Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Người “lái đò” thầm lặng
Thứ ba: 23:30 ngày 07/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đối lập với cuộc sống thành thị bon chen, hối hả, hơn 25 năm qua, trong con hẻm nhỏ, cô Nhung như một người lái đò, âm thầm, cần mẫn đưa các học trò hiếu học sang sông.

Lớp học tình thương của cô Nhung.

Hơn 25 năm nay, trong căn nhà nhỏ ở khu phố 4, phường 3, TP. Tây Ninh luôn vang lên tiếng cô và trò đọc tiếng Anh. Đây là lớp học tình thương do cô Trần Thị Nhung, 65 tuổi- nguyên Phó Chủ tịch Công đoàn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức.

Chiều 6.3, căn nhà của cô Nhung rộn ràng bởi từng tốp học sinh đến học thêm môn tiếng Anh. Các em nhanh chóng vào lớp, chia thành hai nhóm nhỏ, ngồi vào những dãy bàn riêng biệt và lấy tập vở ra dò lại bài học cũ. Nhiều em kịp về nhà thay trang phục, một số em vẫn còn mặc nguyên đồng phục của trường đến lớp học thêm.

Cô Nhung trong trang phục giản dị, ân cần kiểm tra tập vở xem các em có học, làm bài tập đã ôn luyện trong buổi học trước hay không, đồng thời hướng dẫn các em đọc, viết những câu, từ mới. Vừa dạy xong nhóm này, cô Nhung lại sang nhóm khác. Trong mỗi nhóm, cô Nhung chọn ra một cộng tác viên là học sinh giỏi tiếng Anh nhất để kèm cho các bạn. Với những học sinh đang chuẩn bị thi học kỳ 2 hoặc thi cuối cấp, cô dành thời gian ôn luyện kỹ hơn.

Trước đây, gia đình em Nguyễn Ngọc Anh Tâm, học sinh lớp 9A7, Trường THCS Chu Văn An ở tỉnh Bình Phước. Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cha mẹ bận lao động, nên 2 năm qua, Tâm theo người anh ruột đến TP. Tây Ninh sinh sống. Thời gian gần đây, em tìm đến lớp học tình thương của cô Nhung để được thoả mãn niềm đam mê học tiếng Anh. Nhờ đó, kiến thức tiếng Anh của em được củng cố vững chắc.

Em Nguyễn Ngọc Thanh Lam, học sinh lớp 8A1, Trường THCS Nguyễn Tri Phương được mẹ chở đến học từ khi còn là học sinh lớp 4. Trước đây, vốn từ tiếng Anh của em vẫn ổn, nhưng yếu về ngữ pháp. Vì thế điểm môn tiếng Anh trong lớp không cao. Sau 4 năm theo học ở đây, kiến thức tiếng Anh của em đã tăng lên.

Trong lớp học tình thương này có trường hợp 2 thế hệ cha con đều là học sinh của cô Nhung. Đó là gia đình anh Nguyễn Tâm Hiếu, ở phường 3. Anh Hiếu kể, hàng chục năm trước anh được cô Nhung dạy kèm. Đến nay, con trai của vợ chồng anh là Nguyễn Tâm Nghĩa, học sinh lớp 6A2, Trường THCS Võ Văn Kiệt cũng trở thành học trò của cô Nhung. Anh Hiếu cho biết: “Con trai mới học lớp một, anh đã đưa đến đây để nhờ cô Nhung dạy tiếng Anh. Cô dạy rất tốt, nhờ thế con trai mau tiến bộ”. Qua một thời gian vừa học vừa phụ cô kèm cặp các bạn, cậu học trò nhỏ Nguyễn Tâm Nghĩa nhận thấy: “Các bạn trong nhóm được em kèm có nhiều tiến bộ. Riêng em thì ôn luyện, nâng cao được kiến thức tiếng Anh”.

Ông Huỳnh Thanh Quang, 53 tuổi, ngụ phường Ninh Sơn, kể hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, ông đi làm thợ hồ, vợ kiếm sống bằng nghề bán vé số dạo. Nhiều năm trước, trong lúc bán vé số, biết được ở khu phố 4, phường 3 có lớp học tình thương của cô Nhung nên vợ ông xin cho con trai vào học. Được cô Nhung dạy từ lớp 7 đến lớp 12, con trai của ông đã thi đậu vào đại học chuyên ngành tiếng Anh.

