Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bà Thắm cho biết: “Với tôi mỗi khi một món ăn hoàn thành, mình ăn cảm thấy ngon miệng, người khác ăn thấy thích là điều hạnh phúc”.
Là người yêu thích công việc nấu các món chay, bà Võ Thị Thắm (66 tuổi), ngụ khu phố Ninh Hoà, phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh tự học và chế biến những món chay có hương vị riêng. Hàng chục năm qua, bà Thắm tỉ mỉ chế biến nhiều món chay theo cách riêng của mình. Bà Thắm cho biết: “Với tôi mỗi khi một món ăn hoàn thành, mình ăn cảm thấy ngon miệng, người khác ăn thấy thích là điều hạnh phúc”.
Bà Thắm luôn vui vẻ chia sẻ món ăn do mình làm với nhiều người.
Những năm qua, người dân khu vực họ đạo phường Ninh Thạnh đều biết đến bà Thắm với tài nấu món chay. Bà Thắm thường tự tay chế biến những món chay như: mắm chay, chà bông chay… để chuẩn bị cho những chuyến đi khánh thành thánh thất, điện thờ hay những chuyến tham quan, du lịch dài ngày cùng các đồng đạo, chị em cùng địa phương. Bà nói: “Trước mỗi chuyến đi, tôi và vài người tập trung chuẩn bị món chay để mang theo. Khi là chà bông chay từ củ quả, khi là mắm chay trộn… vì những món này sẽ giữ được lâu cho chuyến đi dài ngày. Chi phí chuẩn bị do tôi tự lo hoặc mọi người cùng góp tiền, dầu ăn, muối, đường để tôi thực hiện”.
Từ khi bắt đầu ăn chay trường (đến nay khoảng 30 năm) bà Thắm đã tự tìm hiểu, tự làm những món chay để phục vụ bữa ăn cho mình, sau đó bà tham gia nấu tiệc miễn phí cho đồng đạo, người quen. Bà Thắm chia sẻ: “Tôi nấu ăn với suy nghĩ rằng mình ăn thấy ngon thì người khác mới thấy ngon được”.
Để chế biến món chà bông chay cho những chuyến đi xa, bà Thắm thường dành cả ngày để cùng các chị em chiên hàng chục ký củ sắn tươi. Bà chọn những củ sắn tươi ngọt và giòn, thay vì vắt kiệt nước để rút ngắn thời gian chiên, bà chọn cách chiên sợi sắn vẫn còn mọng nước vừa mới được bào ra. Bà giải thích, như vậy sắn sẽ giữ được vị ngọt vốn có và món chay này sẽ càng có vị đặc biệt hơn khi cho thêm vụn bánh mì nướng giòn xay nhuyễn cùng đường cát, nước tương.
Mắm trái điều
Hay với món sa kê chiên, thay vì cắt lát mỏng nhúng bột chiên vàng, bà sẽ chọn cắt miếng dày, sau đó đem hấp chín, ướp gia vị rồi mới nhúng bột đem chiên; có như vậy món ăn mới thấm vị và bùi béo ngon miệng.
Dù chỉ làm những món ăn đơn giản nhưng bà Thắm vẫn cầu kỳ, tỉ mỉ để có thể mang đến mùi, vị ngon nhất. Với cái tâm nghề đó mà tay nghề của bà Thắm đã được nhiều người trong vùng biết đến.
Đến nhà bà Thắm thời điểm này sẽ thấy 2 khạp to chứa đầy những trái điều ướp muối đã ra nước vàng rơi. Mùa điều vừa qua, bà Thắm mang một ít về làm mắm, trữ lại để đến rằm tháng tám sẽ mang vào Trai đường mời khách gần xa.
