BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhanh chóng sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân 

Cập nhật ngày: 16/07/2024 - 09:06

Luật Thuế thu nhập cá nhân được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21/11/2007 đến nay đã được sửa đổi 3 lần. Tuy nhiên trên thực tế, một số quy định của Luật không còn phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt là mức giảm trừ gia cảnh và người phụ thuộc khi xác định thuế Thu nhập cá nhân đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Và để hiểu rõ hơn về những bất cập xoay quanh vấn đề này, đâu là giải pháp để khắc phục trong thời gian tới, Cổng thông tin điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Nhanh chóng sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân” với 2 khách mời: GS.TS Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội; PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế.

Phóng viên (PV): Câu hỏi đầu tiên xin được dành cho GS.TS Hoàng Văn Cường. Thưa ông, Luật Thuế thu nhập cá nhân được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21/11/2007 và đến nay đã được sửa đổi 3 lần. Tuy nhiên, nhiều cử tri cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh, nhất là mức giảm trừ đối với người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/người/tháng là quá lạc hậu, cần được Quốc hội xem xét sửa đổi sớm. Ông có ý kiến gì về đề xuất này?

GS.TS Hoàng Văn Cường: Chúng ta phải thấy rằng mục tiêu của thuế thu nhập cá nhân là để nhằm điều hòa thu nhập giữa những người có thu nhập cao với những người có thu nhập thấp. Và chính sách điều hòa này cũng nhằm thúc đẩy việc tạo ra tiền thu nhập, rồi mang tiền đó vào tiêu dùng. Người nào tạo ra thu nhập, rồi có thu nhập cao, tiêu dùng không hết, phần dư ra thì sẽ thuộc đối tượng phải chịu điều tiết. Mục tiêu để khuyến khích tăng tiêu dùng lên; thứ hai là dùng phần điều tiết thuế đấy để đưa vào trong ngân sách bù trừ cho các hoạt động xã hội khác. Bởi vì nếu chúng ta cứ sản xuất xong rồi tiền lại tích trữ lại, không tiêu dùng, thì sau đó xã hội cũng không phát triển được. Do đó, mục tiêu cơ bản của thuế thu nhập cá nhân là để điều tiết, điều chỉnh, điều hòa giữa những người có thu nhập cao với những nhóm thu nhập thấp.

Mặc dù thuế thu nhập nhân đã qua 3 lần điều chỉnh, và chúng ta đã nâng được mức khởi điểm của đối tượng chịu thuế lên 11 triệu đồng. Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh của người phụ thuộc đang khoảng 4,4 triệu đồng/người. Chúng ta thấy rằng có nhiều yếu tố để thấy mức này chưa phù hợp. Vì thu nhập bình quân đầu người cả nước hiện nay là hơn 4,6 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, mức tiêu dùng ở mỗi vùng là khác nhau, chẳng hạn như thành phố với vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, trong những năm qua, chúng ta đã phải kìm chế qua thời kỳ hậu COVID-19. Rất nhiều những hoạt động về giá cả phải kìm lại không tăng lên, ví dụ y tế, giáo dục, điện… thì đến lúc này chúng ta bắt đầu phải có sự điều chỉnh để đảm bảo hoạt động bình thường của xã hội. Nếu như ở khu vực thành phố, một đứa con đi học rõ ràng với mức giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng thì chưa đủ trang trải cho đứa trẻ đó. Rõ ràng, mức này là không hợp lý. Vì thế, rất nhiều ý kiến cho rằng đã đến thời điểm phải xem, điều chỉnh lại mức thu nhập cá nhân.

Thêm vào đấy, Quốc hội vừa mới thông qua điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm 30% với mong muốn thu nhập đời sống tăng lên. Như vậy, mức lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng thì đương nhiên thu nhập của nhiều người tăng lên và mức chi tiêu cũng phải tăng theo. Thế nhưng bây giờ phần thu nhập tăng lên đó sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân, như vậy vô hình chung việc tăng lương sẽ giảm ý nghĩa.


Quang cảnh buổi tọa đàm.

