Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Viết ngắn
Người thầy của má
Thứ bảy: 16:23 ngày 27/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những ngày má tôi hơn tuổi tám mươi tuổi, tôi thường túc trực ở cạnh. Má thường kể chuyện xưa, xưa lắm. Những ngày má chăn trâu, cắt cỏ, gánh lúa, giăng câu… Nhưng chuyện má hay nhắc nhất là người thầy mà má vô vàn kính yêu.

Ven sông. Ảnh minh hoạ

Vào những năm thế chiến thứ hai, đất nước mình đâu đâu cũng khổ. Sau khi chiến tranh kết thúc, không may, gia đình người mà má gọi bằng thầy có hai con và vợ đều tử nạn. Họ chết trên đường thi hành nhiệm vụ. Còn lại một mình, thầy chèo ghe theo mé sông đến chỗ có ngôi miếu nhỏ.

Thầy ở đó, làm ông từ đốt nhang cho thần và dạy trẻ chăn trâu học chữ. Má nói ngôi miếu ấy thờ Ông Cụ. Thật ra đó là một tượng người bằng gỗ được tìm thấy khi chẻ một khoanh củi cây sao, tượng nằm trong bọng cây đó, dân tín ngưỡng nên họ lập miếu thờ.

Thầy giáo của má tôi thông thạo tiếng Pháp, dạy không lấy tiền ai. Bắt đầu từ sáu giờ chiều, đi học luôn có cây đèn chong mang theo để tiện học, tiện về. Đường từ nhà đến miếu phải qua một đồng mả nên mọi người phải chờ nhau đi. Lớp học không bàn ghế chỉn chu nhưng học trò siêng lắm. Thầy luôn khen thưởng những đứa trẻ ngoan bằng phần thưởng là những bao cỏ thầy cắt ở mé sông nhân lúc thầy đi thăm lưới.

Năm má tôi lên mười, khoảng năm 1950 có dịch trái trời hay còn gọi là trái rạ. Trẻ em bị mù, bị liệt, mặt mày chi chít sẹo. Không tiền bạc thuốc thang, người ta chỉ dùng lá thuốc Đông y và rọc lá chuối hột lót nằm.

Người chết, người tàn tật nhiều lắm. Ông thầy của má tôi đi tìm lá thuốc, với kiến thức của mình, ông đến từng nhà học trò giúp đỡ. Khi cơn dịch đã qua, năm Thìn 1952, người dân lại chống chọi với cơn lụt kinh hoàng chưa từng có.

Nhiều người bị đuối nước khi nửa đêm nước dâng. Sợ má tôi còn nhỏ đi cắt cỏ không an toàn, thầy hằng ngày cắt cả ghe cỏ bơi đến bìa sông, má tôi lấy đôi gióng kẽm gánh về. Cứ thế, thầy giúp má tôi cho đến khi nước rút. Má tôi là người học trò ngoan hiền giỏi nhất của thầy nên thầy thương lắm.

Ngày tháng dần trôi, đến khi má tôi đi lấy chồng, sinh con. Lúc tôi được năm tuổi cũng là khi lính Mỹ có mặt ở miền Nam. Quê tôi trở thành vùng đỏ, thường xuyên bị oanh tạc bởi máy bay và đạn pháo. Ngôi miếu nhỏ không còn và người thầy kính yêu cũng vĩnh viễn bỏ học trò mà ra đi.

Má rưng rưng nước mắt mỗi lần kể lại. Thầy không vợ, không con, đám học trò cũng dần lìa quê xa xứ. Làng xóm chung tay lo hậu sự cho thầy. Má không về được vì sợ bom pháo. Má chỉ biết khóc thương thôi. Đến khi má già yếu, chân bước run run, bà thường ngồi nhìn qua ô cửa sổ mà ước phải chi còn khoẻ, băng qua đồng, lội ruộng về nhà, vô đồng mả đốt nhang cho thầy.

Má tôi cũng đã đi xa rồi, chắc đã được gặp thầy, người thầy dạy má viết chữ, làm toán, dạy biết yêu thương, hy sinh, làm người vợ, người mẹ tuyệt vời dạy những đứa con của má sống đời lương thiện.

Lê Nguyên

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục