Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo giới kinh doanh bất động sản trong tỉnh, với tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, thị trường bất động sản ở tỉnh có thể rơi vào tình cảnh ảm đạm hơn nữa.
Người dân làm thủ tục công chứng tại một tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thành phố Tây Ninh (ảnh minh hoạ).
Một công chứng viên cho biết, kể từ khoảng giữa năm 2019 đến nay, số lượng hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất tại văn phòng công chứng giảm khoảng 50% so với thời điểm thị trường bất động sản của tỉnh “nóng” bất thường. Ngược lại số hồ sơ vay vốn được thực hiện công chứng lại tăng (khoảng 20%).
Anh Phong, một người môi giới bất động sản cho rằng, thị trường bất động sản ở Tây Ninh đã “nguội” lại kể từ giữa năm 2019, không còn “nóng” như thời điểm năm 2018 và đầu năm 2019. Do mua bán đất sinh lợi nhiều nên thời gian qua, nhiều người đổ xô mua đất đầu cơ bán lại, trong khi những người có nhu cầu mua đất để cất nhà thì không nhiều.
Tuy nhiên không phải ai cũng có khả năng để mua đất, không ít người đi vay mượn, thế chấp tài sản cho ngân hàng. Lúc đầu, thấy mua bán đất có giá trị nhỏ được “thuận buồm, xuôi gió” nên nhiều người đã mạnh dạn đầu tư số vốn lớn hy vọng có lãi cao.
Thế nhưng, từ giữa năm 2019 đến nay, vì nhiều lý do khách quan, thị trường bất động sản trong tỉnh gần như bị “đóng băng”. Do nguồn cung lớn hơn rất nhiều so với nhu cầu mua đất của người dân nên hiện không ít nhà đầu tư mua đất để “lướt sóng” không bán được đất sau một thời gian dài.
Theo giới kinh doanh bất động sản trong tỉnh, với tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, thị trường bất động sản ở tỉnh có thể rơi vào tình cảnh ảm đạm hơn nữa.
Thế Nhân