BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhân việc trùng tu Di tích Khám đường Tây Ninh: Chuyện một đầu dây

Cập nhật ngày: 04/10/2013 - 11:32
Ở đây người viết bài này chỉ muốn nêu lên sự kiện bắt nguồn của “đường dây” từ “Khám đường Tây Ninh”, một di tích của tỉnh đang được trùng tu và sẽ hoàn thành trong nay mai giữa lòng thị xã Tây Ninh sắp lên thành phố.

Phía sau cánh cổng sắt, bức tường cao kia là nơi kẻ địch giam cầm tra tấn các chiến sĩ cách mạng

 (BTN) - Có lần đi thăm Côn Đảo, hòn đảo được mệnh danh “địa ngục trần gian”, được nghe cô hướng dẫn viên giới thiệu về “Đường dây Côn Đảo”, là đường dây liên lạc bí mật giữa những người tù cách mạng thời kháng chiến, mà lúc ấy người ta gọi là “chính trị phạm”, với cơ quan đầu não của cách mạng ở miền Nam, tự dưng tôi suy đoán: Vậy là một đầu đường dây ở Côn Đảo, còn đầu kia nhất định ở Tây Ninh! Bởi vì gần như suốt 15 năm kháng chiến chống Mỹ, Trung ương Cục miền Nam đóng căn cứ ở Tây Ninh, ngoại trừ năm đầu tiên đóng ở rừng Mã Đà trên đất Đồng Nai.

Người hướng dẫn, tên là Ngô Thị Thanh Vân còn cho biết thêm: “Đường dây Côn Đảo” được thiết lập từ ngày đồng khởi 20.12.1960 và duy trì liên tục cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30.4.1975. Suốt thời gian đó cũng có đôi lúc liên lạc bị gián đoạn rồi kết nối lại được ngay. Nguyên nhân do có một “mắt xích” nào đó chuyển nơi giam giữ, ra tù nếu “mắt xích” ở “bên này”; hay “thuyên chuyển công vụ” nếu “mắt xích” là người ở “bên kia”. Vì vậy đường dây tuy có lúc gián đoạn vẫn không hề bị lộ.

Trở về Tây Ninh, tôi tìm gặp một nhân vật mà tôi tin là có biết đến “Đường dây Côn Đảo”, bởi lẽ đó là người lãnh đạo Đảng bộ tỉnh Tây Ninh trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước: ông Nguyễn Văn Hải, thường gọi là chú Bảy Hải, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ trước ngày giải phóng và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ sau ngày giải phóng. Thật may mắn, chú Bảy Hải chính là người được đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Trung ương Cục, giao nhiệm vụ thiết lập “Đường dây Côn Đảo” và chỉ đạo vận hành đầu dây ở đất liền.

Trong ngôi nhà chữ đinh bình dị có vườn cây chung quanh, nằm khuất trong một hẻm nhỏ đường Nguyễn Chí Thanh, phường 3, Thị xã, tôi được nghe chú Bảy Hải và “đồng chí bạn đời” của chú kể rõ “đầu dây mối nhợ” của “Đường dây Côn Đảo”…

“Trước đồng khởi, Xứ uỷ Nam bộ, sau là Trung ương Cục miền Nam có điều động một cán bộ là ông Nguyễn Văn Khuynh (Hai Khuynh, còn có tên là Trương Minh) về Tây Ninh làm công tác binh vận. Ông Hai Khuynh xuất thân là nhà giáo, rất giỏi ngoại ngữ- cả tiếng Anh, tiếng Pháp lẫn tiếng Tàu, ông từng có thời làm Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng. Năm 1959 trên đường công tác ở Phước Vinh, Châu Thành, Hai Khuynh bị bọn dân vệ rượt bắn bị thương và bị bắt đưa về giam ở Khám đường Tây Ninh, ngay phía sau Toà soạn Báo Tây Ninh ngày nay.

Ở Khám đường Tây Ninh, Hai Khuynh bị giam chung với ông Ba Thưa tức Dương Văn Thưa- Bí thư Huyện uỷ Gò Dầu, cũng là người phụ trách giao liên của Tỉnh uỷ. Trong nhà tù ông Ba Thưa vẫn giữ mối liên lạc với Tỉnh uỷ. Nhờ vậy Tỉnh uỷ biết được và thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, gửi quà cho các đồng chí bị bắt, thông qua thân nhân của họ được vào thăm nuôi. Tỉnh uỷ động viên anh em giữ vững khí tiết qua những bức mật thư, hoặc những lời nhắn gửi bằng tiếng lóng, đại thể là: Ông bà nội, ngoại nhắn thăm, ráng “giữ gìn sức khoẻ”, “dù đói thế nào cũng ráng chịu”, ông bà sẽ gửi cho bánh trái, chiếu mền… vv…vv…

Một thời gian sau, ông Hai Khuynh bị đưa về khám Chí Hoà ở Sài Gòn. Trong thời gian này Hai Khuynh tham gia Đảng uỷ nhà lao cùng với các ông Tám Ký (Nguyễn Xuân Ký, nguyên Tỉnh uỷ viên Mỹ Tho), Tư Thuật (nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định) cùng nhiều đồng chí khác. Biết mình sắp bị đày ra Côn Đảo, Hai Khuynh bàn với Tám Ký tìm cách liên lạc với Trung ương Cục để xin ý kiến chỉ đạo hoạt động đấu tranh trong nhà tù.

