BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nguồn nước Việt Nam đang ẩn chứa nhiều rủi ro

Cập nhật ngày: 20/03/2009 - 09:42

Sông Mekong, đoạn chảy qua Thái Lan

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, việc đảm bảo an ninh về nước ở Việt Nam ẩn chứa nhiều rủi ro và thách thức bởi 60% lượng nước chảy vào lãnh thổ là từ các sông suối có thượng nguồn ở các nước láng giềng.

Một thách thức khác trong quản lý nguồn nước xuyên biên giới hiện nay là thiếu các thông tin về các công trình và tình hình sử dụng nước, xu hướng phát triển trên phần lưu vực thuộc nước ngoài, thiếu các số liệu địa hình, lòng dẫn các sông quốc tế. Trong khi đó, nguồn nước trên nhiều sông đang bị tác động mạnh mẽ và sẽ ngày càng sâu sắc hơn (cả về số lượng, chất lượng và diễn biến) do việc khai thác, sử dụng nước ở các nước thượng nguồn, nhất là do hoạt động của các hồ chứa, các hệ thống thủy lợi, thủy điện.

Ông Nguyên cho rằng, giải pháp để bảo đảm an ninh nguồn nước cho Việt Nam và các nước có chung nguồn nước chính là đẩy mạnh hợp tác trong quản lý tổng hợp tài nguyên nước các lưu vực sông quốc tế.

Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương triển khai thực hiện việc quản lý lưu vực sông, Chiến lược quốc gia về Tài nguyên nước đến năm 2020, xúc tiến thành lập các ủy ban lưu vực sông quốc tế, tham gia tích cực và phát huy hiệu quả hoạt động của Ủy hội sông Mekong.

Theo thống kê sơ bộ, Việt nam có trên 200 sông, suối lớn, nhỏ có mối quan hệ nguồn nước với các nước láng giềng. Nếu tính cả lượng nước từ các lãnh thổ nước ngoài chảy vào, lượng nước bình quân đầu người ở Việt Nam trung bình đạt khoảng 9.840m3/người/năm. Tuy nhiên, nếu chỉ tính lượng nước nội sinh trên trong lãnh thổ Việt Nam thì chỉ đạt 4.400m3/người/năm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới là 7.400m3/người/năm.

Trong 13 lưu vực sông có diện tích lưu vực lớn hơn 10.000km2 có tới 8 lưu vực sông liên quốc gia, với phần diện tích lưu vực ở ngoài nước gấp 3,3 lần phần lưu vực ở trong nước, đó là sông Hồng, Bằng Giang-Kỳ Cùng, Mã, Cả, Sê San, Srepok, Đồng Nai, Cửu Long.

Tuy nhiên, lượng nước từ ngoài chảy vào Việt Nam đang có nguy cơ suy giảm nghiêm trọng, tác động xấu tới việc đảm bảo an ninh về nước ở hạ lưu các lưu vực sông lớn thuộc các vùng kinh tế trọng điểm trong nước. Vì vậy, cần xây dựng cơ chế phối hợp với các nước có lưu vực sông xuyên biên giới bởi Việt Nam vừa ở thượng nguồn vừa ở hạ lưu các lưu vực sông quốc tế quan trọng nên sẽ có nhiều thuận lợi trong xây dựng cơ chế hợp tác quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên các lưu vực sông.

Nước là đầu vào cơ bản trong hầu hết các hoạt động của nền kinh tế, tuy nhiên do sự phân bố không đồng đều giữa nguồn nước và nhu cầu sử dụng cùng với sự suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm đã dẫn đến cạnh tranh gay gắt giữa những người sử dụng nước, ngành sử dụng nước, lưu và hạ các lưu vực sông.

Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Việt Nam sẽ trở nên khó khăn hơn nếu không có những cơ chế, chính sách để chia sẻ nguồn nước một cách hợp lý và có những thay đổi lớn trong quản lý và sử dụng tài nguyên nước.

(Theo TTXVN/Vietnam+)