Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Người viết trẻ trăn trở điều gì?
Thứ hai: 09:25 ngày 14/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
"Mỗi người tôi gặp, mỗi chứng kiến trên đường văn dạy tôi bài học về bản lĩnh, về sự tận hiến khi đã chọn văn chương là nghề..."

Trong 3 ngày, từ 11 đến 13-10, tại TP HCM và tỉnh An Giang đã diễn ra Hội nghị những người viết trẻ TP HCM lần thứ V. Một cuộc biểu dương lực lượng viết trẻ, một đội ngũ mới đã hình thành và ngày càng lớn mạnh, phô diễn diện mạo mới cho văn học trẻ hôm nay của TP HCM.

Như những lớp sóng của biển

Đội ngũ nhà văn TP HCM luôn có sự tiếp nối hùng hậu của từng thế hệ cầm bút; không có sự đứt đoạn hay hụt hẫng, không tạo ra những sự kiện nổi bật song đã có những hiện tượng đáng mừng, nhất là xuất hiện những cây bút tuổi đời rất trẻ bên cạnh những cây bút vẫn còn trẻ tuổi song đã rất chững chạc trên văn đàn với phong độ sáng tác sung sức, chất lượng tác phẩm khá nổi trội.

Theo nhà văn 16 tuổi Cao Việt Quỳnh, với sự tự do của một đứa trẻ, không cần cố gắng rập khuôn bản thân trong bất cứ thể loại nào mà có thể thoải mái tưởng tượng; cố gắng không đánh mất sự sáng tạo, phá cách của thời gian sáng tác trước, vào lúc bắt đầu, khi em 9 tuổi…; cố gắng tiến bộ theo từng cuốn sách viết ra. "Học cách tạo ra những nút thắt bất ngờ, phát triển nhân vật, xây dựng thế giới… Sau mỗi trang giấy, cháu lại học được thêm một điều mới về nghề viết, về những kỹ thuật mới, để tiếp tục phát triển" - Cao Việt Quỳnh thổ lộ.

Theo nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, sự vận hành của văn chương cần sự tiếp nối. (Ảnh: HỘI NHÀ VĂN TP HCM)

Nhà văn trẻ Lê Quang Trạng cho rằng văn học nước nhà nói chung và văn chương khu vực phía Nam nói riêng mấy trăm năm qua bắt đầu từ cái nền đất phù sa bồi lắng đến một ngôi làng cao ráo ấm cúng; từ ngôi nhà vách lá đến vách tường kiên cố, từ mái tranh đến mái ngói rêu phong. Quá trình ấy đã định danh nên một tiểu vùng văn chương trên bản đồ thế giới.

Nhà văn Trầm Hương kỳ vọng: "Tôi tin người trẻ sẽ có những tác phẩm hay về một thời kỳ mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức của lịch sử dân tộc".

Nhà văn Lê Quang Trạng nhấn mạnh: "Chính cái không khí văn chương thấm đẫm nghĩa tình và sự tò mò rất bản năng của nghề văn, là đi tìm kiếm và lôi kéo đồng nghiệp ấy, đã tạo nên những lớp thế hệ nối tiếp nhau, liên tục không dứt như những lớp sóng của biển. Thế hệ trước khai mở, giúp đỡ, dẫn dắt thế hệ sau; người đi sau tự hào, tự tin, lắng nghe, học hỏi từ người đi trước. Tôi thấy một sợi dây xuyên suốt được nối từ những người đi trước, truyền lại những người đi sau như một truyền thống quý báu, một gia bảo của dòng họ".

Dẫn ra hiện trạng trí tuệ nhân tạo đi vào mọi ngóc ngách đời sống, kể cả văn chương, nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang cho rằng nhà văn khó có thể lui về làm một độc giả yên phận đọc những "kiệt tác" do máy móc tạo ra mà không nhớ tiếc một thời chúng ta còn băn khoăn đi tìm một tiếng nói, một gương mặt, một cuộc đời giữa muôn cuộc đời, ẩn dưới những dòng chữ.

Huỳnh Trọng Khang bày tỏ: "Tôi muốn nghĩ rằng văn chương vẫn còn thiết yếu trong thời đại chúng ta bởi những đòi hỏi, thúc bách từ độc giả. Rằng văn chương là thứ họ nghĩ đến đầu tiên (chứ không phải một bộ phim, một vở kịch…), cho họ sự sẻ chia, thắp lên một ngọn lửa từ tâm - rực rỡ đã đành, le lói cũng được nhưng hãy để ngọn lửa đó báo cho mọi người biết rằng trong nhân loại tối tăm tại thời điểm đó vẫn có một ánh sáng của thi ca, của nghệ thuật để con người thôi tuyệt vọng".

Một hành trình thăm thẳm

Trình bày tham luận tại hội nghị, nhà văn trẻ Nguyễn Thị Kim Hòa cho biết: "Với văn chương, tôi đã ươm được biết bao nhiêu thân cây niềm vui trên sa mạc số phận. Tán lá từ những thân cây ấy không ngừng vươn lên, đầu cành nảy bật những bông hoa hạnh phúc thơm ngát. Hành trình cuộc đời tôi từ lúc có văn chương đã là một con đường mới, đẹp đẽ hơn, say mê hơn".