Con đường móc nối vẫn là qua liên lạc thăm nuôi. Lúc này có anh Huỳnh Văn Lanh, nguyên là Đội trưởng Đội bảo vệ Tỉnh uỷ Tây Ninh thường được gia đình thăm nuôi. Anh em viết thư bằng tiếng lóng, viết bằng nước cơm trên những mảnh giấy thật mỏng, vo tròn, nhét vào gấu áo để qua mắt bọn cai ngục. Một lần vợ Huỳnh Văn Lanh vào thăm nuôi chồng đã chuyển được về tới Tỉnh uỷ một bức mật thư của anh em ở Chí Hoà. Tỉnh uỷ nhận và hứa báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên.

Khoảng năm 1961, có một phụ nữ nhờ vợ anh Lanh đưa đến gặp tôi (chú Bảy Hải). Đó là chị Lê Thị Lan, thường gọi là Út Lan, cán bộ Ban Binh vận miền Đông, chính là vợ của Hai Khuynh. Chị Lan đưa cho tôi bức thư của Hai Khuynh nhờ chuyển về Trung ương Cục. Tôi lập tức báo cáo về trên. Đồng chí Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) rất quan tâm chuyện này và giao cho tôi tổ chức đường dây liên lạc với anh em tù chính trị Côn Đảo. Lúc này Hai Khuynh đã bị đày ra Côn Đảo. Đồng chí Mười Cúc chỉ giao việc này cho tôi và dặn dò tôi phải hết sức bí mật để bảo vệ, duy trì đường dây liên lạc, đồng thời bảo vệ anh em ngoài đảo không để bị địch phát hiện, đàn áp, triệt phá đường dây.

Nhận nhiệm vụ của lãnh đạo Trung ương Cục giao, tôi trực tiếp giao nhiệm vụ đặc biệt này cho anh Phạm Hà, cán bộ Ban An ninh tỉnh. Trước đó Phạm Hà đã phụ trách đường dây liên lạc với Ba Thưa và nhiều anh em bị giam ở Khám đường Tây Ninh. Đối với chị Út Lan, tôi truyền đạt chỉ đạo của trên, giao nhiệm vụ cho chị làm đầu mối giao liên tại Sài Gòn để nhận thư từ Côn Đảo gửi về.

Mỗi khi lên Tây Ninh, Út Lan ở nhà người bà con, là cơ sở ở Long Hoa. Cơ sở này là chức sắc cao cấp trong đạo Cao Đài, một vị nữ Phối sư. Để thiết lập “đầu dây” của mình, chị Út Lan đưa lên Tây Ninh một người cháu của chị là sinh viên đang theo học ở Sài Gòn có tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh, đang có nguy cơ bị lộ, bị bắt lính. Đó là anh Lâm Minh Trung (Năm Trung), sau này là Giám đốc Công an Tây Ninh, rồi làm Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Công an, cấp bậc Thiếu tướng.

Tôi đưa Năm Trung vào làm thư ký cho anh Tô Lâm, Trưởng Ban An ninh tỉnh. Từ đó Năm Trung là một “mắt xích” trong đường dây, có nhiệm vụ liên lạc với chị Út Lan để chuyển thư của Trung ương Cục, của Tỉnh uỷ Tây Ninh ra Côn Đảo và nhận tài liệu, thư từ, báo cáo của anh em từ Côn Đảo gửi về…”.

Về phía đầu dây ở Côn Đảo, chú Bảy Hải cho biết thêm: Sau khi bị giam ở Khám đường Tây Ninh và nhà lao Chí Hoà, nhóm Hai Khuynh, Tám Ký bị Mỹ - Diệm đày ra Côn Đảo, anh em tù chính trị Tây Ninh cũng bị ra đảo khá nhiều. Trong nội bộ kẻ địch, chúng cũng thường xuyên luân chuyển các cai ngục qua các “trung tâm cải huấn” trong nội địa, cũng như từ đất liền ra hải đảo. Với việc làm này kẻ địch tận dụng được “năng lực, kinh nghiệm nghiệp vụ” tra khảo, đàn áp người tù của các cai ngục nhưng đây cũng chính là kẽ hở để anh em chính trị phạm khai thác, làm công tác binh vận, có lợi cho cách mạng. Điển hình trong hoạt động này chính là ông Dương Văn Thưa, đã cảm hoá được giám thị Nguyễn Văn Thượng tại Khám đường Tây Ninh.

Khi các ông Hai Khuynh, Ba Thưa bị đày ra Côn Đảo, thì giám thị Thượng cũng thuyên chuyển ra đảo làm giám thị chủ sở chăn nuôi trên núi Chúa. Đây là một trong những sở khổ sai được tổ chức để khai thác lao động khổ sai của tù nhân, tạo ra của cải vật chất cho bọn chúa đảo.

Ra đảo, Hai Khuynh được Nguyễn Văn Bửu, nguyên là cán bộ Ban Binh vận tỉnh Tây Ninh móc nối, vận động được ra dạy học cho con giám thị Thượng. Tù nhân được làm như vậy là do bọn chúa đảo có chế độ ưu đãi giám thị từ đất liền ra- giám thị được phép sử dụng lao động khổ sai để phục dịch gia đình họ. Mỗi giám thị được dùng một, hai công tù, các giám thị trưởng, chủ sở được sử dụng tới ba, bốn công tù, riêng chúa đảo thì cả chục.

Một kẽ hở khác là bọn cai ngục thường dùng tù thường phạm làm trật tự trại giam, còn công tù tư gia thì chúng thích dùng chính trị phạm, vì chính trị phạm có nhân cách, có văn hoá, không “xấu tính” như tù thường phạm. Những chính trị phạm gốc nhà giáo như Hai Khuynh thường được chọn làm “gia sư” cho các gia đình công chức, sĩ quan, giám thị ở đảo.

Tù chính trị cũng tận dụng cơ hội đó để tranh thủ làm công tác địch vận, tác động cảm hoá kẻ gác ngục và cả gia đình họ, để họ bớt hung hăng, trấn áp tù nhân, cũng như lợi dụng quan hệ của họ để phục vụ đường dây liên lạc về đất liền.

Khuôn viên di tích Khám đường Tây Ninh đang được trùng tu, tôn tạo

Khi đã làm thân với gia đình giám thị Thượng, vốn đã được Ba Thưa cảm hoá từ hồi còn ở Khám đường Tây Ninh, Hai Khuynh nhờ ông ta chuyển một bức thư về cho vợ mình là bà Lê Thị Lan. Thư được nguỵ trang với nội dung thăm gia đình, chính là bức thư bà Út Lan nhờ chú Bảy Hải chuyển về Trung ương Cục. Sau đó đến khoảng tháng 11 năm 1963, bản báo cáo đầu tiên được bà Út Lan chuyển qua cho Năm Trung đến Ban An ninh Tây Ninh, mật danh là C.155, được lãnh đạo C.155 là chú Bảy Hải đánh số 303/VF, ngày 27.11.1963 gửi Trung ương Cục, cho biết “đường dây” đã liên hệ được với “ông Năm” (giám thị Nguyễn Văn Thượng), thu thập được những tài liệu đáng tin cậy về tổ chức hành chính, quân sự, bố phòng của địch qua sơ đồ Côn Đảo cũng như tình hình giam giữ và hoạt động của tù nhân… trong đó nêu rõ toàn đảo có bao nhiêu tù nhân, bao nhiêu án tử hình, án tù chung thân, bao nhiêu người bị cấm cố, bao nhiêu lao động khổ sai…

Đặc biệt, báo cáo nhấn mạnh tinh thần chính trị phạm rất vững vàng, đấu tranh quyết liệt, có sự lãnh đạo chặt chẽ của tổ chức Đảng trong nhà tù. Tiếp theo đó là những báo cáo thường xuyên gửi về Tỉnh uỷ Tây Ninh, Trung ương Cục miền Nam, nêu rất chi tiết hoạt động đàn áp của kẻ địch, chế độ lao tù hà khắc, tàn bạo của kẻ thù, hoạt động đấu tranh của tù nhân… những báo cáo này chính là tài liệu rất thuyết phục để lực lượng cách mạng miền Nam đấu tranh với kẻ thù trên bàn hội đàm Paris cũng như công bố, lên án kẻ địch trước công luận quốc tế.

Hoạt động của “Đường dây Côn Đảo” suốt cuộc trường chinh chống Mỹ là những trang sử vẻ vang của di tích quốc gia đặc biệt Côn Đảo. Ở đây người viết bài này chỉ muốn nêu lên sự kiện bắt nguồn của “đường dây” từ “Khám đường Tây Ninh”, một di tích của tỉnh đang được trùng tu và sẽ hoàn thành trong nay mai giữa lòng thị xã Tây Ninh sắp lên thành phố.

Hy vọng những thông tin ban đầu này sẽ được cơ quan chức năng quản lý di tích quan tâm tổ chức khai thác, bổ sung vào lý lịch di tích. Việc làm đầy ý nghĩa này cho đến nay vẫn chưa muộn, vì một “mắt xích” quan trọng trong đường dây này ở đầu dây Tây Ninh- Thiếu tướng Lâm Minh Trung hiện nay vẫn còn sống và là nhà làm sử của ngành Công an.

Từ đầu mối này, cơ quan quản lý di tích sẽ không khó tìm ra những nhân chứng lịch sử khác để hoàn chỉnh bản lý lịch đầy đủ cho di tích “Khám đường Tây Ninh” và có động thái phù hợp để nâng cấp di tích cho đúng với tầm vóc, ý nghĩa của nó.

NGUYỄN TẤN HÙNG