Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tuy không phải là nhà báo chuyên nghiệp nhưng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được coi là một nhà báo cách mạng bậc thầy, một ngòi bút chính luận sắc bén, giúp luận giải những câu hỏi nóng bỏng từ chiến trường đến đồng ruộng, từ cơm áo người nông dân đến chiến lược đánh giặc giữ nước.
Tháng 10-1950, Báo Quân đội nhân dân được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai tờ Vệ quốc quân và Quân du kích. Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh được Bác Hồ giao chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã báo cáo và xin ý kiến Bác về ý tưởng tên gọi của tờ báo, các chuyên trang, chuyên mục. Theo đề xuất của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Bác Hồ đồng ý đặt tên báo là Quân đội nhân dân.
Trang nhất số báo Quân đội nhân dân đầu tiên, đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã viết bài có tiêu đề “Đánh thắng và bảo vệ mùa màng” ký tên tác giả là Nguyễn Chí Thanh. Bài báo có nội dung chỉ đạo bộ đội và nhân dân thực hiện tốt hai nhiệm vụ cấp bách và trọng yếu lúc đó là chiến đấu và bảo vệ sản xuất.
Tác giả viết: “No thành Phật, thành Tiên, đói thành ma, thành quỷ. Đánh có thắng được giặc dân mới no, mới ấm, quân mới hùng, mới mạnh. Giữ được mùa màng, thì dân, quân mới tạm đủ ăn no để thắng giặc và xây dựng lực lượng hùng hậu”. Bài viết chỉ đạo của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nhưng giàu tính báo chí, có sức lôi cuốn người đọc, bất cứ ai nghe cũng thấm thía và nhận thức sâu sắc mình phải làm gì.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Chiến khu Việt Bắc năm 1951. Ảnh: TTXVN
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn viết nhiều bài, với các thể loại báo chí khác nhau đăng trên Báo Quân đội nhân dân, Báo Nhân Dân đề cập các vấn đề: Vai trò của người đứng đầu cơ quan báo chí, về công tác chính trị tư tưởng, công tác xây dựng Đảng, xây dựng Quân đội và cả những vấn đề quốc tế.
Trong một bài trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân tháng 11-1950, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh nói về vai trò của người chủ bút: “Người phụ trách tờ báo phải cẩn thận, viết cho đúng chủ trương, đường lối, viết cho dễ để đội viên đọc hiểu, cái gì thiết thực thì viết, viển vông thì đừng”.
Khi Cơ quan Tổng cục Chính trị chuyển về Hà Nội, quá trình chỉ đạo Báo Quân đội nhân dân (1954-1961) những buổi làm việc với Ban Biên tập và cán bộ, phóng viên của Báo Quân đội nhân dân, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn lưu ý: Báo Quân đội nhân dân không phải của riêng ai, mà đây là tiếng nói của Đảng, của Quân đội; Báo Quân đội nhân dân cũng không phải của một cá nhân nào, dù ở cấp nào, mình phải viết theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng, nếu các cấp trên có ý kiến khác nhau thì Báo phải căn cứ vào nghị quyết mà viết, như vậy mới bảo đảm tính nhất trí cao trong Quân đội. Báo có tiếng nói và ảnh hưởng rất quan trọng, phải đánh giá đúng vị trí của Quân đội và vị trí của tờ báo để tập trung sức lực, nâng cao chất lượng, làm cho tờ báo xứng đáng với bản chất truyền thống của Quân đội cách mạng Việt Nam.
Trong bài viết cho Báo Nhân Dân, mang tựa đề “Đảng là người tổ chức, lãnh đạo Quân đội ta” (1959), đồng chí Nguyễn Chí Thanh viết về các chiến sĩ:
“Đói ư? - Đói cũng đánh
Rét ư? - Rét cũng đánh
Ốm ư? - Ốm cũng đánh”.