3 năm nay, ông tiếp tục đưa con gái út tên Huỳnh Thị Thế An, học sinh lớp 6 Trường THCS Nguyễn Tri Phương đến lớp học tình thương của cô Nhung để bồi đắp thêm kiến thức ngoại ngữ. “Tôi rất biết ơn cô giáo. Nếu không có lớp học tình thương này, hai đứa con của vợ chồng tôi không biết làm sao để học thêm tiếng Anh”- ông Quang bày tỏ.

Cô Nhung trong giờ lên lớp.

Điều đáng ghi nhận là cô Nhung không công tác trong ngành Giáo dục mà là công chức của ngành Nông nghiệp. Cô Nhung nói: hơn 25 năm trước, các anh chị em của cô thường tụ tập và hát tiếng Anh.

Ở xóm có một vài em học yếu môn tiếng Anh, nhưng hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, không có điều kiện học thêm. Phụ huynh các em đến gia đình cô Nhung nhờ dạy kèm tiếng Anh. Thương trẻ em nghèo hiếu học, mẹ của cô Nhung khuyến khích cô dạy kèm miễn phí cho các em.

Năm 1997, lớp học tình thương này ra đời. Cô Nhung nhớ lại: “Ban đầu, lớp chỉ có 5 em học sinh lớp 6. Sau giờ làm việc ở cơ quan, tôi cố gắng ôn lại kiến thức tiếng Anh và dạy phụ đạo cho các em.

3 tháng sau, sỉ số lớp tăng lên 10 em và từ đó đến nay, số học sinh tăng lên theo cấp số nhân. Hiện nay, lớp học có khoảng 150 học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, được chia thành 2 buổi học khác nhau”.

Thời gian đầu, lớp học hoạt động dưới mái hiên nhà với bàn ghế nhựa. 10 năm sau, học sinh tăng lên 70-80 em, mái hiên không còn đủ chỗ che mưa che nắng cho các em; nên năm 2014, cô Nhung đầu tư xây một lớp học trong sân nhà để các em có nơi học tập. Lớp học đầy đủ bàn ghế, phấn bảng với chi phí gần 100 triệu đồng; trong đó, một người bạn thân của cô ủng hộ 30 triệu đồng.

Về chuyên môn, cô Nhung tâm sự, đối với các em học lớp 6 trở xuống, cô chỉ cần bám theo sách giáo khoa là có thể dạy được. Nhưng với các em từ lớp 7, lớp 8 trở lên thì cô phải trang bị thêm kiến thức chuyên môn. Cô Nhung phải đi học thêm tiếng Anh và tham khảo thêm tài liệu, giáo trình dạy học từ một giáo viên tiếng Anh khác.

Cô Nhung giải thích thăc mắc cho các em.

Để duy trì lớp học, cô Nhung tốn rất nhiều thời gian, công sức. Hằng ngày, từ 14 giờ đến 16 giờ cô soạn giáo án. Từ 16-19 giờ, cô bắt đầu dạy cho các em. Lớp học kết thúc, cô mới có thời gian dùng bữa tối, nghỉ ngơi, đến 20 giờ là ngồi vào bàn chấm điểm bài tập, chuẩn bị chương trình cho buổi lên lớp ngày hôm sau. Theo lời cô Nhung, hiện nay, khó nhất là chương trình sách giáo khoa thường xuyên thay đổi. “Chương trình sách giáo khoa cũ có nhiều bài dạy đậm tính lịch sử, nhân văn nên hấp dẫn các em hơn”- nữ giáo viên trăn trở.

Hầu hết các em đến lớp học có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học yếu môn Anh văn hoặc yêu thích môn tiếng Anh nhưng không có điều kiện đến các trung tâm ngoại ngữ học thêm. Năm 2008, cô Nhung có mời thêm một cộng tác viên dạy tiếng Hàn cho những người có nhu cầu học thêm môn ngoại ngữ khác. Những năm gần đây, cộng tác viên này lập gia đình và chuyển công tác nơi khác, nên môn tiếng Hàn không còn được duy trì.

Đối lập với cuộc sống thành thị bon chen, hối hả, hơn 25 năm qua, trong con hẻm nhỏ, cô Nhung như một người lái đò, âm thầm, cần mẫn đưa các học trò hiếu học sang sông. Với sự đóng góp đặc biệt, hằng năm, cô Nhung được Hội Khuyến học TP. Tây Ninh khen thưởng; năm 2010, cô được Ban Dân vận Tỉnh uỷ khen thưởng.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục