làm chủ thì chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác là làm gì? Làm đầy tớ”. Luận điểm này xác lập một chân lý: mọi quyền lực mà cán bộ có được đều do Nhân dân giao phó. Vì vậy, họ có nghĩa vụ phải phục vụ Nhân dân một cách vô điều kiện, phải là “người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”.
Người cũng chỉ ra mối quan hệ biện chứng, thống nhất hữu cơ giữa hai vai trò tưởng chừng đối lập: “người lãnh đạo” và “người đầy tớ”. Muốn lãnh đạo được Nhân dân thì trước hết phải được Nhân dân tin yêu, ủng hộ. Mà muốn được tin yêu, họ phải chứng tỏ mình là người đầy tớ trung thành, tận tụy, hết lòng vì dân. Phục vụ tốt chính là phương thức lãnh đạo hiệu quả và bền vững nhất.
Để thực sự xứng đáng với danh xưng cao quý đó, Bác yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện những phẩm chất đạo đức cách mạng, mà cốt lõi là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đó là nền tảng để họ có thể “việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Người cán bộ phải là người có tinh thần trách nhiệm cao độ, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn và đặc biệt, phải là người gương mẫu, “làm mực thước cho người ta bắt chước”. Lời thề phụng sự ấy chính là hiện thân của một nền đạo đức công vụ trong sáng, là thước đo phẩm giá của người cán bộ và là sợi dây bền chặt níu giữ niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chế độ.
Những vết sẹo trong lòng dân
Lý tưởng thì trong sáng, lời thề thì thiêng liêng, nhưng thực tế đôi khi lại là một bức tranh nhuốm màu xót xa. Chính trong những thời khắc đất nước gian nguy nhất, khi Nhân dân cần đến những “người đầy tớ” của mình nhất, thì cũng là lúc lời thề ấy ở một số nơi, bởi một số người, đã bị lãng quên một cách phũ phàng. Hai đại án tham nhũng gây rúng động dư luận trong thời gian qua là minh chứng đau đớn cho sự phản bội lại lòng tin ấy.
Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, được xem là vụ án tham nhũng có quy mô lớn chưa từng có. Bằng những thủ đoạn tinh vi, với sự tiếp tay, bao che của một hệ thống quan chức biến chất trong ngành ngân hàng, những kẻ chủ mưu đã biến Ngân hàng SCB thành một “cỗ máy rút tiền” khổng lồ, gây thiệt hại hàng trăm ngàn tỉ đồng. Đó không chỉ là tiền của Nhà nước, đó là mồ hôi, nước mắt, là tiền tiết kiệm của hàng vạn người dân, doanh nghiệp đã tin tưởng gửi. Vụ án này đã phơi bày một lỗ hổng khổng lồ trong quản lý nhà nước về tài chính - ngân hàng và trên hết, nó giáng một đòn mạnh vào niềm tin của công chúng đối với sự an toàn của cả hệ thống.
Vụ án Tập đoàn Phúc Sơn lại cho thấy sự cấu kết, thông đồng giữa doanh nghiệp “sân sau” và các quan chức lãnh đạo cấp tỉnh. Chỉ từ một doanh nghiệp nhỏ cấp huyện, Phúc Sơn đã vươn lên thành một tập đoàn lớn, trúng thầu hàng loạt dự án nghìn tỉ nhờ mối quan hệ và sự chi phối đối với lãnh đạo các tỉnh. Những lời khai trước tòa đã vẽ nên một bức tranh đáng sợ về việc quyền lực công đã bị mua chuộc, các quyết sách của địa phương đã bị thao túng để phục vụ lợi ích của một doanh nghiệp. Những vụ án như vậy không chỉ gây thất thoát tài sản mà còn làm méo mó môi trường kinh doanh, tạo ra một sự bất công xã hội sâu sắc, khi một bộ phận thoái hóa giàu lên bằng cách ăn chặn nguồn lực của đất nước.
Trăn trở về “một bộ phận không nhỏ”
Những vụ việc kể trên, dù chấn động đến đâu, cũng không phải là những hiện tượng hoàn toàn cá biệt. Đó là những biểu hiện rõ nét và đau đớn nhất của một thực trạng đã được chính Đảng ta nhiều lần thẳng thắn nhìn nhận và chỉ ra trong các nghị quyết Trung ương: tình trạng “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cụm từ “một bộ phận không nhỏ” được nhắc đi nhắc lại qua nhiều nhiệm kỳ không phải là một sự ngẫu nhiên. Nó cho thấy tính chất dai dẳng, phức tạp và nghiêm trọng của vấn đề, cho thấy cuộc đấu tranh này không chỉ là loại bỏ vài cá nhân sai phạm mà là một cuộc chiến cam go để "chữa trị" những “căn bệnh” đã ăn sâu vào một phần của cơ thể Đảng.
Sự suy thoái này diễn ra dưới nhiều hình thức: đó là bệnh quan liêu, xa dân, hách dịch, nhũng nhiễu, vô cảm trước bức xúc của người dân; đó là chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi, “tư duy nhiệm kỳ” và “lợi ích nhóm” đang làm phương hại đến lợi ích chung của quốc gia. Đó là tình trạng chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm người nhà không đủ tiêu chuẩn làm suy yếu năng lực của bộ máy. Tất cả những biểu hiện đó đều có chung một gốc rễ: những cán bộ đó đã quên mất mình là ai, quên mất lời thề phụng sự Nhân dân, đặt cái tôi cá nhân và lợi ích vật chất lên trên danh dự và trách nhiệm được giao.
Sự lãng quên lời thề của “một bộ phận không nhỏ” này đã để lại những hậu quả vô cùng nặng nề. Nó không chỉ làm thất thoát tài sản của Nhà nước, của Nhân dân mà nghiêm trọng hơn, làm xói mòn nền tảng chính trị và lòng tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự vững mạnh của chế độ. Niềm tin là thứ tài sản vô hình nhưng quý giá nhất, một khi đã rạn nứt thì rất khó để hàn gắn. Vậy đâu là cội rễ dẫn đến sự tha hóa này? Điều gì đã biến một bộ phận những người mang danh “công bộc” thành những “ông quan cách mạng” xa lạ và làm cho lời thề thiêng liêng bị lãng quên?./.
(còn tiếp)
Trần Quốc Việt
Bài 2: Khi quyền lực tha hóa