PV: Thưa PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nguyên tắc cốt lõi của thuế Thu nhập cá nhân là thu của người có thu nhập cao nhưng vẫn khuyến khích họ làm giàu và bảo đảm tính công bằng giữa các đối tượng chịu thuế. Vậy với 7 bậc thuế suất như hiện nay thì nguyên tắc này đã phù hợp chưa, thưa ông?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Trước hết, chúng ta biết thuế thu nhập cá nhân là thuế mà người ta đánh vào những người có thu nhập trên mức tiêu dùng trung bình. Và vì thế cho nên tùy theo từng quốc gia người ta có những cách tính toán đánh thuế thu nhập khác nhau. Có những quốc gia như Mỹ chẳng hạn, người ta đánh thuế dựa trên cơ sở lấy thu nhập trừ đi chi tiêu hợp lý, kể cả các chi tiêu về đào tạo, về nâng cao kỹ năng lao động cũng như là các chi tiêu khác. Như vậy nếu mà những người có thu nhập đi mua ô tô, mua nhà, mua đồ tiêu dùng... để sử dụng trong đời sống thì có nghĩa là họ càng ít phải nộp thuế. Và cũng theo nguyên tắc nộp thuế này nó khuyến khích các cá nhân phát huy hết năng lực, tài năng của mình cống hiến nhiều nhất cho xã hội. Cho nên ở một số bang của nước Mỹ thì có thuế thu nhập cá nhân lũy thoái, tức là nó lên đến một mức nhất định là thuế rất cao nhưng sau đó thì vượt khỏi mức đó thì lập tức thuế bắt đầu giảm và giảm tương đối nhanh. Ở Mỹ người ta nói rằng đó là khuyến khích những người tài, những người mà có thu nhập rất cao, những người đã đầu tư cho quá trình sản xuất kinh doanh và cả quá trình nâng cao năng lực, để từ đó những người tài tạo ra công ăn việc làm, tạo ra đóng góp cho xã hội lớn hơn.

Còn hầu hết các quốc gia thì đánh thuế theo lũy tiến. Ví dụ như Việt Nam là 7 bậc thuế suất, Trung Quốc là 9 bậc và một số quốc gia khác sẽ đánh những mức thấp hơn. Tuy nhiên chúng ta biết rằng, thuế thu nhập của chúng ta từ năm 2009 bắt đầu đi vào thực tiễn đến nay được gần 15 năm. Mặc dù chúng ta đã 3 lần sửa thuế, nhưng chỉ là sửa mức thuế, còn nội dung cơ bản thì gần như không sửa.

Hiện nay, mức thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam với đỉnh 35%, nếu so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á thì cũng thuộc diện cao. Nếu so với Singapore thì người ta cũng chỉ đánh thuế đến 22%; Indonesia đánh thuế đến 25-27%; Malaysia là 27%, thì như vậy với mức thuế suất đỉnh 35% thì tôi cho rằng là mức cao ngang bằng với những nước phát triển hơn mình. Thêm nữa chúng ta chia thành 7 bậc thuế, nó vừa phức tạp, lại không tạo ra được khoảng cách phù hợp. Vì vậy, theo quan điểm của tôi cần phải nghiên cứu độ giãn cách phù hợp với mức thu nhập hiện nay; phù hợp với bối cảnh chung khi mà các loại thuế không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới đang có chiều hướng hạ dần.


GS.TS Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội Đoàn ĐBQH TP Hà Nội.

PV: Thưa 2 vị khách mời, theo luật hiện hành, khi CPI biến động trên 20% thì các cơ quan chức năng mới có cơ sở để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm trừ gia cảnh. Vậy theo GS.TS Hoàng Văn Cường có nên quy định “cứng” như vậy trong Luật hay không?

GS.TS Hoàng Văn Cường: Trước hết thì tôi cho rằng việc quy định như này là rất tốt. Nó có cơ sở để chúng ta sẽ ra những biện pháp gọi là tức thời không cần phải chờ Quốc hội họp. Nếu chúng ta không đưa ra một quy định giao quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì giả sử là giá cả trên thị trường biến động cao, ảnh hưởng ngay đến đời sống thì chúng ta hoặc là triệu tập họp Quốc hội bất thường, hoặc là phải chờ đến kỳ họp Quốc hội tiếp theo mới điều chỉnh được. Còn đây, khi chúng ta đưa vào luật quy định như trên thì nghĩa là khi CPI tăng nhanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có biện pháp tức thời, ứng phó ngay không phải chờ đến kỳ họp Quốc hội tiếp theo để có thể điều chỉnh giảm trừ gia cảnh. Tôi cho rằng đây là quy định phù hợp. Chỉ có điều, xác định ngưỡng biến động CPI là 20% hay chỉ là ngưỡng tăng 10% hay 15% là chúng ta phải điều chỉnh được rồi thì việc này cũng cần phải bàn để có được cách thức ứng xử phù hợp, để đảm bảo đời sống của người dân không bị ảnh hưởng.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Theo tôi quy định khi nào CPI biến động trên 20% thì mới xem xét điều chỉnh mức thu nhập chịu thuế là vô lý. Bởi vì, mức ngưỡng chịu thuế không chỉ có lạm phát tác động. Vấn đề lạm phát chỉ là một phần thôi. Còn rõ ràng, đời sống của người dân ngày một nâng lên, mức sống bình thường của người dân cũng nâng lên, thì chúng ta phải lấy mức sống bình thường và trên mức sống bình thường mới đánh thuế thu nhập.

Theo quan điểm của tôi không cần quy định ngưỡng CPI biến động trên 20% thì mới xem xét điều chỉnh mức đóng thuế thu nhập cá nhân. Vì lạm phát 5% của năm nay khác với lạm phát 5% của năm sau, không đồng mẫu. Do vậy, nếu cộng với nhau là điều vô lý. Nên chúng ta có thể đặt ra 2 năm xem xét lại một lần.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế.

PV: Từ ngày 1/7/2024 chính thức tăng lương cơ sở. Nhiều người dân cho rằng chưa kịp mừng vì được tăng lương, thì đã phải xác định tiếp tục “còng lưng” đóng thuế thu nhập cá nhân. Vậy theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chúng ta cần nâng mức giảm trừ gia cảnh lên con số bao nhiêu là hợp lý?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Trước hết, có thể thấy đây là lần tăng lương cơ sở cao đến 30% trong nhiều lần tăng vừa rồi. Và người lao động rất trông chờ khi lương tăng lên, thu nhập cao hơn thì đời sống sẽ được nâng lên. Thế nhưng đồng thời việc đó là chúng ta thấy rằng, một loạt cá nhân trước đây thu nhập khoảng 8-9 triệu đồng/tháng, sau khi tăng thêm 30% sẽ lọt vào top phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Đương nhiên những người đó cảm thấy vừa mừng cũng vừa lo. Mừng là vì lần đầu tiên được đóng thuế thu nhập cá nhân cho nhà nước. Nhưng mà lo là không biết là mình đóng bao nhiêu và rồi cuộc sống của mình có được cải thiện nhiều hay không. Tôi cho rằng, việc chúng ta phải chỉnh sửa ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân là cần thiết.

Đã có nhiều chuyên gia đề nghị cần xem xét đóng thuế thu nhập cá nhân theo vùng miền. Vì hiện nay chúng ta đang có 6 vùng. Mỗi vùng có mức thu nhập khác nhau, chi tiêu khác nhau. Giá cả ở các vùng đó cũng khác nhau. Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2023, thì mức chênh lệch thu nhập giữa khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn khoảng 1,34  lần.

Do vậy, nếu có thể thay đổi được ngưỡng chịu thế theo vùng thì là một việc tốt. Và đương nhiên với mức chi tiêu của một hộ gia đình ở thành phố Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh thì ngưỡng chịu thuế bản thân có thể nâng lên khoảng 16-18 triệu đồng. Và mức giảm trừ cho người phụ thuộc có thể nâng lên khoảng 6-8 triệu đồng. Thì mới có thể đảm bảo nuôi được một người con hay là một người bố mẹ già mà có thể có được mức sống gọi là trung bình. Tất nhiên, muốn có cơ sở để thay đổi ngưỡng chịu thuế thì cần phải có thống kê, tính toán đầy đủ của các cơ quan quản lý, để từ đó có thể thay đổi ngưỡng chịu thuế cho phù hợp.

