Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nên chú ý rằng, bản sắc được lồng khung kính trang trọng đặt trên ban thờ Hội đồng của đình Phước Hội chỉ là bản sắc ban tên thuỵ cho ông Phạm Văn Điển mà thôi. Trường hợp này ở một số đình làng Nam bộ đã có.
Đình Phước Hội.
Ngôi mộ chúng tôi đã nhắc đến trong bài “Tìm đâu dấu tích một thời đạn bom” trên chuyên mục này, chính là mộ của ông Lê Văn Vẻ, một người con của làng xưa Phước Hội. Bia mộ bằng đá cẩm thạch trắng, khắc chìm chữ đen có ghi: “Lê Văn Vẻ/ Chánh tổng hồi hưu/ Hàm tri phủ/ Sanh năm 1870- Phước Hội, Tây Ninh/ Thất lộc ngày… năm 1948, Sài Gòn”.
Các con số ngày tháng đã quá mờ nên không còn đọc được. Ngôi mộ nằm tại một nghĩa địa cũ ở ấp Bà Nhã, xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng. Đây chính là ngôi mộ có thể là duy nhất vẫn còn lỗ chỗ vết đạn bom của thời kỳ căn cứ địa Bời Lời trở thành huyền thoại anh dũng và kiêu hãnh của miền đất Tây Ninh thời kháng chiến chống Mỹ.
Có trong tay vài bản sao của sách Thời sự cẩm nang (tiếng Pháp: Vade Me cum/ ANNAMITE/ Ad ministratif, Commercial, Agricole et Litteraire/) in tại Sài Gòn thời Pháp thuộc. Thử tìm thì thấy có mục ghi ông Lê Văn Vẻ đã là hương chức trong Ban Hội tề làng Đôn Thuận thuộc quận Trảng Bàng (năm 1917).
Đến bản in về các năm 1923 và 1928 thì ông Vẻ đã được ghi danh là Cai tổng (Chef de canton de 3e classe) tổng Hàm Ninh Thượng. Cũng trong cuốn Thời sự cẩm nang năm 1917, tìm đến mục ghi các quan chức của tổng Hàm Ninh Thượng thì còn có 2 người của làng Phước Hội. Đấy là ông Phạm Ngọc Ẩn, là cai tổng (Chef de Canton de 3e classe).
Đến mục làng Phước Hội, có thêm ông Phạm Tấn Sỹ là Hương chủ. Hai ông này là cha con, quê ở Phước Hội và đặc biệt là họ đều có liên quan đến “2 vị thành hoàng” của đình Phước Hội.
Địa phương thừa kế làng Phước Hội xưa chính là xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu ngày nay. Và ngôi đình ở xã này vẫn mang tên cũ là đình thần Phước Hội. Đây là ngôi đình duy nhất trong tỉnh Tây Ninh thờ hai vị thành hoàng. Sách Di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh (Sở VH,TT&DL tỉnh Tây Ninh, 2014) có bài về di tích đình thần Phước Hội (trang 131).
Theo đó: “Thành hoàng thứ nhất, ông Phạm Văn Điển…” và “Thành hoàng thứ hai, ông Đào Văn Chữ, tiếp nối ông Phạm Văn Điển thực hiện những lời trăn trối cuối cùng của ông Phạm Văn Điển, em vợ ông, đồng thời là một võ quan thuộc quyền đã khắc phục khó khăn tại vùng biên giới Tây-Nam. Chính ông đã để cả đời binh nghiệp của mình sống cùng nhân dân Suối Đá sống cùng nhân dân Suối Đá…”.
Hai ngôi mộ trước sân dinh thần Phước Hội.
Chúng tôi phải trích hơi dài đoạn văn trên bởi sự lủng củng của câu chữ và khiến bạn đọc có thể hiểu sai. Rằng: ông Phạm Văn Điển là em vợ ông Đào Văn Chữ. Sự thực, trong ký ức dân gian cũng như các hậu duệ của dòng họ Phạm, thì ông Đào Văn Chữ mới chính là em vợ của ông Phạm Văn Điển, đồng thời cũng là một võ quan dưới quyền ông.
