BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhà văn Vân An - đời người, đời văn

Cập nhật ngày: 05/11/2011 - 12:05

LTS: Sáng 5.11, tại địa điểm Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha (thị xã Tây Ninh), Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh tổ chức một cuộc hội thảo giữa những người làm văn nghệ tỉnh nhà để tưởng nhớ nhà văn Vân An - sau 6 năm ông vĩnh viễn ra đi. Lúc sinh thời, ông từng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh, có nhiều đóng góp cho nền văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Ông được nhiều người trong giới văn nghệ Tây Ninh dành cho những tình cảm yêu mến, kính trọng. Bài viết dưới đây cũng nằm trong mạch cảm xúc ấy.

Nhà văn Vân An

Nhà văn Vân An tên khai sinh là Trần Vạn An, ông sinh ngày 10.3.1925, quê quán Trảng Bàng, đảng viên Đảng CSVN, hội viên Hội Nhà Văn VN, ông mất ngày 10.9.2005, hưởng thọ 80 tuổi, để lại cho đời nhiều tác phẩm văn, thơ, nhạc. Riêng mảng văn xuôi là 12 tác phẩm vừa tập truyện và truyện dài (đầu tiên là 2747 - tiểu thuyết tình báo do Quân khu 9 in năm 1948 và cuối cùng là Sài Gòn 46, truyện dài do NXB Văn Nghệ in năm 1988), một khối lượng tác phẩm không nhỏ.

Có thể nói tác phẩm khởi đầu nghiệp văn của nhà văn Vân An là truyện ngắn “Chim lồng”, tác phẩm đã đạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn kháng chiến do Phòng Chính trị Quân khu 9 tổ chức năm 1948. Câu chuyện kể về một chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, chúng tra tấn anh rất dã man, nhốt vào xà lim. Anh như con chim trong lồng nhưng vẫn giữ vững khí tiết, phẩm giá của con người cách mạng, mong ngày thoát khỏi lồng, khao khát bầu trời tự do. Một mo-tip thường thấy của truyện cách mạng thời bấy giờ. Điều tác giả muốn gửi gắm đó là “thù nhà, nợ nước” là “độc lập tự do”, xoá bỏ gông xiềng nô lệ, coi cái chết nhẹ tợ lông hồng. Và từ truyện ngắn này, cái tứ văn đã có, hình tượng người chiến sĩ trong lòng địch đã thôi thúc ông xây dựng cốt truyện “2747”, một truyện tình báo, mà người chiến sĩ cách mạng đã được giác ngộ cách mạng, giác ngộ lý tưởng Đảng, sống chiến đấu vì độc lập tự do cho Tổ quốc, gạt bỏ những tư tưởng “tiểu tư sản” tầm thường của người thanh niên trong chế độ thực dân phong kiến. Tác phẩm 2747 sau đó đã được dựng thành kịch và biểu diễn trên các sân khấu ở vùng kháng chiến Nam bộ.

Công việc sáng tác song hành cùng với công việc quản lý, ông làm tuyên huấn, có lúc làm Phó trưởng Ty Thông tin Tây Ninh thời chống Pháp. Hoà bình lập lại, năm 1954 ông tập kết ra Bắc, công tác ở báo Thống Nhất, đây là khoảng thời gian ông dành nhiều cho các sáng tác của mình. Các tác phẩm của ông lần lượt ra đời: Lòng tin (tập truyện, 1959), Giữ súng mướn (1960); Bám đất (tiểu thuyết 1964); Lớn lên (tiểu thuyết)… Nhân vật trong truyện Vân An giai đoạn này vẫn là những người nông dân kiên cường bám đất, một tấc không đi, một ly không rời để tham gia kháng chiến hoặc giúp đỡ kháng chiến.