Song, nhà văn cũng kịp tỉnh táo nhận ra: "Khi đã đi lâu hơn, tôi nhận ra đó cũng là con đường đầy rẫy thách thức lẫn ảo ảnh. Tôi đã nhìn thấy nhiều người đi trước mình rẽ ngang, bỏ cuộc. Tôi thấy lắm kẻ bị giam cầm trong ảo ảnh tài năng hay thành công, chôn chân. Tôi cũng thấy những bước chân miệt mài, những trái tim cháy bỏng lửa văn chương đích thực xông xáo tiến về phía trước. Mỗi người tôi gặp, mỗi chứng kiến trên đường văn dạy tôi bài học về bản lĩnh, về sự tận hiến khi đã chọn văn chương là nghề. Càng đi, tôi càng phát hiện đường văn thực sự là một hành trình thăm thẳm".

Riêng về văn học thiếu nhi, theo nhà văn trẻ Bùi Tiểu Quyên: Trong các tác phẩm của mình, người cầm bút trẻ không ngừng mang đến những câu chuyện bất ngờ, mới lạ trong nỗ lực vượt qua những giới hạn cũ. Những câu chuyện trao gửi thông điệp nhân văn, ý nghĩa nhưng không sáo rỗng, giáo điều. Sự chân thật đến từ cảm xúc, cái đẹp đến từ những giá trị và sức hấp dẫn có được từ trí tưởng tượng phong phú được thể hiện qua ngôn ngữ giàu hình ảnh. Những yếu tố cần có trong tác phẩm dành cho thiếu nhi đều được tìm thấy trong nhiều sáng tác của người trẻ: phiêu lưu khám phá, khơi gợi trí tò mò, sáng tạo; hài hước, ngôn ngữ trong sáng, truyền cảm hứng và trao gửi thông điệp tích cực…

Điểm danh đội ngũ và thành tựu của người làm thơ trẻ phương Nam, nhà thơ Trần Đức Tín (Khét) thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của thơ trẻ, như: người viết trẻ chưa có trách nhiệm thấu đáo với văn chương; tác phẩm thiếu chiều sâu tư tưởng; chưa mạnh dạn thể nghiệm; chưa có vị thế tương xứng với lực lượng sáng tác.

Chia sẻ những tâm tư, tình cảm của các nhà văn trẻ, nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, nhìn nhận: "Trong số các tác phẩm xét giải Hội Nhà văn năm gần đây mà tôi được đọc, gần như không có tác phẩm nào viết về đời sống đương đại. Điều đó đặt ra câu hỏi phải chăng thế hệ trẻ kém tài hơn thế hệ cha ông? Những người trẻ tránh những vấn đề hiểm hóc đòi hỏi sự trả giá, dấn thân? Làm nhà văn chiến sĩ thời bình không phải dễ, bởi mọi thứ đấu tranh đều phải "đúng quy trình"? Và còn biết bao câu hỏi còn bỏ ngỏ, chưa thể, chưa dám chạm đến".

Nhà văn Trầm Hương đau đáu: "Những nhà văn trẻ ngày nay trốn mình trong truyện ngôn tình, thiên di thu hút bạn đọc. Ngay cả những tác phẩm về khởi nghiệp cũng thiếu vắng và thiếu thuyết phục. Phải chăng nhà văn trẻ bí lối khi không tìm ra cho chính mình một lối đi khai sáng?!".

Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, nhấn mạnh: "Sự vận hành của văn chương tuy không giới hạn bởi đường ray hay quãng đường đến và đi như sự vận hành của đường tàu nhưng cũng cần sự tiếp nối; thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước, tiếp nối về tài năng, trí tuệ, phẩm hạnh và cả sự dấn thân cống hiến, dấn thân khai mở lối đi mới, chân trời mới; góp phần làm cho đời sống tâm hồn, đời sống văn hóa phong phú hơn, giàu có hơn và nhân văn hơn". 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - đã phát biểu với những lời hùng biện sâu sắc, truyền cảm hứng, tâm huyết cho nhà văn trẻ. Ông khẳng định: "Số phận dân tộc này nằm trong tay người trẻ, nền văn học này nằm trong tay người trẻ. Các bạn hãy quyết định bằng lương tâm về nền văn học của dân tộc này. Văn học không chỉ là văn bản giấy tờ mà văn học là lương tri của dân tộc. Hãy đồng hành, chia sẻ và giải phóng những con người trẻ. Chúng tôi đã đặt cược lòng tin vào các bạn trẻ".

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng nói về thơ ca khi nhắc đến tuyển thơ của nhà thơ Trần Mạnh Hảo được in và tạo thành sự kiện đình đám, sách phải tái bản nhiều lần. "Vẻ đẹp thơ ca là tất cả. Thơ ca hàn gắn tất cả, xây dựng tất cả và gieo hạt giống xuống tâm hồn chúng ta" - ông nhìn nhận.

Nguồn NLDO 

Tin cùng chuyên mục