Từ năm 1964 đến 1967, những bài báo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có giá trị đặc biệt, góp phần lý giải những câu hỏi nóng hổi tính thời sự nhưng mang tầm chiến lược về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nghiên cứu và phát triển tư tưởng chiến lược quân sự của Đảng trước những diễn biến rất mới mẻ và phức tạp, khi toàn dân tộc phải đương đầu với kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quân sự hơn hẳn ta; giúp giải đáp những câu hỏi: Có đánh được Mỹ không? Làm thế nào để đánh Mỹ? Đánh Mỹ bằng cách nào?
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn đánh giá cao vị trí, vai trò, tác dụng của báo chí. Thời gian làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đồng chí thường xuyên quan tâm, chỉ đạo Báo Quân đội nhân dân và các cơ quan tuyên truyền của Quân đội phải viết, phải nói những điều thiết thực, ý nghĩa, đúng theo Chủ nghĩa Mác-Lênin, đúng theo đường lối cách mạng của Đảng, của nhân dân. Cán bộ, các anh em phóng viên, đội viên phải gần gũi bộ đội, viết đội viên dễ hiểu, mang tinh thần khích lệ, động viên lớn.
Khi Phụ trách Ban Nông nghiệp của Đảng, rồi trên cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn đánh giá rất cao công tác tuyên truyền, vận động, cổ vũ toàn quân, toàn dân của báo chí, đồng chí có nhiều bài viết có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thường dành thời gian viết bài cho các báo. Có những bài lớn, có ý nghĩa tổng kết về những vấn đề quan trọng, cũng có những bài dăm bảy trăm từ chỉ đạo các vấn đề cụ thể. Các bài báo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đều tự tay đồng chí viết ra, gửi văn thư đánh máy, rồi giao cho cán bộ biên tập đọc góp ý, sửa chữa, sau đó mới gửi tới tòa soạn báo. Đồng chí luôn tôn trọng quyền biên tập của nhà báo để bài báo được ngắn gọn hơn, súc tích hơn, có ý nghĩa giáo dục tuyên truyền sâu sắc hơn.
Học tập phong cách viết báo của Bác Hồ, các bài báo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn cố gắng trình bày những vấn đề lý luận trừu tượng bằng lời lẽ thông thường, lối viết giản dị, giàu hình ảnh, dễ hiểu, dễ tiếp thu, nhưng lời lẽ đanh thép, thái độ kiên quyết, lập luận chặt chẽ, khoa học, vừa giàu tính thực tiễn, vừa sáng tầm chiến lược, thể hiện tinh thần cách mạng tiến công mạnh mẽ và dựa trên cơ sở của sự phân tích cụ thể tình hình một cách khách quan, khoa học. Ở những bài báo phân tích chuyên sâu, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn luôn mở rộng nhãn quan chính trị và tầm nhìn thời cuộc, cảm nhận trước những gì mà nhiều người chưa thấy.
Là nhà báo cách mạng bậc thầy, nhiều bài báo với nhiều bút danh khác nhau, tuy nhiên có một bút danh chưa được phổ cập rộng rãi, đồng chí chỉ sử dụng một lần duy nhất, đó là bút danh Bến Tre, đứng tên trong bài viết đăng trên Báo Quân đội nhân dân, số ra ngày 27-6-1967, với tiêu đề “Chiến lược của Mỹ ở miền Nam nước ta bắt đầu từ đâu, hiện đang đứng ở chỗ nào và sẽ đi đến đâu”. Đây là bài báo cuối cùng trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, hào hùng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Bài báo ra mắt bạn đọc được 9 ngày thì Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đột ngột vĩnh biệt non sông, đất nước, đồng chí và đồng bào đi xa vào "thế giới người hiền" trong buổi sáng mùa hè năm 1967 tại Thủ đô Hà Nội.
(Trích "Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, một danh tướng thời đại Hồ Chí Minh", Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011 và “Những mẩu chuyện về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”, NXB Quân đội nhân dân, 2023)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.
Nguồn Báo Quân đội nhân dân