Một cách thể hiện khác trong ngòi bút của Vân An về sự đấu tranh dằn vặt của chính nhân vật, khi đối diện với chính lương tâm của mình như câu chuyện “Một cán bộ tình cờ phát hiện ra trong những kiện hàng mà Trung ương gửi ở hầm bí mật nhà mình có 25 thùng vàng, mỗi thùng 25 ký… Trong tình huống khó khăn gian khổ lúc bấy giờ, có nên lấy đi một ít để sống hay không?”. Một sự đấu tranh nội tâm quyết liệt, giữa nhân cách và lòng tham. Nhà văn đã nêu ra nhiều lý do, đó có thể là lời biện hộ của nhân vật: “Trước hết là sợ số hàng rất quan trọng này rơi vào tay địch, tổn thất lớn cho cách mạng”. Đó lại chính là sự ám ảnh: “Vàng. Ôi vàng! Ngần ấy vàng thì là bao nhiêu triệu đồng? Chỉ cần một ký thì đủ nhà gạch, xe thùng, vườn tược, ruộng đất… cả một đời mình sẽ sung sướng…”. Những tính toán dằn vặt:… Mang tiếng phản động, phản Đảng, vi phạm lời thề thiêng liêng khi được kết nạp vào Đảng…”. Tất cả đẩy thành cao trào để rồi người cán bộ cách mạng, người chi uỷ viên ấy thấy mình “gầy rạc đi với chòm tóc bạc”. Nét dí dỏm là nhà văn đã giải thích chòm tóc ấy là do… máu xấu như dân gian vẫn thường gọi. Người đọc thở phào, nhân vật của nhà văn đã bước qua cái ngưỡng của lòng tham con người, trở lại sự liêm chính, vốn có của người cán bộ.

Nhà văn Vân An cũng tỏ ra có duyên với các truyện về thiếu niên nhi đồng, những người “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tuỳ theo sức của mình”, góp phần vào công cuộc kháng chiến cứu nước và đã được NXB Kim Đồng in 4 tác phẩm: Giữ súng mướn (1960), Lớn lên, Truyện Võ Hường, Truyện Nguyễn Dũng. Truyện thiếu nhi của ông mang tính cổ vũ, giáo dục thế hệ trẻ, trong đó thấp thoáng nụ cười nhân văn và tấm lòng yêu trẻ của một nhà văn vui tính!

Từ quê hương Trảng Bàng lớn lên và tham gia kháng chiến, là cán bộ thông tin của tỉnh Tây Ninh tập kết ra Bắc rồi trở về, ông từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như Trưởng Ban nghiên cứu lịch sử Đảng, Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình, Tổng Biên tập Báo Tây Ninh, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật... Lúc còn sống ở miền Bắc XHCN, ông vẫn nhớ nhiều về miền đất “đặc thù” của quê hương qua tác phẩm “Bám đất”, ngợi ca những người con xứ đạo giàu lòng yêu nước, một lòng kiên trinh với cách mạng, đã làm nên những đồng khởi Tua Hai vang dội, cùng với cách mạng đi đến giải phóng đất nước, mang lại hoà bình độc lập cho dân tộc!