Bài này vẫn còn một chỗ sai cần sửa. Là đoạn: “Năm Thiệu Trị thứ ba (4.1843), ông bị bệnh mất khi thi hành công vụ”. Sự thật là trong sách Đại Nam liệt truyện viết về Phạm Văn Điển, thì năm ông mất là năm Thiệu Trị thứ 2 (tháng 4 âm lịch, năm 1842). Vua (Thiệu Trị): “lấy làm thương tiếc, nói rằng Văn Điển là người trung thành mạnh bạo, lúc tuổi trẻ theo đi đánh dẹp có rất nhiều chiến công; kịp khi thờ Hoàng khảo ta, từng giữ cấm quân, trải nhận ký thác ở một địa phương, thân đi hàng trận, có công rõ rệt biên giới và triều đình. Rồi sau cõi Tây không yên, cương quyết xin đi về mong báo hiệu…
Gần đây, Tù trưởng nước Xuân giúp kẻ phản nghịch đem quân cả nước vào cướp ngoài biên… Đương đợi bàn công uống rượu chí mừng quân về đến nơi, hưởng mãi súng mệnh lâu dài. Không ngờ bị bệnh rồi chết, khiến người đau thương không thôi. Chuẩn cho gia tặng đặc tiến Tráng Vũ Tướng quân Tả quân Đô thống Chưởng phủ sự…”.
Sự nghiệp của Phạm Văn Điển đã được triều Nguyễn ghi nhận. Ông có nhiều chiến công hiển hách dưới 3 triều vua, từ Gia Long, Minh Mạng đến Thiệu Trị. Tên ông cùng võ công được khắc trên bia đá Võ Công dựng trước sân võ miếu ở kinh thành Huế từ năm Minh Mạng thứ 19 (1838). Đến năm 1859, dưới triều vua Tự Đức lại được đưa vào thờ trong điện Hiền Lương.
Một trong những chiến công lẫy lừng của ông chính là vào giai đoạn cuộc chiến tranh Đại Việt - Xiêm La - Chân Lạp từ 1834 đến 1842. Đặc biệt là trận “đại phá được 20.000 quân Xiêm”, khi chúng tràn vào các tỉnh miền Tây.
Trong khi Phạm Văn Điển chỉ có 5.000 tướng vĩ (xem mục 3, Chiến tranh Đại Nam - Chân Lạp - Xiêm La, sách Tây Ninh bên dòng lịch sử miền Nam- Dương Công Đức, Nxb Tri Thức, năm 2019). Sách này cũng cho biết: “Kinh lược Phạm Văn Điển (1769-1842) về sau được thờ ở đình Phước Hội, tỉnh Tây Ninh”.
Còn sách Đại Nam liệt truyện thì kể ông là người quê huyện Phú Vinh, phủ Thừa Thiên nay là Thừa Thiên Huế. Cuối năm 1840, ông được triều đình cử làm quan Kinh lược Trấn Tây vào chỉ huy đánh giặc Xiêm La đang tràn vào Chân Lạp.
Tác giả Dương Công Đức đã kỳ công mô tả các cuộc hành binh của tướng sĩ triều Nguyễn, cũng như của Phạm Văn Điển trong cuộc chiến 10 năm này. Tuy vậy, cũng không có một chi tiết cụ thể nào về ông trên đất Tây Ninh.
