BAOTAYNINH.VN trên Google News

Để chọn ra bộ sách lớp 1 có chất lượng:

Người lớn phải vì trẻ em 

Cập nhật ngày: 11/12/2019 - 06:15

BTN - Chương trình, sách giáo khoa mới có thành công hay không, thành công ở mức độ nào, giáo viên- người lao động chính trong các hoạt động dạy học đóng vai trò quyết định.

Học sinh lớp 1 trong giờ học.

Năm học 2020-2021, sách giáo khoa lớp 1 của chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được đưa vào sử dụng. Đây là lớp học đầu tiên, năm học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội. Theo tinh thần của nghị quyết này, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau. So với chương trình hiện hành, điều này là một thay đổi lớn. Câu chuyện được đặt ra lúc này là việc lựa chọn sách giáo khoa như thế nào để có bộ sách tốt nhất, hạn chế sự chi phối của những yếu tố khác.

Cần có thời gian nghiên cứu, dạy thử

Theo Nghị quyết 88, giáo viên, nhà trường được quyền chọn bộ sách giáo khoa mà cơ sở giáo dục cho là phù hợp với điều kiện của mình. Tuy nhiên, Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2019 vừa được Quốc hội thông qua quy định: thẩm quyền chọn sách giáo khoa thuộc UBND tỉnh. Theo quy định, tháng 7.2020, Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2019 mới có hiệu lực, trong khi cuối tháng 3.2020, việc chọn bộ sách giáo khoa nào để dạy phải được công bố.

Chính vì thế, Bộ GD&ĐT ban hành thông tư hướng dẫn cơ sở giáo dục chọn sách giáo khoa lớp 1. Sau khi thông tin nhà trường được chọn sách giáo khoa lớp 1 được phổ biến, hiện có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau và câu chuyện bộ sách nào được “khách hàng” lựa chọn trở nên “nóng” hơn bao giờ hết, cả trên nghị trường, báo chí và mạng xã hội.

Đi thẳng vào vấn đề, một vị lãnh đạo có thâm niên trong ngành Giáo dục Tây Ninh đề nghị, trước mắt, cần chuyển ngay những bộ sách giáo khoa mới về để giáo viên nghiên cứu. “Để biết được bộ sách giáo khoa đó có chất lượng hay không, chất lượng đến đâu, có phù hợp với điều kiện của học sinh hay không, giáo viên phải có thời gian đọc. Đọc thôi chưa đủ, cần tổ chức dạy thử một số buổi, thậm chí nhiều buổi mới có cơ sở để đánh giá bộ sách giáo khoa mới”- vị lãnh đạo đề xuất.

Tuy nhiên, vẫn theo vị này, ngay cả bây giờ có sách giáo khoa thì việc đọc, hiểu và thực hành dạy trên lớp cũng không phải chuyện dễ, vì đang trong năm học, giáo viên không có thời gian đọc. “Tôi cho rằng, phải tính đến việc cho một số giáo viên nghỉ dạy, bố trí người khác dạy thì những giáo viên dự kiến có trong hội đồng chọn sách giáo khoa mới có thời gian để đọc. Trường hợp không làm theo cách vừa nêu thì cần có chế độ thù lao cho giáo viên đọc và dạy thử sách. Bởi vì giáo viên còn phải dạy và làm nhiều việc khác”.

 Một vấn đề khác, theo vị lãnh đạo, muốn biết được bộ sách nào hay, dở thì phải có nhiều bộ sách để so sánh. “Một trường tiểu học có hàng chục giáo viên, nếu chỉ chuyển về một vài bộ thì phải chờ nhau đọc. Để có cơ sở đánh giá chất lượng sách, cần có nhiều bộ sách”- người này nêu ý kiến. Vẫn theo vị lãnh đạo này, hiện nay chưa rõ, cơ sở giáo dục, ở đây là trường tiểu học có được chọn một bộ sách “tổng hợp” hay không.

Sách “tổng hợp” có nghĩa, bộ sách được chọn là tập hợp của nhiều bộ sách khác nhau, vì trong mỗi bộ sách có cuốn hay, cuốn chưa hay. Ví dụ, bộ A sách tiếng Việt viết tốt nhưng sách Toán chưa chắc đã hay. Do đó, nên chăng, cho phép nhà trường chọn một bộ sách tổng hợp từ nhiều bộ sách khác nhau.

“Việc thành lập hội đồng trong nhà trường để chọn sách giáo khoa, tôi nghĩ không có vấn đề gì, vì hiệu trưởng biết chọn những giáo viên, tổ trưởng chuyên môn nào giỏi tham gia hội đồng. Nhưng muốn chọn ra bộ sách tốt, phải có thời gian để đọc kỹ. Còn không, chỉ làm hình thức, làm cho xong chuyện thì kết quả bỏ phiếu không đáng tin cậy”- một trưởng phòng giáo dục chia sẻ.

