BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhà sử học Dương Trung Quốc nói về việc đặt tên đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cập nhật ngày: 07/11/2013 - 05:43

Việc đặt tên đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang là một vấn đề được dư luận quan tâm. Trao đổi với báo chí bên hành lang Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII diễn ra sáng 6.11, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này.

 

 Đại biểu Dương Trung Quốc trả lời báo chí bên lề Kỳ họp thứ 6,  Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Thế Kha/Báo Người Lao động.

Phóng viên (PV): Thưa ông, hiện Hà Nội vẫn chưa chính thức công bố phương án đặt tên đường Võ Nguyên Giáp, trong khi có khá nhiều ý kiến khác nhau. Vậy ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Dương Trung Quốc: Hiện có rất nhiều phương án mà tôi được nghe và tôi thấy mỗi phương án có cái hay của nó. Có người muốn lấy tiêu chí quy mô hoặc vị trí quan trọng của con đường ấy. Đó là những con đường đang xây dựng, con đường huyết mạch từ Hà Nội đến sân bay Nội Bài.

Nhưng cũng có người đưa ra ý kiến lấy chính con đường Điện Biên Phủ hiện nay, ghép thêm chữ Võ Nguyên Giáp vào thành “Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp” là một tổ hợp đã rất quen thuộc, nó vừa gắn kết một con người - một sự kiện, thực ra là 2 sự kiện nếu kể cả Điện Biên Phủ trên không.

Hơn nữa, con đường đó cũng ở vị trí rất đẹp, đi vào Quảng trường Ba Đình lịch sử, rất gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng rất gần với ngôi nhà mà Đại tướng đã sống trong nửa thế kỷ qua. Nó lại gắn kết với rất nhiều anh hùng cứu nước như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, hay những anh hùng cách mạng như Lê Hồng Phong, Trần Phú. Đó là một giải pháp tốt và theo tôi nên cân nhắc.

Ngoài ra, việc chọn con đường để đặt tên Đại tướng cũng còn tùy thuộc vào quỹ đường phố của Thành phố.

PV: Ý kiến của ông như thế nào về việc chọn đường Nhật Tân - Nội Bài để đặt theo tên Đại tướng?

Ông Dương Trung Quốc: Đấy cũng là một cách đặt vấn đề theo quy mô và vị trí con đường.

PV: Nhưng đến 2015 con đường đó mới hoàn thành, như vậy có quá lâu không, thưa ông?

Ông Dương Trung Quốc: Đôi khi ta đặt tên trước cũng được và con đường sẽ hoàn thành từng bước. Nhiều con đường hiện nay đã đặt tên nhưng đường phố cũng đang trong quá trình chỉnh trang, nhưng chắc chắn phải nằm trên quy hoạch được khẳng định. Đây cũng là một con đường đẹp. Đó là phương án với 2 cách tiếp cận khác nhau.

PV: Với đường Bắc Thăng Long - Nội Bài thì sao? Có người đề xuất con đường này đặt tên theo nhà thơ Tố Hữu. Ông có cho là hợp lý không?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi chưa biết thông tin này. Nhưng hiện nay, Hà Nội có một bức xúc mà các cụ lão thành đã phản ánh với chúng tôi, đó là con đường Cách mạng tháng Tám. Tên đường này ở TP. Hồ Chí Minh có rồi, Huế có rồi. Trong khi đó, Hà Nội là cái gốc, cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra ở đây nhưng lại chưa có. Các cụ rất bức xúc chuyện đó. Cũng đã có ý tưởng do các cụ kiến nghị, đó là lấy con đường đi ra sân bay để đặt tên. Nhưng hiện đã có những thay đổi, có thể điều chỉnh lại.

PV: Theo ông thì có nên xây dựng một bảo tàng mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

Ông Dương Trung Quốc: Về bảo tàng thì trước mắt liên quan đến luật, vì vậy chúng ta nên làm từ thấp đến cao. Ví dụ như một không gian lưu niệm nhân vật, rồi từng bước phụ thuộc vào nội dung bên trong, kể cả năng lực của ngành bảo tồn để mà tính tiếp. Không nhất thiết ngay từ đầu đã phải làm cái lớn, mà cứ làm cái nhỏ. Quan trọng nhất là dành không gian cho việc tôn vinh, không chỉ cá nhân Đại tướng mà là tôn vinh Đại tướng cùng với tất cả những đồng đội của mình. 
PV: Trong những ngày lễ tang Đại tướng vừa qua đã nổi lên một hiện tượng đáng chú ý, đó là những hoạt động và tình cảm đáng trân trọng của đội ngũ thanh niên. Nhiều người đã hy vọng sự kiện này sẽ làm thay đổi phần nào suy nghĩ và hành động của lớp thanh niên hiện nay. Liệu đây có thể chỉ là hiện tượng nhất thời, thưa ông?