Bà Thắm chia sẻ, khoảng hai năm trước, khi tới mùa điều, bà nghĩ đến việc làm thử mắm điều. Vậy là bà bắt tay vào làm theo trí tưởng tượng của mình. Làm mắm điều dù mất khá nhiều công đoạn nhưng bà vui vì món ăn làm ra rất ngon. Không giấu giếm “nghề”, bà Thắm chia sẻ, để làm mắm điều, bà chọn quả điều chín, căng mọng mang về rửa sạch, ướp muối rồi chèn chặt vào khạp to (dùng thêm vài hòn đá được vệ sinh sạch để chèn cho chắc). Điều ướp khoảng từ 20 ngày đến một tháng đã ra nước nhiều; lúc này, bà Thắm sẽ lọc lấy nước mang đi nấu nước mắm điều với chút đường thốt nốt hay đường tán để có màu đẹp. Nước mắm điều sau khi nấu xong sẽ được cho vào chai, mang phơi dưới nắng to; theo bà Thắm, nắng trời cũng là cách bảo quản hiệu quả với những món đồ nhà làm mà không cần dùng chất bảo quản.
Rua quả ngâm tương ớt.
Đối với phần quả điều, bà tỉ mỉ ngồi xé sợi nhuyễn bảo quản trong lọ để dùng dần. Để làm ra món mắm điều chay đãi khách, bà Thắm chế biến thêm bằng cách trộn qua với khóm, gừng, nước tương đậu nành, thính, đường… để có mùi thơm và vị chua ngọt pha chút cay nồng. Sau đó, bà thêm ít trái tắc, củ tỏi cắt lát mỏng trộn đều là có ngay món mắm điều thơm ngon đãi khách. Đặc biệt mắm điều là món bà sẽ mang đãi khách phương xa vào dịp lễ rằm tháng tám.
Có dịp thử qua món mắm điều với sự chuẩn bị cầu kỳ của bà Thắm mới thấy được những tình cảm mà bà gửi gắm vào món mắm chay này. Món mắm điều góp phần làm đa dạng thêm các món ăn chay được chế biến từ loại quả khá phổ biến và quen thuộc với người dân địa phương mà vẫn không kém phần đặc biệt.
Hằng ngày, bà Thắm luôn nghĩ cách làm sao để món ăn không chỉ hợp khẩu vị mà còn bảo quản được lâu bền. Để được như vậy, với những món ngâm chua bà thường nấu nước sôi thật kỹ, rau quả phơi đủ héo rồi mới đem ngâm. Những dưa món, củ cải ngâm do bà làm không chỉ đẹp mắt mà còn có vị vừa đủ, thanh tao lại có thể sử dụng lâu dài.
Không chỉ nấu ăn, hàng chục năm qua, bà Thắm cũng tự mày mò làm các loại bánh truyền thống để khi có dịp sẽ “trổ tài”. Bà nói: “Tôi có thể học nhanh cách làm món gì đó chỉ qua việc chú ý quan sát người khác làm. Nhờ vậy mà tôi có dịp thử sức mình qua nhiều món ăn khác nhau. Cũng không phải đều thành công hết đâu, nhưng rất thú vị”.
Củ cải ngâm tương đầy hấp dẫn.
Đến bây giờ, do tuổi cao bà Thắm không còn nấu các đám tiệc miễn phí nữa nhưng vẫn nhiệt tình tham gia nấu nướng phục vụ các chuyến đi xa hay làm bánh dâng cúng vào dịp Hội yến hằng năm. Hiện tại, người con dâu lớn trong nhà cũng có thể nấu các món ăn chay, bà Thắm rất vui vì nghề nấu ăn chay của bà đã có người kế thừa.
Tại địa phương, ngoài tay nghề nấu món chay, bà Thắm còn được biết đến là người tích cực trong các hoạt động xã hội. Bà luôn sẵn lòng chung tay cùng họ đạo, địa phương vận động quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Bà bộc bạch: “Mình có thể giúp khó chứ không thể giúp nghèo nên chia sẻ được cái khó nào với bà con thì làm thôi. Tôi bây giờ cũng lớn tuổi, còn làm được việc giúp người là thấy vui trong lòng”. Bà Thắm còn là Tổ trưởng Tổ phụ nữ sống xanh của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Ninh Thạnh, góp sức cùng chị em phụ nữ giữ gìn vệ sinh, góp phần xây dựng môi trường sống, khu phố xanh, sạch đẹp hơn.
Vi Xuân