BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhân Kỷ niệm 142 năm ngày sinh V.I.Lênin (22-4-1870 - 22-4-2012): Tư tưởng về tính Đảng của Đảng viên

Cập nhật ngày: 22/04/2012 - 05:08

(BTNO)- V.I.Lênin sinh ngày 22.4.1870, đến ngày hôm nay 22.4.2012 là 142 năm kỷ niệm ngày sinh của vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản, người đã đưa tư tưởng của K.Mác trở thành hiện thực khi sáng lập ra nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới.

V.I.Lênin (1870 - 1924)

Trong cuộc đời hoạt động của mình, Lênin đã để lại cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới nhiều di sản vô giá. Trong số di sản ấy, vấn đề có ý nghĩa lớn lao đối với xây dựng đất nước đi lên xã hội chủ nghĩa hiện nay ở nước ta chính là tư tưởng về tính Đảng của đảng viên.

Đặt vấn đề tính Đảng của đảng viên nhân dịp kỷ niệm 142 năm ngày sinh của Lênin trong bối cảnh Đảng ta đang triển khai thực hiện nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) là nội dung không chỉ có ý nghĩa về lý luận mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Bởi vì, Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” xác định 3 nội dung trọng yếu: Thứ nhất là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; thứ 2 là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế; thứ ba là xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Ba nội dung này có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cũng là vấn đề cấp bách nhất. Và đấy cũng chính là nội dung mà lúc sinh thời Lênin nhiều lần đề cập đến dưới tên gọi: Tính Đảng của đảng viên.

Lênin là lãnh tụ đầu tiên của giai cấp vô sản đề xướng và bước đầu đặt vấn đề một cách có hệ thống các quan điểm về tính Đảng. Đảng viên trước hết là những con người bình thường, nhưng khi trở thành đảng viên thì khác với bản thân mình trước đó chính là ở tính Đảng. Tính Đảng là biểu hiện tập trung nhất, đầy đủ nhất khuynh hướng tư tưởng tự giác bảo vệ và bênh vực lợi ích của một giai cấp nhất định. Do đó, tính Đảng, theo Lênin là sự tự giác và vững vàng đứng trên lập trường của giai cấp công nhân, bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân và mọi tầng lớp nhân dân lao động, đồng thời, chịu sự lãnh đạo và thực hiện đường lối chính sách của Đảng Cộng sản. Tính Đảng của người đảng viên vừa đồng hành, vừa là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp và ngược lại, chính cuộc đấu tranh đó đòi hỏi người cộng sản phải phát triển tính Đảng một cách nghiêm ngặt. Lê-nin đòi hỏi: “Chúng ta ra sức phấn đấu và theo dõi một cách chặt chẽ nhất để tính Đảng không phải chỉ thể hiện ở lời nói, mà là ở việc làm” (V.I.Lê-nin Toàn tập- NXB.TB - Matxcơva  1974/T.19/tr.140).

Do có tính Đảng nên dù làm công việc gì, trong hoàn cảnh nào vẫn luôn là một đảng viên đúng nghĩa; ngược lại, những đảng viên dù ở cương vị nào nhưng nếu mai một dần tính Đảng, dần mất đi bản chất đảng viên thì sớm muộn cũng thoái hóa biến chất và kết quả là xa rời Đảng.

Đảng viên trước hết là những con người bình thường, nhưng khi trở thành đảng viên thì khác với bản thân mình trước đó chính là ở tính Đảng.

Trong giai đoạn đất nước còn chiến tranh, biết bao nhiêu đảng viên bị tra tấn, mua chuộc, đầy đọa dã man trong nhà tù của kẻ thù mà không lung lay ý chí? mà vẫn một lòng theo Đảng? Đó là do tính Đảng của họ được giữ vững và không ngừng được tôi luyện. Tính Đảng ấy qua bao nhiêu gian lao thử thách đã ngấm vào máu thịt, trở thành “khí tiết cách mạng”, thành “chí khí chiến đấu”. Người đảng viên Nguyễn Văn Thương 6 lần bị kẻ thù cưa chân là hiện thân rõ nét nhất của Đảng bộ Tây Ninh thời chống Mỹ.

Hòa bình lập lại, cả nước nỗ lực phấn đấu xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong bối cảnh kinh tế thị trường, khi đồng lương còm cõi, cái lợi khi “làm ngơ” sẽ nhận được hơn gấp nhiều lần lương nhưng nhiều đảng viên kiên quyết từ chối. Tại sao họ vượt qua được cám dỗ đời thường, vững vàng thực hiện những nhiệm vụ mà Đảng giao phó? Đó là do tính Đảng trong những đảng viên ấy luôn định hướng, thôi thúc và điều chỉnh cuộc sống của họ. Tại sao, những đảng viên nhiều tuổi Đảng nhất lại là những người hăng hái nhất trong đấu tranh chống tiêu cực? Họ cứ dõi trông theo những chủ trương của Đảng để vui mừng nếu chủ trương ấy đúng đắn và âu lo, góp ý nếu chủ trương không hợp quy luật, không hợp lòng dân? Đó là do tính Đảng đã trở thành thuộc tính cơ bản trong nhân cách của những đảng viên cao tuổi ấy.

Ngày nay, trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Tây Ninh cùng với cả nước đang tiến hành sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chủ động hội nhập quốc tế. Thời cơ, thuận lợi để phát triển là rất lớn nhưng khó khăn thách thức cũng không nhỏ. Các thế lực thù địch đang tìm mọi cách chống phá quyết liệt. Trong không khí quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa X) của Đảng bộ tỉnh, nhắc lại tư tưởng Lênin về tính Đảng để kỷ niệm ngày sinh của Người và khẳng định tư tưởng của Người thấm đẫm trong nghị quyết của Đảng hôm nay.

Thành Từ Dũ

(Trường Chính trị Tây Ninh)