BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nguồn trợ lực cho giáo viên vượt khó 

Cập nhật ngày: 25/04/2017 - 15:57

BTNO - Ông Bùi Ngọc Ẩn- Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh đánh giá: “Ðồng hành cùng người thầy” là một chương trình mang tính từ thiện, xã hội ý nghĩa.

Cô Nguyễn Thị Kim Liên- giáo viên môn lịch sử Trường THCS Lộc Hưng (huyện Trảng Bàng) nhận tiền vốn hỗ trợ từ chương trình “Ðồng hành cùng người thầy” trong năm 2016.

“Ðồng hành cùng người thầy” là một chương trình nhằm hỗ trợ giáo viên có hoàn cảnh khó khăn do Báo Tuổi Trẻ và Thành đoàn TP.Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Chương trình có 4 nội dung chính gồm: trao giải thưởng bài viết hay “Ðồng hành cùng người thầy”; hỗ trợ, tư vấn làm kinh tế gia đình; trợ vốn dự án làm kinh tế gia đình và hỗ trợ cho con của giáo viên. Dự kiến, trong giai đoạn 2016 - 2018, chương trình sẽ dành 2,2 tỷ đồng để thực hiện các nội dung trên. Theo thứ tự, một giáo viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ được giới thiệu đến chương trình “Ðồng hành cùng người thầy” thông qua một bài viết không quá 1.700 chữ nói về hoàn cảnh của giáo viên này. Bài viết đạt chất lượng cao sẽ được xét trao giải thưởng bài viết hay (trị giá 3 triệu đồng/giải). Cũng từ bài viết được giới thiệu, nhóm tư vấn sẽ đến tận nhà giáo viên có nhu cầu vay vốn để xác minh thực tế, đồng thời tư vấn các giải pháp kinh tế gia đình và hỗ trợ làm dự án kinh tế gia đình. Kết thúc phần hỗ trợ tư vấn là phần trao vốn cho các dự án kinh tế gia đình đã được thông qua. Mỗi suất vốn trao có giá trị từ 5 đến 20 triệu đồng tuỳ theo giá trị dự án được thẩm định. Ngoài ra, trong quá trình xác minh hoàn cảnh, chương trình cũng sẽ hỗ trợ cho con em giáo viên có hoàn cảnh khó khăn biết vượt khó học giỏi, hiếu thảo. Các giáo viên được giới thiệu phải là giáo viên có hoàn cảnh thực sự khó khăn nhưng vẫn nhiệt tình công tác, đam mê với nghề, đồng thời có phương án làm kinh tế gia đình khả thi.

Khoảng giữa tháng ba, chương trình “Ðồng hành cùng người thầy” đã tổ chức lễ trao vốn đợt đầu tiên sau gần 1 năm phát động. Ðợt này, chương trình đã trao vốn cho 20 giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến từ 8 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tổng số vốn được trao lần này là 395 triệu đồng (trích từ nguồn đóng góp của bạn đọc Báo Tuổi Trẻ). Mỗi giáo viên được trợ vốn từ 10-25 triệu đồng không lãi suất và sẽ hoàn vốn sau 2 năm.

