Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hợp tác lao động ở nước ngoài:
Người lao động hãy tìm hiểu kỹ trước khi quyết định
Thứ sáu: 04:52 ngày 09/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tại Tây Ninh, nếu NLĐ có nhu cầu đi XKLĐ ngoài nước nên liên hệ trực tiếp với Trung tâm dịch vụ lao động việc làm tỉnh hoặc Phòng LĐ-TB&XH huyện để được hướng dẫn các thủ tục cần thiết.

Vừa qua, Báo Tây Ninh có đăng loạt bài “Cẩn trọng khi lao động ở nước ngoài” phản ánh trường hợp của chị S. và chị Tâm (cùng ngụ huyện Tân Biên) đi lao động giúp việc gia đình tại Arab Saudi bị ngược đãi. Hiện nay, có thêm nhiều trường hợp đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) giúp việc nhà tại Arab Saudi đã gửi đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng do bị ngược đãi, đánh đập, bị kẹt lại và không thể trở về nước. Trước thực trạng đó, cơ quan chức năng có ý kiến gì?

Khó quản lý

Ông Nguyễn Chí Sang- Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Biên cho biết, trường hợp kêu cứu của chị S. tại xã Thạnh Bình, Phòng đã hướng dẫn gia đình làm đơn gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước tại Hà Nội. Tuy nhiên, do gia đình chị S. không lưu giữ bộ hồ sơ nào với phía công ty nên Phòng không thể nắm bắt được đầy đủ thông tin để có cơ sở trình báo với cơ quan cấp trên. Phòng đang tiến hành xác minh lại các thông tin liên quan để báo cáo Sở LĐ-TB&XH, trình Bộ xử lý, vì thẩm quyền giải cứu không thuộc cấp huyện.

Đối với người môi giới là ông Nguyễn Quốc Đạt, ông Sang xác nhận, trước khi dẫn dắt NLĐ, ông Đạt đã nhiều lần liên hệ với Phòng LĐ-TB&XH huyện đề nghị cấp giấy giới thiệu, nhưng không được chấp thuận, vì ông này không cung cấp văn bản giới thiệu của công ty XKLĐ và đầy đủ các giấy tờ liên quan.

“Ngay thời điểm ông Đạt xuất hiện, Phòng đã có cảnh báo đến các UBND xã, thị trấn và các đơn vị liên quan. Trường hợp chị S., do cá nhân chị tự ý làm hồ sơ đi XKLĐ qua môi giới, không thông qua Phòng LĐ-TB&XH huyện nên rủi ro rất cao.

Hiện tại, trên địa bàn huyện Tân Biên có nhiều trường hợp đi XKLĐ tại Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng các hồ sơ này đều được thông qua Trung tâm Dịch vụ lao động việc làm tỉnh, đồng thời có sự giám sát của Sở LĐ-TB&XH Tây Ninh, nên không phát sinh các vấn đề rủi ro cho NLĐ”- ông Sang nói.

Trường hợp bà Đào Thị Thanh (ngụ ấp Thạnh Phú, xã Thạnh Bình) tự giới thiệu là cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ở địa phương, ông Sang khẳng định: “Chính bà Thanh đã trực tiếp “dắt” ông Đạt đến Phòng LĐ-TB&XH huyện để xin cấp giấy giới thiệu. Bà Thanh hoàn toàn không phải là cán bộ hay liên quan gì đến các bộ phận trực thuộc xã Thạnh Bình”.

Theo ông Võ Hồng Sang- Bí thư, Chủ tịch UBND xã Tân Lập (huyện Tân Biên), thời gian qua, tỉnh đã có một số chương trình giới thiệu việc làm với các công ty XKLĐ được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép hoạt động. UBND xã cũng đã tổ chức nhiều lượt tuyên truyền cho người dân về thực trạng XKLĐ ở nước ngoài.

Các trường hợp NLĐ tự đi thông qua môi giới, hay qua lời giới thiệu của “người này, người kia” rất khó quản lý, bởi hiện nay, với pasport, người dân có thể tự đi ra nước ngoài bằng nhiều hình thức như du lịch, hợp tác lao động hay thăm thân nhân…

Nếu người dân có nhu cầu đi XKLĐ, nên liên hệ với chính quyền địa phương để được cung cấp thông tin, địa chỉ chính thống của các công ty XKLĐ được Bộ cấp phép. Có như vậy, tính pháp lý và quyền lợi hợp pháp của NLĐ được bảo đảm hơn.

Cũng theo ông Võ Hồng Sang, thời gian qua, chính quyền địa phương đã không ngừng thông tin tuyên truyền về các trường hợp bị ngược đãi, hành hạ khi đang lao động tại Arab Saudi, nhưng vẫn có không ít người lao động không thông qua chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý Nhà nước khi đi XKLĐ.

