Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Nguy cơ H5N1 tái tổ hợp với H1N1
Thứ ba: 05:42 ngày 03/11/2009

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Các chuyên gia y tế đều lo ngại khả năng chủng virus này biến đổi, tái tổ hợp với virus cúm H5N1 và tạo ra một loại virus mới nguy hiểm gấp bội.

Dịch cúm gia cầm đang quay trở lại làm dấy lên lo ngại về việc virus cúm A/H5N1 có thể tái tổ hợp với virus cúm A/H1N1 tạo ra một loại virus mới có tốc độ lây lan nhanh và độc lực cao.

Ngày 2.11, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) chính thức xác nhận dịch cúm gia cầm đã tái phát sau một thời gian dài im ắng. Một ổ dịch cúm gia cầm mới vừa được phát hiện tại 9 hộ chăn nuôi ở các xã Noọng Luống và Thanh Yên, Điện Biên. Ngay lập tức, Chi cục Thú y tỉnh đã tiến hành các biện pháp chống dịch theo quy định và đã tiêu hủy tổng cộng 2.283 con gia cầm trong vùng dịch.

Kể từ năm 2003, khi phát hiện ca nhiễm cúm H5N1 đầu tiên ở Việt Nam, đã có 55 trường hợp tử vong vì virus chết người này. Cùng với Indonesia, Việt Nam là một trong hai nước có nhiều trường hợp tử vong vì virus H5N1 nhất.

Trong những tháng gần đây, khi dịch cúm A/H1N1 xuất hiện trên thế giới, các chuyên gia y tế đều lo ngại khả năng chủng virus này biến đổi, tái tổ hợp với virus cúm H5N1 và tạo ra một loại virus mới nguy hiểm gấp bội.

TS. Nguyễn Hồng Hà, Phó viện trưởng Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia lo ngại: Virus cúm không có tính ổn định về mặt di truyền. Nó có khả năng tái tổ hợp, sắp xếp và đột biến rất cao. Virus cúm A/H1N1 có đặc tính là lây lan nhanh nhưng không gây tử vong lớn.

Trong khi virus cúm H5N1 gây tử vong cao, khả năng lây lan thấp. Như vậy, nếu hai chủng virus này mà tái tổ hợp, tạo ra một loại virus mới vừa có đặc tính lây lan nhanh lại vừa tử vong cao thì cực kỳ nguy hiểm.

Trong khi đó, hiện nay dịch sốt xuất huyết cũng đang bùng phát tại một số tỉnh, thành. Tuy nhiên, rất khó phân biệt giữa SXH và cúm A/H1N1.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cho biết: "Trong ngày đầu tiên, khó phân biệt 2 bệnh này vì đều có biểu hiện chung là sốt. Không thể làm xét nghiệm PCR để phân loại cúm H1N1 vì hiện chỉ xét nghiệm cho đối tượng nguy cơ cao, làm công thức máu cũng sẽ khó để phân loại sốt xuất huyết vì tiểu cầu chưa hạ". Tuy nhiên, theo tiến sĩ Kính nếu là sốt do sốt xuất huyết thì thường sốt cao ngay, liên tục còn do cúm thì thường rải rác và kèm theo biểu hiện viêm họng, ho.

Khi dùng Paracetamol để hạ nhiệt, nếu là sốt xuất huyết thì chỉ hạ nhiệt được trong thời gian ngắn, sau đó tiếp tục sốt cao còn với cúm thì thời gian hạ nhiệt kéo dài hơn. "Với bệnh nhân sốt xuất huyết, bác sĩ có kinh nghiệm có thể phát hiện da người bệnh xung huyết nặng nề hơn, ấn tay vào thấy quầng đỏ rõ rệt", tiến sĩ Kính cho biết.

Cũng theo tiến sĩ Kính, bệnh dễ phân biệt hơn vào ngày thứ 2,3.

Với cúm, ngày thứ 2 bệnh nhân bắt đầu xuất hiện triệu chứng của viêm họng, nhiễm trùng đường hô hấp trên. Trường hợp nặng có thể thấy đau tức ngực, khó thở.

Ngược lại, với bệnh sốt xuất huyết thì sốt cao liên tục từ 2 đến 7 ngày. Từ ngày thứ 2 trở đi bệnh nhân đã có biểu hiện xuất huyết dù là tối thiểu. Các ngày sau, triệu chứng rõ ràng hơn. Một số người có thể chảy máu chân răng, chảy máu cam, hoặc chấm xuất huyết dưới da. Phụ nữ xuất hiện hành kinh sớm hơn chu kỳ bình thường, kỳ kinh kéo dài hơn bình thường. Nếu đến cơ sở y tế có thể làm xét nghiệm máu xem lượng tiểu cầu hạ đến mức nào.

K.D

(tổng hợp)

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục