Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bên cạnh trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, mỗi nhà báo phải phụng sự đất nước mình.
Sáng 18.6, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia có chủ đề “Tính chuyên nghiệp của báo chí hiện đại – những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Ông Đinh Thế Huynh- Ủy viên Bộ Chính trị- Bí thư Trung ương Đảng- Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương- Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, các nhà báo lão thành, các thế hệ nhà báo của nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương dự hội thảo.
Tại hội thảo, nhiều tham luận của các đại biểu cơ quan báo chí Trung ương và địa phương cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm từ hoạt động thực tiễn, trong đó, nêu bật vấn đề nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà báo. Theo các đại biểu, muốn làm được điều đó, trước hết cần nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ sở đào tạo người làm báo.
Nhà báo Hữu Thọ cho rằng: nền báo chí muốn chuyên nghiệp, trước hết người làm báo phải là những người chuyên nghiệp. Theo nhà báo Hữu Thọ, rèn luyện tính chuyên nghiệp của người làm báo Việt Nam trước hết là rèn luyện tinh thần vì Tổ quốc, vì nhân dân, phải hiểu luật và quy chế nghề nghiệp khi hành nghề và phải xem xét hiệu quả khi công bố tác phẩm báo chí.
Trong quá trình tìm hiểu sự thật, bên cạnh bản lĩnh và trí tuệ nhiều lúc phải trải qua khó khăn, nguy hiểm, do đó chỉ có lòng say mê nghề nghiệp chân chính và tinh thần trách nhiệm cao mới có thể trở thành nhà báo chuyên nghiệp. Nhà báo cần không ngừng học tập chính trị, văn hoá, ngoại ngữ, thường xuyên trau dồi kiến thức, đắm mình trong thực tiễn, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đinh Thế Huynh nêu rõ: Nhá báo muốn có tính chuyên nghiệp, trước hết phải có quan điểm đúng về nghề báo. Người làm báo phải phụng sự sự tiến bộ và công bằng xã hội, phục vụ đông đảo công chúng trong xã hội. Xã hội ngày càng phát triển thì vai trò của báo chí ngày càng cao, điều đó được thể hiện rõ qua sự đánh giá của xã hội, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với báo chí. Từ đó, những người làm báo cần thấy trách nhiệm nặng nề của mình, mỗi khi đặt bút hoặc bấm máy cần thấy trách nhiệm với con người, với xã hội, vì sự công bằng tiến bộ xã hội. Không có nhà báo toàn cầu, chỉ có nhà báo thuộc về một dân tộc, một quốc gia. Trước hết những nhà báo Việt Nam phải phụng sự đất nước mình và bên cạnh trách nhiệm xã hội còn nghĩa vụ công dân.
Tại hội thảo, đại diện các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương cũng chia sẻ những giải pháp để nâng cao tính chuyên nghiệp của biên tập viên báo chí, tính chuyên nghiệp trong khai thác nguồn tin và đạo đức của nhà báo.
(Theo VOV)