BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người nghèo đã thực sự được hưởng lợi từ kích cầu?

Cập nhật ngày: 27/10/2009 - 05:58

Dù báo cáo Chính phủ đã khẳng định năm 2009, Nhà nước thực hiện có kết quả việc bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm chăm lo người nghèo, nhưng trong phiên thảo luận tại hội trường chiều 27.10, các ĐBQH đều phản ánh nông dân đang tiếp tục chịu nhiều thiệt thòi, chưa được thụ hưởng đầy đủ các chính sách của Nhà nước.

"Kết quả rất thấp"

ĐB Danh Út: "Bộ trưởng Công thương đã hứa sẽ tham mưu với Chính phủ ban hành cơ chế điều hành xuất khẩu gạo, nhưng đến nay chưa ban hành".

Chủ tịch Hội Nông dân VN Nguyễn Quốc Cường khẳng định: "Gói kích cầu hỗ trợ nông nghiệp, nông dân đạt kết quả rất thấp, do tổ chức thực hiện chưa tốt, thiếu đồng bộ, không kịp thời và chưa cụ thể".

Có chủ trương từ đầu năm nhưng theo ông Cường, mãi đến tháng 8, bà con nhiều nơi vẫn chưa nắm được thông tin cũng như điều kiện vay vốn. Khi có thông tin rồi mới tá hoả vì điều kiện chặt chẽ, khắt khe và thiếu thực tế.

"Như về máy nông nghiệp, quy định phải là máy trong nước nhưng nếu có lẫn một số chi tiết ở bên ngoài cũng không được chấp nhận. Chưa kể cùng chủng loại máy móc đó nhưng tính năng, tác dụng và chất lượng máy của ta lại thua kém so với máy nước ngoài", ông Cường cho hay.

Chủ tịch Hội Nông dân phân tích, cũng là máy gặt lúa, nông dân ở ĐBSCL nói là máy của ta chỉ gặt được lúa đứng còn máy nước ngoài gặt được cả lúa đứng và lúa bị đổ.

Vì những bất cập như vậy, nên đến nay, gói kích cầu này mới chỉ giải ngân được trên 800 tỷ đồng. Khả năng hết năm, hết thời hạn giỏi lắm cũng chỉ giải ngân được 1.000 tỷ đồng. Tỷ lệ này rất nhỏ so với gói kích cầu khác và càng nhỏ so với nhu cầu thực tế.

Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội QH Đặng Như Lợi bổ sung: "Có nhiều trường hợp nông dân cần vay thì lại không được vay... Chẳng hạn muốn vay để mua thủy gia dụng thì làm gì có thủy gia dụng nội địa hóa như yêu cầu?".

Điều kiện cho vay vật tư đã trái khoáy như vậy, nhưng thủ tục để nông dân vay cũng bất hợp lý.

Theo ĐB Nguyễn Thị Vân (Hà Tĩnh), thủ tục vay vốn yêu cầu người nông dân phải có sổ đỏ. Nhưng thực tế tỷ lệ đất được cấp sổ đỏ ở nông thôn chỉ được 50 - 60%.

Hay là quy định phải có hóa đơn đỏ khi mua hàng, thực tế hóa đơn được bày bán ở nhiều nơi, trong đó chi phí lấy hóa đơn đỏ còn cao hơn mức được hỗ trợ.

ĐB Võ Tuấn Nhân (Quảng Ngãi) trăn trở, ta có hơn 70% dân số dựa vào nông nghiệp, nhưng nông nghiệp mới chỉ chiếm 10% tổng vốn đầu tư. Mà 80% số đó tập trung vào thủy lợi. Trong đầu tư về thủy lợi, chưa chú ý đến kênh mương dẫn nước vào đồng, ở nhiều nơi lãng phí công suất mà người dân thì không có nước tưới.