Theo ông, những góp ý về sách giáo khoa trong thời gian qua nặng tính hình thức, vì sách chưa được đưa vào dạy, chỉ khi dạy mới phát hiện ra những vấn đề nảy sinh. “Tôi lấy ví dụ nhỏ thôi, chương trình sách giáo khoa hiện hành vẫn sử dụng đơn vị tiền tệ đến từng xu, từng hào trong khi các đơn vị tiền tệ này không tồn tại trong đời sống nữa. Học sinh bây giờ chỉ biết đến đơn vị (ngàn đồng), chứ có em nào biết đơn vị xu, hào như sách giáo khoa viết”- vị lãnh đạo nêu dẫn chứng.

Về thời gian, vị lãnh đạo này cho rằng, Bộ GD&ĐT có dấu hiệu bị động trong việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới. “Đúng ra, bộ sách này phải được triển khai dạy thử từ một năm trước để rút kinh nghiệm. Bây giờ mới triển khai, giáo viên không có thời gian đọc, không có điều kiện dạy thử. Không khéo sách mới sử dụng được một năm lại phải giảm tải. Bộ sách hiện nay đang sử dụng có tuổi đời gần 20 năm rồi vẫn tiếp tục phải cắt bỏ một số nội dung. Có trường giáo viên thi dạy giỏi bị đánh trượt vì vô ý dạy cả phần đã giảm tải”- vị cán bộ cho biết.

“Sau hội nghị của các giám đốc sở, Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư (dự thảo) để lấy ý kiến. Tới đây, Bộ sẽ có nhiều điều chỉnh về vấn đề chuyên môn, trong đó sửa đổi, bổ sung một số thông tư liên quan đến khâu kiểm tra, đánh giá”- một cán bộ có trách nhiệm thông tin về câu chuyện thay sách giáo khoa lớp 1. Người này cũng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ mới có danh mục (tên từng cuốn sách) chứ sách cũng chưa được in.

Tới đây, khi thông tư dự thảo trở thành chính thức thì mới có hướng dẫn cụ thể để cơ sở giáo dục có hướng lựa chọn bộ sách giáo khoa. Làm thế nào để chọn ra bộ sách giáo khoa tốt nhất, phù hợp nhất? Trả lời câu này, người này chia sẻ, sắp tới sẽ có hướng dẫn cụ thể (bằng văn bản), còn hiện tại chỉ là những ý kiến bàn luận, chưa chính thức.

Cạnh tranh có lành mạnh?

“Tôi nói thật, mặc dù đến nay quy trình chọn bộ sách chưa diễn ra nhưng tôi không bất ngờ về kết quả lựa chọn sau này. Các đợt tập huấn thay sách vừa qua tổ chức ở Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh, không cần quá tinh ý cũng có thể dự đoán được trong tương lai bộ sách nào sẽ được chọn”- một cán bộ đề nghị không nêu tên cho biết. Theo ý kiến của cán bộ này, trong thời gian tập huấn, chỉ cần nhìn vào nội dung tập huấn và ý kiến trình bày của các báo cáo viên là có thể đoán định bộ sách của nhà xuất bản nào sẽ “thắng thầu”.

Hiện tại không nên khẳng định bất kỳ điều gì, song ý kiến vừa nêu không phải hoàn toàn vô căn cứ. Trên báo chí, mạng xã hội có nhiều câu hỏi đặt ra về thị trường sách giáo khoa. Một cơ quan truyền thông thuộc Chính phủ còn đặt vấn đề, việc bỏ phiếu chọn sách giáo khoa cần phải được giám sát chặt chẽ. Trong đó, vòng sau cùng, trước khi một địa phương (huyện, tỉnh, thành phố) quyết định chọn bộ sách nào cần được… truyền hình trực tiếp giống như quay xổ số kiến thiết để bảo đảm kết quả chọn sách giáo khoa là minh bạch.

Theo thông tin hiện có, mặc dù có nhiều nhà xuất bản tham gia biên soạn sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới, tuy vậy, đến vòng sau cùng, chỉ có ba nhà xuất bản có sản phẩm được lựa chọn, gồm Nhà xuất bản Giáo dục, Nhà xuất bản ĐHSP Hà Nội và Nhà xuất bản ĐHSP TP. Hồ Chí Minh. Việc sách của ba nhà xuất bản nêu trên “lọt vào vòng chung kết” không hề bất ngờ, bởi những nhà xuất bản này có “lợi thế tự nhiên” trong lĩnh vực giáo dục.

“Hàng chục năm trong ngành, tôi cho rằng chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa là đúng, phù hợp xu thế thế giới. Người học, người dạy, cơ sở giáo dục có nhiều lựa chọn. Nhưng điều quan trọng là khâu tổ chức thực hiện, đây mới là mấu chốt để quyết định thành bại của chương trình”- một vị phó trưởng phòng giáo dục nêu ý kiến.

Vai trò của giáo viên

Câu chuyện lựa chọn sách giáo khoa còn có nhiều vấn đề cần quan tâm và không thể trình bày hết trong khuôn khổ một bài báo. Song, có một điều cần được nhìn nhận, đó chủ trương, chính sách phải nhất quán để không làm khó cho ngành, cho cơ sở giáo dục và hạn chế những nảy sinh khi triển khai.

Mặc dù chương trình, sách giáo khoa mới chưa triển khai, tuy nhiên, những bất cập, thiếu tính thống nhất đã xuất hiện ngay trong các văn bản pháp lý. Theo Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội: “các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo”. 5 năm sau Nghị quyết 88, Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2019 lại giao quyền chọn sách giáo khoa cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đến thời điểm này, hai văn bản có tính pháp lý cao nhất liên quan đến đổi mới giáo dục đã bộc lộ sự thiếu thống nhất, không nhất quán. Trong đó, nhiều ý kiến của người trong ngành nhìn nhận, Nghị quyết 88 có những điểm không phù hợp, đó là quy định thành phần được tham khảo hoặc tham gia chọn sách giáo khoa. Theo đó, học sinh cũng được tham gia ý kiến để chọn sách giáo khoa.

Nhưng học sinh ở đây là học sinh nào? Vì học sinh lớp 1 hiện hành thì không học chương trình mới, còn học sinh 5 tuổi vừa “tốt nghiệp mầm non” không thể bày tỏ ý kiến về sách giáo khoa. Trên phương diện pháp lý, nghị quyết của Quốc hội có địa vị pháp lý tương đương với luật. Mặc dù vậy, trong thông tư dự thảo, Bộ GD-ĐT đã loại bỏ học sinh ra khỏi thành phần tham gia lấy ý kiến.

Một thành phần khác được cả Nghị quyết 88 và thông tư dự thảo của Bộ quy định tham gia hội đồng chọn sách giáo khoa, đó là phụ huynh. Trao đổi về việc này, hầu hết lãnh đạo ngành Giáo dục đang công tác ở Tây Ninh cho rằng phụ huynh không nên tham gia hội đồng. Lý do rất đơn giản, phụ huynh không có chuyên môn về giáo dục hoặc có nhưng không sâu.

Như vậy, giả thuyết kết quả chọn sách của hội đồng nhà trường được cấp trên tôn trọng thì cũng không thể nói là khách quan, vì lá phiếu của phụ huynh không có giá trị, xét về mặt chuyên môn thuần tuý. Tuy vậy, lá phiếu này có khi lại thay đổi kết quả bỏ phiếu, xét theo tỷ lệ. Hai yếu tố, hai thành phần nêu trên (học sinh và phụ huynh) tham gia lấy ý kiến hoặc bỏ phiếu chọn sách thực chất là “đại chúng hoá” khoa học, một điều không nên có, vì khoa học cần tinh hoa chứ không phải đại chúng.

Học sinh lớp 1 trong giờ học.

Khi trao đổi hoặc bày tỏ ý kiến về câu chuyện chọn sách giáo khoa lớp 1, những người được hỏi đều chung một nhận định: không ai hiểu sách giáo khoa hơn giáo viên. Thế nhưng, nay mai khi sách về, liệu những giáo viên có tên trong hội đồng có chịu đọc sách không? Nhận được sách nhưng không chịu đọc hoặc đọc qua loa rồi ghi vào văn bản nộp hiệu trưởng thì những ý kiến đó cũng không có giá trị.

Những ưu điểm, hạn chế của sách cũng khó có thể được nhận ra. Cho dù chương trình tốt, sách hay, cơ sở vật chất bảo đảm cũng chỉ mới là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ. Chính vì lẽ đó, chương trình, sách giáo khoa mới có thành công hay không, thành công ở mức độ nào, giáo viên- người lao động chính trong các hoạt động dạy học đóng vai trò quyết định. Tóm lại, để chọn ra bộ sách tốt, những người lớn có liên quan đến sự nghiệp giáo dục phải đặt lợi ích của học sinh lên trên các lợi ích khác.

Việt Đông

Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa:

1. Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông (sau đây gọi là Hội đồng) do người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông thành lập, giúp cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Mỗi trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông thành lập 1 (một) Hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 (một) Hội đồng.

2. Hội đồng bao gồm: người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) có sách giáo khoa lựa chọn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 (mười một) người, trong đó có ít nhất 2/3 (hai phần ba) là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên.

3. Người đã tham gia biên soạn, thẩm định sách giáo khoa của các nhà xuất bản không được tham gia Hội đồng.

4. Nhiệm vụ của Hội đồng:

a) Lựa chọn sách giáo khoa trong danh mục đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông;

b) Đề xuất danh mục sách giáo khoa lựa chọn để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông.

(Điều 5, dự thảo Thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa phổ thông)