Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thôi thế là ông Mười Thương đã ra đi! Giờ phút chia ly này, tôi vẫn muốn gọi ông bằng cái tên “Chú Mười, anh Mười” theo cách gọi thân thương của anh chị em cán bộ ngành quản lý tôn giáo, cũng như của các ban ngành, đoàn thể tỉnh.
Thôi thế là ông Mười Thương đã ra đi! Giờ phút chia ly này, tôi vẫn muốn gọi ông bằng cái tên “Chú Mười, anh Mười” theo cách gọi thân thương của anh chị em cán bộ ngành quản lý tôn giáo, cũng như của các ban ngành, đoàn thể tỉnh.
Hà Minh Trí bị địch bắt ngay sau khi nổ phát súng trên cao nguyên.
Vâng! Ông chính là Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân Phan Văn Điền, nguyên cán bộ Ban Tổ chức Đặc khu ủy Sài Gòn Gia Định, nguyên cán bộ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam…
Sau giải phóng 1975, ông tiếp tục làm cán bộ Công an tỉnh, Phó ban Nội chính Tỉnh ủy, rồi Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh. Cuộc đời cách mạng của ông dài lắm, vài trăm trang giấy cũng không ghi hết. Thôi chỉ viết một vài mốc son chính.
Ông sinh ngày 18.8.1935 tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Và mất vào lúc 22 giờ 50 phút ngày 4 tháng 5 năm 2020 (âm lịch là ngày 12 tháng 4 năm Canh Tý). Ông sinh ra vào một ngày đầu thu, dường như là ông có duyên nợ với mùa thu.
Quả nhiên là như thế! 10 tuổi ông đã lưu lạc vào Nam. Từ tháng 10.1946, ông tham gia cách mạng ở Bà Rịa- Vũng Tàu. Từ đấy nhiệm vụ đã cuốn ông đi nhiều nơi trên đất Sài Gòn- Gia Định và miền đất thánh Tây Ninh.
Nhiều người đã biết ông với cái tên gọi Hà Minh Trí- trong hồ sơ vụ án tử tù cách nay đã 62 năm. Ngoài ra ông vẫn còn vài tên gọi (bí danh) khác. Như Triệu Thiên Thương, Đinh Dũng, Đinh Văn Phú…
Nhưng lịch sử sẽ nhớ nhiều đến cái tên Hà Minh Trí, bởi giữa thanh thiên bạch nhật ở sân vận động Buôn Mê Thuột, có một người thanh niên mới 22 tuổi đã rút súng chĩa thẳng vào Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm.
Súng chỉ nổ được một phát và trệnh mục tiêu. Nhưng phát súng duy nhất ấy đã đi vào lịch sử, và sau này được gọi là “Phát súng trên cao nguyên” tên tập ba của bộ phim Ván Bài lật ngửa do nhà văn Nguyễn Trương Thiên Lý (Trần Bạch Đằng) viết kịch bản.
Đấy là vào ngày 22.2.1957, khi ông là cán bộ Ban Đặc tình, Tỉnh ủy Tây Ninh thì được cử đi làm nhiệm vụ tiêu diệt Ngô Đình Diệm. Phát súng bị tay chân che chắn đã không làm ông Ngô Đình Diệm chết, nhưng đã như một điềm báo trước cho sự tan rã của một chế độ độc tài, tay sai đế quốc.
Sau này, người ta tìm được trong kho lưu trữ của chế độ ấy, một tấm ảnh ông bị hàng chục cánh tay mật vụ cảnh sát ghì chặt xuống, nhưng người thanh niên vẫn ngẩng mặt lên kiêu hãnh, sáng ngời.
Ông nhanh chóng bị chế độ Diệm kết án tử hình và đày ra Côn Đảo. Tháng 11.1963, Diệm - Nhu bị đảo chính và bị giết. Nhưng phải đến tháng 4.1965, ông mới được trả tự do nhờ sự cố gắng của rất nhiều người cảm phục và yêu mến, kể cả những người trong hàng ngũ kẻ thù.
Thời ông Phan Văn Điền làm Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh cũng là một giai đoạn có rất nhiều kỷ niệm tốt đẹp. Ông vẫn thường căn dặn cán bộ dưới quyền- là chúng tôi, phải nhớ câu: Công tác tôn giáo phải lấy vận động quần chúng làm đầu. Mà muốn vận động hiệu quả phải chân thành, học hỏi để hiểu biết sâu từng tôn giáo.
Nhờ vậy, cán bộ quản lý tôn giáo ai cũng phải nghiên cứu chuyên sâu, biết lắng nghe nguyện vọng của chức sắc, tín đồ, giải quyết nhanh mọi yêu cầu chính đáng và hợp pháp. Lấy đạo Cao Đài làm ví dụ. Chính trong giai đoạn ông làm Trưởng Ban, vào năm 1997, đạo Cao Đài Tây Ninh là một trong những tôn giáo nội sinh đầu tiên được nhà nước công nhận pháp nhân.
Tôi còn nhớ, thập niên 90 thế kỷ trước, ngôi nhà ông ở khu phố 1, phường 1 trong một con hẻm nhỏ nhưng lại là nơi tấp nập khách ra vào. Họ là cán bộ quản lý tôn giáo các tỉnh, thành về học hỏi, bạn tù trong cả nước về thăm, nhất là sau sự kiện những người tử tù còn sống sót của chế độ cũ tìm gặp lại nhau, tủi tủi mừng mừng.
Đấy cũng là lúc phong trào đền ơn đáp nghĩa được dấy lên sôi nổi trên cả nước. Đoàn tử tù được mời đi thăm rất nhiều nơi, đã tạo nên một đợt sóng cồn dư luận, gợi nhớ cả những vinh quang và đau thương mất mát thời miền Nam kháng chiến gian lao mà anh dũng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến thăm anh hùng LLVTND Phan Văn Điền, tức Mười Thương.
Cũng vì thế, ngôi nhà gạch xây giản dị trong con hẻm vắng ấy đã trở thành một địa chỉ nhiều khách tới thăm nhất ở Tây Ninh.
Từ các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, của Đảng bộ và chính quyền, đoàn thể tỉnh cho đến những con người đã ghi danh trong sử sách, như Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư, Phan Trọng Bình, Bùi Văn Toản…
Họ cũng là các bạn tù trong chuồng cọp Côn Đảo. Và không chỉ có vậy, còn có cả các sĩ quan chế độ cũ, như phó Chúa đảo Côn Sơn- Tăng Tư thời ông Mười Thương bị giam giữ tại đây cũng đến thăm ông tại nhà trong những năm sau giải phóng.
Bây giờ, cũng từ ngôi nhà này, sẽ lại là các đồng bào, đồng chí đến tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng. Nhưng có lẽ, ai cũng biết rằng từ nay sẽ là trống vắng. Sẽ không còn được nghe ông hát bài Lên ngàn hay Bài ca Hy vọng trong mỗi lần đón khách về thăm.
Nhưng biết làm sao được!
Chúng tôi - lớp học trò của ông năm xưa giờ chỉ còn biết nhìn nhau, mà nước mắt lưng tròng.
NGUYỄN QUỐC VIỆT