Muốn có cơ sở để thay đổi ngưỡng chịu thuế thì cần phải có thống kê, tính toán đầy đủ của các cơ quan quản lý, để từ đó có thể thay đổi cho phù hợp. Ảnh: TL

PV: Thưa GS.TS Hoàng Văn Cường, như Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh vừa chia sẻ thì rõ ràng để đưa ra được 1 con số hợp lý về mức giảm trừ gia cảnh trong thực tế là điều không dễ. Trong đó, chúng ta cần cân nhắc thêm những yếu tố khác nhau. Vậy theo ông, cần phải sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng nào để có thể hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan?

GS.TS Hoàng Văn Cường: Như chúng ta đã trao đổi, thì xác định ngưỡng chịu thuế là rất quan trọng, bởi vì nó tác động 2 phía, để làm sao đối tượng chịu thuế khi phải đóng thuế không bị ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống bình thường. Và phần còn lại tích lũy người ta phải có nhiệm vụ đóng góp cho Nhà nước. Đồng thời, phải thúc đẩy người ta sản xuất nhiều hơn, thu nhập nhiều hơn, khuyến khích tiêu dùng.

Sửa luật là phải hướng tới mục tiêu khuyến khích tiêu dùng hơn là chỉ bỏ tiền vào túi hoặc là dùng đầu tư; kích thích tạo ra thu nhập. Thêm nữa, mức chịu thuế tác động ngay đến cơ quan quản lý. Chúng ta có được nguồn thu thỏa đáng, để dùng nó điều tiết, điều chỉnh cung cấp các dịch vụ xã hội cho những người thu nhập thấp.

Tôi cho rằng, việc xác định ngưỡng chịu thuế là bao nhiêu là tương đối khó. Theo tôi phải dựa vào mức sống trung bình tiên tiến, tức là không thể cộng người đóng thuế thấp và cao rồi chia ra mức đóng thuế. Vì như vậy sẽ xảy ra nhiều người thu nhập mức trung bình đã phải đóng thuế rồi.

Tôi cho rằng, cũng có thể tính đến mức chịu thuế theo vùng, miền để đảm bảo công bằng. Tuy nhiên thì thuế là đảm bảo công bằng cho sự phát triển, kể cả những người sống ở vùng mức sống thấp, hay nơi mức sống cao thì cũng nên có sự điều tiết chung như nhau. Vì không nên “cản trở” những người sống ở vùng có mức sống thấp đó được chi tiêu cao hơn, thậm chí người ta còn muốn hướng đến được sống mức dịch vụ cao cấp hơn, để thúc đẩy yếu tố phát triển. Hơn nữa, để làm sao những người có thu nhập chưa phải đóng thuế sẽ vươn lên đạt được mức thu nhập đóng thuế, và người ta thấy tự hào, thỏa mãn.

Ngoài ra, nên bổ sung thêm không chỉ được giảm trừ gia cảnh mà cần phải có thêm giảm trừ chi tiêu hợp lý mà bản thân chứng minh được.


Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân đang là vấn đề cấp bách hiện nay.

PV: Một số chuyên gia cho rằng, nhiều người dân sẽ phải chịu cảnh thu nhập không đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu, thậm chí thu nhập thấp mà vẫn phải đóng thuế. Theo quan điểm của 2 vị khách mời, việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân đã là vấn đề cấp bách hiện nay chưa? Trước hết xin được mời chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Như chúng tôi cũng đã nhiều lần nói, thuế phải có tác động khuyến khích hoạt động kinh tế và an sinh xã hội. Đặc biệt là phải làm thế nào để người đóng thuế cảm thấy tự hào với việc được đóng thuế. Người ta thấy việc đóng thuế là rất đúng, rất xứng đáng, thậm chí, người ta sẵn sàng tự tính, tự kê khai, tự đóng thuế. Thì việc đó mới là điều chúng ta mong muốn. Do đó, việc phải sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân đã “nóng” mấy năm nay nay rồi, và cần được đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội.

