BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người Việt Nam ở nước ngoài mua nhà trong nước: Xác định độ mở phù hợp

Cập nhật ngày: 02/06/2009 - 08:25

Trong số 3 triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài, có rất nhiều người có nhu cầu mua nhà trong nước nhưng đối tượng cũng như điều kiện mua nhà được mở rộng đến mức nào nhận được nhiều quan tâm, tranh luận của các đại biểu Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường

Ngày 2.6, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người Việt Nam ở nước ngoài trở về nước sinh sống, làm việc và cống hiến cho đất nước tiếp tục được Quốc hội đưa ra thảo luận ở hội trường với nhiều ý kiến về việc mở rộng đối tượng mua nhà.

Đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Phước) cho rằng, việc mở rộng đối tượng Việt kiều được mua nhà ở Việt Nam là thực thi sự thống nhất chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Chính sách này sẽ tạo điều kiện để bà con kiều bào gắn bó hơn với quê hương và thuận lợi khi về Việt Nam làm ăn, sinh sống, đồng thời tạo tâm lý yên tâm để họ về đầu tư kinh doanh, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) còn băn khoăn về việc bổ sung 3 nhóm đối tượng so với quy định hiện hành, là người có quốc tịch Việt Nam, người gốc Việt Nam có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt và người gốc Việt Nam có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước.

“Đối tượng mở rộng như vậy liệu có rộng quá không? Trong khi đó pháp luật của chúng ta chưa đồng bộ nhất là Luật đất đai chưa được sửa đổi một cách cơ bản và hoàn thiện”, đại biểu lưu ý. Hơn nữa, trình độ quản lý cán bộ của cơ sở về vấn đề này còn hạn chế và bất cập.

Việc quy định mở rộng đối tượng sở hữu nhà như dự thảo luật cũng phải được cân nhắc một cách kỹ lưỡng và có lộ trình một cách cụ thể, trên cơ sở quy định chặt chẽ điều kiện được mua nhà ở và số lượng nhà được sở hữu nhằm hạn chế sơ hở, tiêu cực ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Đồng tình với các ý kiến trên, nhiều đại biểu đã góp ý nhằm hoàn thiện hơn nữa quy định đối tượng mua nhà.

Theo đại biểu Nguyễn Hồng Nhị, Nhà nước cần quy định rõ người Việt Nam ở nước ngoài phải đủ 18 tuổi, có quốc tịch Việt Nam thì mới được sở hữu 1 nhà ở. Điều này sẽ tránh được trường hợp những người có quốc tịch Việt Nam nhưng lại mang theo con, cháu mang quốc tịch nước ngoài trở về nước mua nhà để đầu cơ bất động sản.

Có đại biểu cho rằng những người được mua nhà phải cam kết mua nhà để ở, không được sử dụng vào mục đích khác, còn mếu mua nhà một thời gian sau đó lại cho thuê thì cần quy định rõ thời gian cho thuê và mục đích thuê.

“Chỉ cho thuê để sử dụng vào mục đích nhà ở, nếu cho thuê kinh doanh thì rõ ràng điều này tác động rất xấu đến quan hệ nhà ở”, đại biểu Quách Cao Yếm (Kon Tum) góp ý.

Cũng có đại biểu nêu ý kiến, đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài được mua nhà phải được xác nhận cư trú thực tế tại Việt Nam 3 tháng, làm rõ mua nhà vì mục đích gì, nguồn tiền mua nhà có hợp pháp không, tránh trường hợp dùng đồng tiền không hợp pháp để mua nhà.

Cần làm rõ nhiều vấn đề về di sản văn hoá

Chiều 2.6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hoá với 22 đại biểu đóng góp ý kiến.

Kết luận buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu Ban soạn thảo quan tâm, tập trung tiếp thu giải trình mấy vấn đề.

Thứ nhất, phải chỉ rõ vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các di sản văn hoá. Trách nhiệm này, theo các đại biểu, là trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh và trách nhiệm của các cấp được ủy quyền.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong luật phải chỉ rõ trong trách nhiệm quản lý nhà nước.

Thứ hai, cần chú ý tiếp thu và giải trình thêm về khái niệm yếu tố gốc của di tích, việc kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể, chính sách phổ biến, truyền dạy giá trị văn hoá phi vật thể.

Thứ ba, cần phải quy định rõ Hội đồng thẩm định đối với di sản văn hoá phi vật thể và trách nhiệm của hội đồng này là thế nào? Thứ tư, cần chỉ rõ về điều quy định các nội dung cấm.

Ngày 3.6, Quốc hội thảo luận tại tổ về Đề án đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009 - 2014 và dự án Luật cơ yếu.

(Theo chinhphu.vn)