"Nông dân đang làm chủ những thửa ruộng manh mún và nhỏ bé, hợp tác xã nhiều nơi cầm chừng và nhiều nơi bị giải thể. Đến lúc Quốc hội và Chính phủ cần tập trung giải quyết những vấn đề mang tính cơ chế và chính sách để cho nông nghiệp, nông thôn phát triển trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế", ông Nhân nói.

Rút kinh nghiệm

Trong lúc chật vật lo đối phó với suy giảm kinh tế, người nông dân tiếp tục thất thu ngay trên mảnh ruộng của mình.

Điều trái khoáy, theo ông Danh Út (Kiên Giang), đó là tuy trúng mùa lớn nhưng tư thương vẫn tiếp tục ép giá và doanh nghiệp do được hỗ trợ lãi suất nên tung tiền ra mua gạo.

Chủ tịch Hội nông dân VN Nguyễn Quốc Cường kể lại, trong vụ thu mua lúa hè thu ở ĐBSCL, Thủ tướng đã chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh lương thực phải mua hết số lúa hàng hóa và bảo đảm để nông dân có lãi ít nhất 30%.

Trên cơ sở tính toán các yếu tố đầu vào có thể xác định được giá trung bình giá thành khoảng độ xấp xỉ 3.000 đồng/kg. Để bảo đảm cho có lãi khoảng độ 30% thì giá sàn xác định là 3.800 đồng/kg.

Nông dân hồ hởi với thông tin trên, nhưng đến lúc mua thì DN không mua lúa mà chỉ mua gạo.

Toàn bộ việc chuyển lúa thành gạo bán cho DN đều qua hàng loạt tầng nấc thương lái. Nông dân không có  kho dự trữ, thu hoạch xong phải bán ngay.

Nếu bán đầu vụ thì được trên 3.000 đồng/kg, còn đến giữa vụ xuống chỉ khoảng 2.600-2.700 đồng/kg.

Cũng như hỗ trợ lãi suất, chủ trương thu mua lúa cho bà con đã được Thủ tướng quán triệt nhưng rốt cục, đâu vẫn hoàn đó, nông dân thiệt đơn thiệt kép.

"Rất cần thiết rút kinh nghiệm làm rõ nguyên nhân, quy trách nhiệm và phải đề ra được những biện pháp khắc phục đối với những khiếm khuyết trong thực hiện", ông Cường nói.

ĐBQH tiếp tục đề xuất những giải pháp vốn đã được nhắc đi nhắc lại ở nhiều kỳ Quốc hội trước, như xây dựng hệ thống kho tạm trữ ở những vùng trọng điểm để nông dân có thể thuê, nhằm chủ động trong việc bán lúa, kéo dài hơn nữa chương trình hỗ trợ lãi suất cho nông dân...

"Ta xuất khẩu được 6 triệu tấn gạo, tương đương với 12 triệu tấn lúa, nhưng đó chỉ là số lượng còn giá trị thấp, vì giá của chúng ta bán rất thấp. Giá ta bán gạo ra bên ngoài thấp nhất thế giới, bán thấp thì không thể mua giá cao cho nông dân được", ông Cường phân tích.

Đại biểu Đặng Như Lợi than: "Sản lượng lớn nhưng giá như vậy, nông dân được gì cũng không ai bàn kỹ? Chỉ số giá tăng lên 53%, có nghĩa 1 đồng bây giờ còn có 6,3 hào của năm ta đưa ta chỉ tiêu. Vậy 11% nói lên điều gì. Có gì ở đây về mặt thực chất?".

Trong khi đó, báo cáo Chính phủ khẳng định "chi cho an sinh xã hội tăng 62% so với 2008. Tổng dư nợ của 18 chương trình cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách do ngân hàng chính sách xã hội thực hiện đến cuối năm nay tăng 45,3% so với 2008".

Mới đây, tại Diễn đàn cấp cao về Tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu tới xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng đã nói: Việt Nam đề ra biện pháp kích thích kinh tế sao cho người nghèo là nhóm được hưởng lợi chính. 

(Theo Vietnamnet)