Từ việc xem xét lại các loại thuế đóng, mức nó thế nào như: thuế kinh doanh về bất động sản, kinh doanh về chứng khoán hay là các loại thuế về chuyển nhượng tài sản hay các loại thuế có liên quan đến thu nhập của một cá nhân. Cho đến ngưỡng chịu thuế, rồi các bậc thuế, chúng ta cũng nên tính toán cho nó phù hợp.

Và theo tôi thì bậc thuế có thể điều chỉnh không phải là 5 triệu đồng nữa, mà là dưới 15 triệu đồng có thể mức thuế là 5%. Từ 15 đến 30 triệu đồng chẳng hạn, thì có thể là 10%. Từ 30 đến 50 triệu đồng, mức thuế là 15%. 50 đến 80 triệu đồng chẳng hạn, thì cái mức thuế có thể là 20%. Trên 80 triệu đồng thì có mức thuế 25%, và như thế là 25% là cao nhất. Như vậy là nên chia thành 5 bậc.

Đối với những khoản thu nhập vãng lai, thì trong luật thuế đang quy định là 2 triệu đồng phải tính thuế 10%. Và như vậy là rõ ràng nếu mức như thế thì nó quá thấp so với thu nhập như hiện nay, không đáng phải tính thuế. Do đó, chúng ta cũng cần phải thay thế quy định thu nhập vãng lại.

Tôi đồng tình với ý kiến của ông Hoàng Văn Cường, cần phải xem lại giảm trừ trong thu nhập cá nhân. Giống như nhiều quốc gia, nếu như những khoản chi tiêu hợp lý có thể phát sinh đột suất như ốm đau, bệnh tật, rồi chi cho đầu tư… thì chúng ta nên trừ nó khỏi thu nhập chịu thuế. Vì những cái đó là thực tế người ta đã chi tiêu. Hoặc là người ta đầu tư để mà phát triển kinh tế - xã hội. Thì rõ ràng chúng ta cũng nên có những cái biện pháp cho nó phù hợp.

GS.TS Hoàng Văn Cường: Như chúng ta đều nói rằng Luật huế thu nhập cá nhân nhằm điều tiết được thu nhập của người có thu nhập cao, đặc biệt là thu nhập cao bất thường. Thực tế hiện nay chưa điều tiết được việc đó. Tôi nói ví dụ, những người đầu tư đất đai, hôm nay người ta mua được mảnh đất 1 tỷ đồng, vài tháng sau nhà nước mở đường, giá đất tăng lên 4-5 tỷ đồng, người ta bán và nộp thuế, giống như người bán đất không tăng đồng nào. Và toàn bộ những giá trị gia tăng do nhà nước mở đường, do nhà nước quy hoạch sẽ rơi hết vào túi người đầu tư đất. Do vậy, thuế thu nhập cá nhân phải quy định như thế nào đó để chúng ta đánh được hết các khoản thu nhập bất thường, những khoản thu nhập cần phải điều chỉnh.

Việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân đúng là cấp bách, nhưng thực sự ý nghĩa của việc sửa thuế là làm sao điều tiết được các nguồn thu nhập một cách công bằng. Do vậy việc sửa Luật thuế phải sửa một cách rất căn cơ. Đặc biệt là chúng ta đang đặt nó trong chương trình về cải cách cả hệ thống thuế. Và các loại thuế phải có chính tương hỗ với nhau. Tuy nhiên, chúng ta có thể điều chỉnh được ngay như mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc 4,4 triệu đồng là quá lạc hậu. Nó không còn phù hợp. Có thể điều chỉnh bằng một Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội, thì chúng ta có thể ngay lập tức điều chỉnh việc đó. Việc này không mất nhiều thời gian, không phải tranh luận nhiều.

Và có thể giải quyết được ngay những vấn đề cấp bách. Nhưng tôi cho rằng, chúng ta phải kết hợp các giải pháp tức thời, ngắn hạn và cả những giải pháp căn cơ để Luật thuế thu nhập cá nhân khi sửa đổi sẽ phát huy đúng bản chất của nó.

PV: Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời!

Nguồn dangcongsan