Chỉ có nghiên cứu của Nguyễn Thiệu Lâu trong sách Quốc sử tạp lục (Nxb Mũi Cà Mau, 1994) viết: “Chắc vua Thiệu Trị đã phái Phạm Văn Điển đem binh lực ở An Giang lên Tây Ninh để dẹp giặc, cho nên Phạm Văn Điển mới đem quân, ít ra từ Châu Đốc lên Tây Ninh/ Đường đi là đường bộ, hoặc vòng qua đất Miên, hoặc men phía Nam Đồng Tháp Mười/ Phạm Văn Điển chắc đã ngoài sáu mươi tuổi rồi/ Dẹp giặc Miên như thế nào?/ Sử không cho ta biết/ Sử không cho ta biết chi tiết/ Dẹp từ bao giờ?/ Dù sao ở quân thứ Thất Sơn về tới An Giang, đúng vào tháng 4 năm Nhâm Dần 1842, Phạm Văn Điển bị đau mà mất…”. Sự thật là, ông không chỉ mới “ngoài sáu mươi” mà đã ở tuổi 73.
Trở lại với vị thành hoàng thứ hai của đình Phước Hội- ông Đào Văn Chữ. Theo các hậu duệ của họ Phạm như bác Nguyễn Đăng, thì ông Chữ là em người thiếp yêu của tướng quân Phạm Văn Điển khi ông ở Tây Ninh.
Ông cũng chính là người có công trực tiếp mở mang, khai phá thôn Phước Hội; là người nuôi dạy con (nếu có) của chị mình cùng tướng quân. Vậy ông rất xứng để người dân tôn xưng là vị thành hoàng của làng xưa Phước Hội. Nhà văn Sơn Nam trong sách Đình miếu và lễ hội dân gian (Nxb TP Hồ Chí Minh, 1992) lại viết: “Mỗi làng chỉ có một vị thần thành hoàng”. Vậy ai mới thật sự là thành hoàng ở đình Phước Hội?
Nên chú ý rằng, bản sắc được lồng khung kính trang trọng đặt trên ban thờ Hội đồng của đình Phước Hội chỉ là bản sắc ban tên thuỵ cho ông Phạm Văn Điển mà thôi. Trường hợp này ở một số đình làng Nam bộ đã có.
Và, nhà văn Sơn Nam giải thích: “Đình làng dành cho Bổn cảnh thành hoàng, vài đình có ba bốn sắc ban chức tước cho cha mẹ ông bà vị công thần nào đó, hoặc cho chính vị công thần, về sau gia đình gửi vào đình, không phải sắc Thành hoàng…”.
Trong khi đó thì ông Đào Văn Chữ có hẳn một dinh thờ ở phía Bắc con đường 781 hiện nay. Ngôi dinh ấy cũng có từ xa xưa, còn chưa rõ năm nào nhưng bảng chữ trên dinh đắp vữa xi măng rất rõ ràng là “Dinh thần Phước Hội”. Trước dinh có 2 ngôi mộ được xây trong khuôn một bờ thành xây đá ong tô vữa khang trang. Đặc biệt mộ không có bia, nên không rõ người dưới mộ là ai. Khu vực ngoài dinh còn một nhóm vài ngôi mộ đã lở long, lộ ra gạch xây bằng đá ong.
Đó chính là mộ của các ông; Phạm Ngọc Ẩn, nguyên Cai Tổng Hàm Ninh Thượng (1848-1924); ông Cả Phạm Tấn Sỹ (1871-1918), con của ông Phạm Ngọc Ẩn và bà Bùi Thị Âm cùng vài ngôi của các vị thân nhân khác.
Đây có phải là các hậu duệ của Đại công thần Phạm Văn Điển hay không? Nếu phải, thì con của người thiếp của ngài, không ai khác chính là Phạm Ngọc Ẩn, dù năm sinh (1848) có khác với năm ông có thể được sinh ra (1842). Nhưng chuyện tuổi của người dưới thời phong kiến thì không ai có thể chắc chắn. Bởi có thể vì một lý do nào đó mà người ta đã phải ghi ngày “khai sinh” khác đi. Để giữ kín một bí mật nào đó, giống như danh tính của bà thiếp, đến nay vẫn không ai biết.
Trần Vũ