Một đời người, một đời văn, 80 tuổi đời, hơn 50 tuổi văn dồn tâm lực cho ngòi viết, nhà văn Vân An khiến người đọc khâm phục bởi những trang viết ăm ắp kỷ niệm và tấm lòng yêu nước. Nếu như “Sài Gòn 46”, viết lại những trang sử hào hùng của những ngày Nam bộ kháng chiến, những tính cách hào hoa, đầy lãng mạn cách mạng trong những nhân vật như Mê Linh, Tư Nhỏ, bác sĩ Thinh, Ba Dương… và những trang văn gần với thơ thì “Màn kịch khóc cười” đầy những suy tư trải nghiệm. Và “Họ là ai?” lại như một thiên phóng sự báo chí phản ánh về chế độ diệt chủng của Pôn-Pốt, Iêng-xa-ry, và cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nhà văn đã thông qua hai tuyến nhân vật có người Việt, người Khmer, có chính, có tà như Sarin, Sarươn, Sôphi, anh Pôn, ông Tâm, Lâm Nghét, Lệ Hằng, Kim Bôi, Pôn- Pốt… để nêu bật tấm lòng nhân hậu của những người Khmer yêu nước và những việc làm chính nghĩa của người dân Việt Nam, đối lập với bọn Khmer đỏ khát máu và những hận thù của bọn phản động lưu vong. Truyện mở đầu bằng cảnh 14 thanh niên nam nữ Khmer đang đánh Schuôm trong dịp tết Chol Chnăm Thmây tại Phnom- Pênh. Vân An viết: “Đánh Schuôm là trò chơi gần như dành riêng cho nam nữ, những người đang yêu nhau hoặc đã yêu mà chưa nói nên lời hay ít nhất cũng là dịp gặp gỡ nhau để nô đùa. Nam nữ chia thành hai bên riêng, số người đều nhau. Trái Schuôm được làm bằng cái khăn quàng của một đối thủ nữ, xếp nhỏ lại và làm thành một cái gút để có thể ném được. Và bên này ném bên kia, ai bị ném trúng là “chết”. Bên nào bị chết hết đối thủ thì bị thua. Thua thì phải chịu phạt. Thông thường thì bên thua phải cõng bên thắng chạy từ bên này sang bên kia sân…” (trang 7, 8). Mọi người được kêu đi xuống đường để đón bộ đội (Khmer đỏ) về, mở màn cho một địa ngục trần gian sau này. Truyện kết thúc có hậu theo lối đóng mở của truyện truyền thống cũng bằng một điệu múa: “Tiếng đàn rộn rã reo lên đúng vào lúc ấy. Một cây Accordéon nhỏ xíu như đồ chơi trẻ con đang được kéo đến suýt tét ra trên tay một ông trung niên, gầy nhưng khoẻ mạnh, mặt có nét của người lai Hoa. Thế là mọi người đưa tay lên múa, điệu múa vén màn cho một cuộc vui, dịu dàng nhưng trang nghiêm như một nghi thức tôn giáo. Ông Tâm và các bạn Việt Nam được Sôphi, Sarin và hai cô gái trẻ khác trân trọng mời nhảy” (trang 246). Điệu múa ấy, kết thúc một chế độ diệt chủng, mang lại hồi sinh cho đất nước Campuchia tươi đẹp.

Nhà văn Vân An (thứ 3 từ phải qua)

Họ là ai? Ghi lại một phong cách miêu tả nhân vật theo lối phác hoạ, gắn với hành động của nhân vật, ta có thể đọc thấy như: “Sarin là công nhân đóng gói ở một nhà máy thuốc lá. Đã đến tuổi lấy chồng và đã có nhiều nơi ngắm nghé nhưng Sarin còn chưa dứt khoát…”, “Anh Oknha vốn sung sướng từ nhỏ, quen được phục tòng và tánh tình nóng nảy nên đã bị giết ngay trong những ngày hỗn loạn đầu tiên…(trang 62). Hay như Pôn-Pốt, tên thủ lĩnh Khmer ác độc: “Pôn- Pốt tóc húi cua, cổ áo Tôn Trung Sơn gài kín, tay đưa nắm đấm lên và trợn mắt, ngoác mồm quát chiếc micorô…” (trang 225). Chi tiết, hành động, đặc tính trong xây dựng nhân vật là thế mạnh của nhà văn Vân An.

Để khép lại bài viết này, điều chúng ta thấy rõ là tâm huyết và thái độ lao động trong sáng tạo của nhà văn Vân An là rất nghiêm túc. Con người ông lúc sinh thời rất thích thơ và nhạc. Ông là người khởi xướng việc lập “quán thơ” trên núi Bà để giao lưu với các bậc tao nhân mặc khách trên khắp miền, khi họ đến hành hương viếng núi. Phải chăng, ông muốn cho giới văn nghệ sĩ Tây Ninh có điều kiện để cọ xát, mở mang tầm nhìn? Bởi kiến văn và tài năng như nước chảy, không thể tù đọng một góc quê nhà. Lần ghé thăm ông tại nhà, ông đang bệnh, vẫn vui vẻ ngồi tiếp chuyện rất lâu với tôi. Vậy mà đã 6 năm trôi qua. Mãi mãi không còn đọc những tác phẩm mới của ông. Song những trang văn ông để lại, vẫn như gửi gắm nhiều điều tâm sự…

T.H.V