Đến khi xảy ra hậu quả, chẳng những quyền lợi NLĐ không bảo đảm, mà có thể còn nguy hiểm đến tính mạng. “Cách tốt nhất, NLĐ nên liên hệ, và các cơ quan, chính quyền địa phương sẽ hướng dẫn, tìm hiểu thị trường lao động và các thủ tục để được bảo đảm quyền lợi, hạn chế các rủi ro khi quyết định đi XKLĐ”- ông Sang nhấn mạnh.

Bộ đã có khuyến cáo

Ông Dương Văn Phú- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, trước tình trạng nhiều lao động giúp việc tại Arab Saudi “kêu cứu”, xin về nước sớm vì bị ngược đãi, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã phát đi thông điệp khuyến cáo người lao động chỉ XKLĐ thông qua công ty có giấy phép, có hợp đồng cung ứng lao động được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận. Hợp đồng ký giữa người lao động và doanh nghiệp phải có chữ ký của lãnh đạo doanh nghiệp và được đóng dấu.

Hiện Cục đã cung cấp địa chỉ của gần 300 doanh nghiệp XKLĐ được cấp phép hoạt động. Tại Tây Ninh, nếu NLĐ có nhu cầu đi XKLĐ ngoài nước nên liên hệ trực tiếp với Trung tâm dịch vụ lao động việc làm tỉnh hoặc Phòng LĐ-TB&XH huyện để được hướng dẫn các thủ tục cần thiết.

Tuy nhiên, ông Phú nhấn mạnh, Sở không chịu trách nhiệm xử lý đối với các trường hợp NLĐ gặp rủi ro vì tự ý đi XKLĐ theo lời dụ dỗ của môi giới lừa đảo, hay hợp đồng với các công ty không được Bộ cấp phép. Trên thực tế, đã có nhiều công ty mặc dù được cấp phép hoạt động, nhưng khi NLĐ phản ánh, kêu cứu, họ cũng có thể “phủi” bỏ trách nhiệm của mình.

Do đó, khi có công ty đề nghị tuyển dụng lao động trong tỉnh, Sở liên hệ trực tiếp với Bộ để xác định mức độ uy tín, được cấp phép hoạt động, đồng thời buộc công ty đó phải hợp đồng với Trung tâm DVLĐVL của tỉnh để có đầy đủ cơ sở pháp lý và có trách nhiệm với NLĐ tỉnh nhà.

Đối với trường hợp chị S. (ngụ xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên), ông Phú cho hay, gia đình phải cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ, hợp đồng lao động với công ty để ngành chức năng có hướng xử lý, nhanh chóng đưa chị về nước an toàn. Theo bà Xuân (mẹ ruột chị S.), đến thời điểm này, phía công ty và cả ông Đạt vẫn chưa trả lại hồ sơ cho gia đình. Do đó, trường hợp chị S., Sở đang khẩn trương kiểm tra, xác minh lại để có hướng xử lý cụ thể.

Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, hiện có trên 15.000 lao động do 50/300 doanh nghiệp đưa đi XKLĐ sang Arab Saudi, trong đó có 25 doanh nghiệp đưa khoảng 5.000 lao động sang giúp việc gia đình tại thị trường này, với thu nhập bình quân từ 1.300-1.500 Riyal (tương đương 7-8,2 triệu đồng/tháng).

Tuy nhiên, theo Bộ LĐ-TB&XH, khu vực Trung Đông được coi là có nhiều rủi ro nhất đối với người đi XKLĐ- chủ yếu là bị sa thải, ngược đãi hoặc không thích nghi được với khí hậu, môi trường làm việc... phải xin về nước trước thời hạn.

Chính vì thế, trước khi quyết định đi XKLĐ ở Arab Saudi hay bất cứ một quốc gia nào trên thế giới, NLĐ cần suy nghĩ, tìm hiểu kỹ về văn hoá, ẩm thực, phong tục tập quán cũng như điều kiện hợp đồng, nhu cầu lao động, công việc, tuyển chọn lao động do các công ty đưa ra.

Bên cạnh đó, cần liên hệ với cơ quan chức năng như Sở LĐ-TB&XH, hoặc Trung tâm Trợ giúp pháp lý để tìm hiểu về tính pháp lý của các tổ chức, doanh nghiệp XKLĐ; đồng thời để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể. Có như vậy, NLĐ mới được bảo vệ quyền lợi, hạn chế các rủi ro đến mức thấp nhất.

Tâm Giang - Sông Ninh

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục