Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Người Khmer ở Kà Tum theo Đảng
Thứ sáu: 14:24 ngày 16/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trở lại Kà Tum, tiếp xúc với bà con dân tộc Khmer, chúng tôi chứng kiến một sự đổi thay rõ rệt, vượt xa mọi suy nghĩ ban đầu…

Những người già ở Kà Tum bảo, nhắc tới Kà Tum, là phải nhắc đến hai sự kiện đáng nhớ. Một, trước ngày giải phóng miền Nam, đó là thất bại trong trong chiến dịch Junction City năm 1967 - cuộc hành quân quy mô lớn nhất của quận đội Mỹ đối với miền Nam Việt Nam. Hai, từ khi nước nhà thống nhất, đó là cộng đồng người Khmer sau nạn diệt chủng Pol Pot – Ieng Sary ở Campuchia năm 1979, đã chọn vùng đất này an cư lập nghiệp và một lòng theo Đảng. Cả hai sự kiện đều thể hiện vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trở lại Kà Tum, tiếp xúc với bà con dân tộc Khmer, chúng tôi chứng kiến một sự đổi thay rõ rệt, vượt xa mọi suy nghĩ ban đầu…

Ngôi nhà 1,5 tỷ của Phay Phom.

Kỳ 1: NHỮNG NGÔI NHÀ BẠC TỶ

Xã Tân Đông (Kà Tum cũ) có 9 ấp, trong đó có 3 ấp người Khmer: Tầm Phô, Kà Ốt và Suối Dầm. Trên bản đồ, Tầm Phô và Kà Ốt nằm đối xứng nhau như hai cánh máy bay chuồn chuồn (L19), mà thân là con đường ĐT785, kéo từ trung tâm xã chạy đến ngã ba Vạc Xa (xã Tân Hà) trước khi nối vào đường ĐT792. Còn Suối Dầm là phần đuôi của chiếc máy bay đó.

Cả ba ấp đều nằm trong xã biên giới, nhưng chỉ có Tầm Phô giáp biên với nước bạn Campuchia. Những người Khmer ở 3 ấp, đa phần thuộc diện lánh nạn Pol Pot - Ieng Sary và chạy đến hoặc chạy về chốn cũ một thời.

Ông Nguyễn Văn Lực-Trưởng ban công tác mặt trận ấp Tầm Phô.

“Nhờ bản chất cần cù, chịu làm ăn, biết ý thức làm giàu của bà con, cộng với tác động trực tiếp của Đảng ủy xã… bây giờ vào phum thấy vắng hoe như vầy là mừng lắm vì như thế là do họ đang có việc phải làm. Chứ trước đây, họ cứ tụm năm tụm ba uống rượu dài đường là hỏng rồi!”.

Riêng Tầm Phô, còn thêm một đặc điểm quan trọng khác đó là gần một nửa hộ người Khmer ở đây, còn có họ hàng quyến thuộc với người ở phum Ta Nong, xã Chan Mul, huyện Memot, tỉnh Tbong Khmum, bên kia nước bạn.

Chuyện họ qua lại biên giới để thăm thân nhân gần như đi chợ mỗi ngày. “Bốn mươi năm trước, các ấp này còn là những phum người Khmer với nhiều phong tục tập quán, lạc hậu, nhà cửa ọp ẹp, dưới nhà sàn nuôi trâu bò gà vịt… rất kém vệ sinh” - ông Hồ Thanh Liêm (Bảy Liêm), nguyên Trưởng ban Tổ chức Huyện uỷ Tân Châu, từng có thời gian dài làm Chủ tịch xã, rồi Bí thư Đảng uỷ xã Tân Đông từ năm 1980, nhớ lại.

Ấy vậy mà, bây giờ trước mắt chúng tôi, Tầm Phô như “nàng công chúa” bước ra từ quả thị héo úa ngày nào. Nhiều căn nhà sàn truyền thống nhưng kiên cố, đồ sộ, hiện đại mọc lên dọc theo mặt tiền trục lộ chính tráng nhựa thẳng tắp từ xã vào tận phum. Những căn nhà ấy theo già làng Nin Phay, thì “một tỷ đồng chắc không làm được vậy đâu!”