2 giáo viên ở Tây Ninh được nhận vốn đợt này là thầy Lê Ngọc Cư (sinh năm 1980), giáo viên Trường THPT Châu Thành- một tấm gương giáo viên tiêu biểu vượt khó và yêu nghề. Trước đây, khi đang học năm cuối đại học, anh sinh viên Lê Ngọc Cư chẳng may gặp sự cố tai nạn giao thông nghiêm trọng, khiến thân thể bị thương tật nhiều chỗ, đặc biệt là cánh tay phải không còn cầm bút được nữa. Mặc dù vậy, sau tai nạn, chàng trai trẻ vẫn tiếp tục trở lại trường và nỗ lực rèn cách viết bằng tay trái, cuối cùng cũng đã hoàn thành được chương trình đại học. Năm 2008, Cư chính thức trở thành giáo viên Trường THPT Châu Thành và gắn bó với ngôi trường này cho đến hôm nay. Luôn hoàn thành tốt công tác, thầy giáo Lê Ngọc Cư được học trò và đồng nghiệp quý mến. Ở nhà, thầy cũng là một người chồng, người cha có trách nhiệm. Vợ thầy làm nghề gia công quần áo, thu nhập không ổn định. Cuộc sống khó khăn, thời gian rảnh, thầy Cư tranh thủ trồng thêm rau quả xung quanh nhà để tiết kiệm chi phí bữa ăn cho gia đình. Hai đứa con gái lần lượt ra đời khiến trong nhà có thêm tiếng cười, niềm vui nhưng cũng thêm sự chật vật, thiếu thốn.

Trong lễ trao vốn “Ðồng hành cùng người thầy” vừa qua, thầy giáo Cư được xét cho vay 20 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Thông qua chương trình này, thầy cũng được hai vị mạnh thường quân trao tặng số tiền 20 triệu đồng (mỗi người 10 triệu đồng). Có tiền trong tay, thầy Cư đầu tư mua 2 máy may gia công mới, một cái cho vợ làm nghề, còn một cái cho mình để phụ vợ những lúc có hàng nhiều. Phần tiền còn lại đem hùn vốn với một người bạn nuôi cút thịt. Nhờ vậy, mỗi tháng thầy Cư thu về 2- 3 triệu đồng từ tiền bán cút, giảm bớt gánh nặng kinh tế gia đình, có điều kiện tập trung tâm trí cho công tác giảng dạy ở trường.

Thầy Cư tự tráng xi măng sân nhà để cho con có chỗ vui chơi sạch sẽ.

Người thứ hai ở Tây Ninh được nhận nguồn vốn trên là cô giáo Phạm Thị An sinh năm 1986- giáo viên Trường THPT Nguyễn Ðình Chiểu (huyện Dương Minh Châu). Cô Anh là người dân tộc Mường, quê ở Thanh Hoá. Năm 2011, cô vào Tây Ninh xin việc và công tác tại Trường THPT Nguyễn Ðình Chiểu cho đến nay. Cuộc sống của cô Anh rất khó khăn, sau khi lập gia đình, vợ chồng cô phải ở nhà thuê. Chồng cô làm nghề lái xe thuê, thu nhập không ổn định. Con gái của họ thường xuyên đau ốm do sinh thiếu tháng. Ðể có tiền chữa bệnh cho con, cô Anh đã phải vay mượn nhiều nơi. Trong đợt trao vốn vừa qua, cô Anh được xét cho vay 10 triệu đồng. Cô dùng số tiền này làm vốn lấy rau ở chợ đầu mối về bán lại vào những ngày không có tiết dạy buổi sáng. Cô Anh chia sẻ: “Ðồng hành cùng người thầy” là một chương trình thiết thực và hết sức ý nghĩa đối với những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn như cô.

Ngoài thầy Cư và cô Anh, còn có cô Nguyễn Thị Kim Liên- giáo viên Trường THCS Lộc Hưng (huyện Trảng Bàng)- người đầu tiên ở Tây Ninh được  trao vốn “Ðồng hành cùng người thầy” với số tiền 20 triệu đồng vào hồi tháng 5.2016.

Ông Bùi Ngọc Ẩn- Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh đánh giá: “Ðồng hành cùng người thầy” là một chương trình mang tính từ thiện, xã hội ý nghĩa. Tôi hy vọng, trong thời gian tới, sẽ có nhiều gương giáo viên vượt khó được phát hiện, giới thiệu với chương trình này, qua đó giúp các thầy cô có cơ hội tiếp cận nguồn vốn, cải thiện kinh tế gia đình, để chuyên tâm cống hiến cho ngành Giáo dục tỉnh nhà”.

Lê Thuỳ