Ông Dương Trung Quốc: Điều đó đáp ứng một băn khoăn của chúng ta về việc đánh giá thanh niên. Nếu chúng ta tạo ra môi trường thích hợp thì thanh niên sẽ có cơ hội bộc lộ phẩm chất tiềm ẩn của các bạn ấy. Sự kiện đám tang của Đại tướng là một ví dụ. Chúng ta cũng có thể thấy các bạn trẻ đọc hồi ức của Đặng Thùy Trâm, thể hiện rất rõ cái mà ta tưởng không có ở trong thanh niên bây giờ. Trách nhiệm của xã hội, của các cơ quan đoàn thể có liên quan là tạo ra môi trường khích lệ thanh niên phát huy những mặt tích cực, những phẩm chất tiềm ẩn đó trong mỗi con người.

PV: Vậy ông có ý tưởng gì về việc tạo ra những môi trường như ông nói trong giai đoạn này?

Ông Dương Trung Quốc: Sau đám tang Đại tướng là một cơ hội tập hợp các em. Ý thức thiện nguyện, tinh thần thiện nguyện nếu được tổ chức tập hợp và phát huy là rất tốt. Một điều có thể phát triển thành hành vi mang tính truyền thống được, đó là trên Cao Bằng có một rừng cây được gọi là rừng cây Đại tướng gắn với một sự kiện lịch sử. Chính lòng trân trọng đối với Đại tướng là động lực làm cho người dân bảo tồn được khu rừng nguyên vẹn như vậy. Chúng ta cũng biết chuyện Đại tướng khi về thăm quê hương Quảng Bình của mình đã rất khâm phục một người phụ nữ địa phương miệt mài trong mấy chục năm chỉ với mỗi một việc là trồng cây chắn cát cho quê hương Quảng Bình. Đại tướng đã nói: “Tôi chỉ mong ước được làm những công việc như thế”. Vậy thì tại sao chúng ta không phát động một phong trào trồng cây Đại tướng.

Tất nhiên chúng ta đã có phong trào trồng cây Bác Hồ rồi, nhưng phong trào trồng cây Bác Hồ phát động vào thời kỳ mà mục tiêu chính là lấy gỗ làm nhà cho dân của những năm mới khôi phục kinh tế sau cuộc kháng chiến lần thứ nhất. Còn bây giờ thì vấn đề môi trường đặt lên hàng đầu. Chúng ta có thể gắn cái đó, vừa là kế tục phong trào trồng cây Bác Hồ nhưng nâng lên ở một thời kỳ mới, một mục tiêu mới. Tôi nghĩ thanh niên có thể biến thành phong trào trồng cây từ gợi ý rừng cây Đại tướng và mong ước của Đại tướng đối với việc phủ xanh quê hương của mình.

PV: Theo ông, điều cần thiết để ghi lại công ơn của Đại tướng ngay trong thời điểm hiện nay nên là gì? Đặt tên đường, bảo tàng hay tượng đài…?

Ông Dương Trung Quốc: Có rất nhiều cái có thể làm được, nhưng lòng dân là quan trọng nhất. Có là anh hùng dân tộc, có là hiển thánh hay không là ở dân chứ không phải là Nhà nước. Tuy nhiên, Nhà nước tạo ra môi trường, tạo ra những cơ chế để các tầng lớp xã hội có thể thể hiện tấm lòng của mình bằng rất nhiều hình thức khác nhau. Điều đó cần phải có thời gian, cũng không nên quá nóng vội.

PV: Tại khu vực Đại tướng đang yên nghỉ, theo ông có nên quy hoạch thành một khu du lịch tâm linh?

Ông Dương Trung Quốc: Nơi an táng của Đại tướng nằm trong một không gian hiện nay là của gia đình Đại tướng. Nhưng chắc gia đình sẽ cùng với xã hội chia sẻ. Đó là một di sản chung và sẽ có những hình thức để chúng ta bảo tồn và phát huy tốt.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(Theo cpv.org.vn)