Già làng Nin Phay và ông Tám Mậu (ông Nguyễn Văn Mậu) - Bí thư Chi bộ ấp Tầm Phô dẫn chúng tôi ghé thăm nhà gia đình anh Phay Phom, một nông dân 8X đời đầu của ấp. Rất tiếc không gặp được Phay Phom vì vợ chồng anh đi mót mì bên tận xã Tân Hà.

Già làng Nin Phay chia sẻ về câu chuyện về cách “làm giàu” của vợ chồng Phay Phom, nghe qua cũng không có gì bí ẩn và đặc biệt, có chăng đó là ý thức, sự cần cù và biết tích luỹ.

Ông Nin Phay nhớ lại, tụi nó cưới nhau được 16 năm rồi, lúc đầu khó khăn vất vả lắm, Phay Phom phải đi ở rể theo phong tục của người Khmer, cuộc sống chỉ đủ ăn, chưa dư dả. Từ khi có con, tụi nó mới vất vả thật sự. Lúc đó, được ấp, xã quan tâm, hướng dẫn trồng mía, rồi cho vay vốn, nhờ đó mà làm ăn dần dần, tích luỹ lâu ngày mới được như ngày hôm nay. 

Ông Tám Mậu tiếp lời Già làng Nin Phay, Phay Phom là một trong số những người trẻ tuổi tiên phong thoát khỏi tư duy của đồng bào mình vốn dĩ ít để tâm đến cái ăn hằng ngày. Đôi vợ chồng trẻ người Khmer này cân đối trong sinh hoạt, tích luỹ tiền bạc để chi tiêu cho những công việc lớn. Năm 2018, hai đứa cất nhà trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. 

Câu chuyện Phay Phom làm nhà bạc tỷ nhanh chóng truyền đi khắp Tầm Phô, bà con, nhất là thanh niên trong phum xem đây là tấm gương để học tập. Nhà của Phay Phom là nhà sàn theo quy cách cột bê tông cốt thép, lan can cầu thang và hàng hiên bằng I-nox, sàn và vách đều ốp gỗ, mái lợp tôn tráng kẽm với tổng trị giá lúc hoàn công gần 1,5 tỷ đồng.

Biết được giá trị thực của ngôi nhà, bà con trong phum càng nể vợ chồng Phay Phom nhiều hơn. Không nể sao được, khi biết vợ chồng anh quanh năm cần mẫn, lam lũ ngoài đồng.

Ngoài việc chăm sóc và canh tác 2,5 ha mía đựơc cha mẹ cho từ lúc cưới nhau, hết việc nhà, vợ chồng Phay Phom đi làm thuê, không ai mướn thì đi mót mì. Già làng Nin Phai thông tin thêm, để có ngôi nhà sàn khang trang này, vợ chồng nó đã phải dành dụm suốt gần 10 năm trời.

Nhờ cần mẫn siêng năng chị Chùm Ran Ly Đa giờ đã có ngôi nhà bạc tỷ.

“Biệt thự sàn” không kém phần khang trang gần đấy của vợ chồng chị Chùm Ran Ly Đa và Vuôt Sa Rươn, thế hệ đời nửa sau 8X, cùng model, cùng kết cấu, giá trị như nhà của Phay Phom.

Chị Chùm Ran Ly Đa trước căn nhà của mình.

Khi chúng tôi đến nơi vợ chồng họ đang ngồi xỏ que thau thịt ướp thơm lừng. Từ rất lâu, món thịt xiên que nướng, cùng với bánh tráng, nước ngọt các loại được tháp tùng chung trên chiếc xe bán rau cải, khô mắm, nhu yếu phẩm các lại chạy khắp xóm đã góp phần tăng thu nhập cộng thêm cho đôi vợ chồng này.

Thu nhập hằng ngày từ “cửa hàng” di động này không chỉ giúp đôi vợ chồng trẻ đủ trang trải chi tiêu hàng ngày mà còn góp phần đáng kể trong việc mua sắm vật liệu hình thành nên ngôi nhà khang trang tươm tất của mình và là niềm mơ ước của nhiều người dân trong ấp.

Già Làng Nin Phay (giữa) và ông Tám Mậu đưa chúng tôi tham quan căn nhà của Phay Phom.

Nhẩm đếm số nhà bạc tỷ có hơn chục căn trong ấp, dò hỏi chủ nhân của những ngôi “biệt thự sàn” này, chúng tôi phát hiện những Ốk nha (Đại gia) đều thuộc thế hệ U40. Già làng Nin Phay cười to. Chưa phải Ôk nha đâu, mới chỉ là Mô-ha-sê-thây (tỷ phú) thôi.

Khi chúng tôi bước ra ngoài sân, nhác thấy một chiếc ô tô mới coóng, chạy lướt qua trên con đường nhựa thẳng tắp trước mặt, ông Chum Chùm Ran cười sảng khoái khoe luôn: “Ở đây đấy, xe mới 100% hẳn hoi nhé, trị giá gần cả tỷ đồng thôi!”

Già làng Nin Phay và ông Tám Mậu luôn tự hào khi nói về tấm gương lao động sản xuất giỏi Phay Phom.

Hơn mười năm trước, có lần chúng tôi quay về Tầm Phô trên chiếc xe ngựa của người phụ nữ duy nhất hành nghề này. Tiếng vó ngựa lóc cóc trên đường biên bụi mờ bám đỏ cả người. Đó là mùa giáp hạt, những ngày cận tết với cái nắng cuối năm nóng rát da đêm lạnh điếng xương. Trăng đầu tháng mỏng như lá lúa nhưng cũng đủ một thứ ánh sáng sền sệt, mờ mờ tỏ tỏ…

Ông Chom Chùm Ran-Trưởng ấp Tầm Phô.

“Trước 2005, cả ấp chỉ có 2 chiếc xe đạp, 2 chiếc xe trâu, nhưng giờ ở đây nhìn như thành phố, có nhiều nhà mới mọc lên, toàn nhà bạc tỉ, mỗi nhà có mỗi xe gắn máy, có nhiều máy cày và có cả ô tô bạc tỷ! Không có Đảng, không được vậy đâu!”.

Đêm ấy, chúng tôi ngủ lại trong căn hộ tập thể của thầy giáo Khanh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Đông A. Vợ thầy đã chạy ra chợ tìm mua món thịt rừng để chiêu đãi khách. Trên bộ ván tư, bằng gõ láng bóng, chúng tôi ngồi xếp bằng, lai rai và tâm sự. Cuộc đời của mỗi người mỗi khác.

Có ai biết thầy Hiệu trưởng của Trường tiểu học Tân Đông A này, trước kia lại từng là một người làm đủ thứ nghề. Từ anh kế toán ngân hàng ở bên Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương, Bình Phước), đến tuổi nghĩa vụ khoác áo lính qua chiến trường Campuchia. Ra quân, về Long An cuốc đất trồng khoai. Đất trũng, lũ lụt hàng năm, công sức bỏ ra cả năm trời như dã tràng xe cát. Lại trở ngược lên miền biên giới Tây Ninh, nắng bụi mưa bùn, chọn nơi này làm quê hương thứ hai.

Anh Danh Vuốt - hiện có trong tay 2 bộ máy cày xới và thùng kéo trị giá trên tỷ đồng.

Cuộc đời đưa đẩy, anh bộ đội cương nghị phong trần lại trở thành thầy giáo hiền lành trong ngôi trường làng xa xôi phố nhỏ. “Vui thì có vui, khoẻ thì có khoẻ nhưng lương hằng tháng của hai vợ chồng tôi không bằng thu nhập của một người đánh xe ngựa thồ. Nhiều lúc ngẫm nghĩ muốn bỏ nghề ra mua một con ngựa, sắm một chiếc xe chạy lọc cọc, lạch cạch mà lại hay”. Anh nhìn tôi cười rồi với tay cầm ly rựơu đưa lên môi, đánh “khà” một tiếng… như thể số trời đã định.

Khi ấy, chúng tôi chưa gặp vợ chồng của Phay Phom, cũng chưa gặp vợ chồng của Chùm Ran Ly Đa, chưa biết những người trẻ trong cái xóm Khmer nghèo đã dám vạch ra một kế hoạch tích tiểu thành đại như bây giờ. Nếu không chúng tôi đã buộc miệng: Chẳng nhẽ thầy không dám mơ một căn nhà bạc tỉ như họ hay sao?

Trưởng ấp Chum Chom Rang người luôn tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng để bà con trong phum làm theo, giờ ông là một trong những người giàu có nhất.

Nguyễn Thiện - Đức An – Lê Quân

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục