BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhập hạ - nét văn hoá độc đáo của người Khmer Tây Ninh 

Cập nhật ngày: 10/08/2023 - 23:48

BTN - Để thực hiện lễ Nhập hạ tại các chùa, bà con phật tử các nơi phải chuẩn bị nhiều thứ như cơm, nước uống, thuốc men, đồ lễ và đèn cầy từ những ngày trước.

Múa chào mừng nghi lễ nhập hạ.

Trong một năm, bà con dân tộc Khmer Tây Ninh có nhiều nghi lễ khác nhau mang tính truyền thống trải dài từ đầu mùa vụ mới cho đến khi kết thúc mùa vụ. Hầu hết các nghi lễ đều gắn liền với văn hoá Phật giáo. Và một trong những nét đặc sắc, quan trọng bậc nhất của các sư sãi cùng bà con phật tử đó là lễ Nhập hạ, hay còn gọi là mùa An cư kiết hạ.

Theo tinh thần của Phật giáo nguyên thuỷ (Theravada), lễ Nhập hạ chính thức bắt đầu vào ngày 16.6 âm lịch. Lễ này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự tu tập của các sư sãi và người dân Khmer. Mùa Nhập hạ vừa đánh dấu mốc tuổi hạ của sư sãi vừa tạo thời gian để các sư sãi chuyên tâm học đạo, trau dồi Phật pháp và tự vấn bản thân trong quá trình tu hành. Và thời gian này cũng tạo điều kiện cho người dân chuyên tâm trong công việc lao động sản xuất.

Nguồn gốc của lễ Nhập hạ có từ thời Đức Phật còn tại thế. Trong tiếng Pali, Vassa là mưa, mùa mưa, còn Vàsa là cư trú. Vassavàsa có nghĩa là An cư mùa mưa hay còn gọi là Nhập hạ. Tức là các chư tăng sư sãi phải dừng vân du, đình trú trong nơi tu hành và không đi ra khỏi chỗ ấy trong vòng ba tháng, trừ khi có những việc hết sức cần thiết. Trong thời gian Nhập hạ, các sư tăng cùng hội hiệp với nhau nghiên cứu Tam tạng pháp bảo, thiền định và thực hiện Lục hoà- tức là giúp đỡ, khuyên bảo lẫn nhau, ôn hoà không tranh cãi, cùng chia sẻ sự hiểu biết, nghiêm trì giới luật và đồng hưởng vật thực cúng dường.

Tây Ninh hiện có 6 ngôi chùa Nam tông Khmer gắn liền với các khu vực có đông bà con Khmer sinh sống ở các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành và thành phố Tây Ninh. Để thực hiện lễ Nhập hạ tại các chùa, bà con phật tử các nơi phải chuẩn bị nhiều thứ như cơm, nước uống, thuốc men, đồ lễ và đèn cầy từ những ngày trước.

Lễ Nhập hạ thường diễn ra trong hai ngày. Ngày thứ nhất (15.6 âm lịch), khoảng 19 giờ, các phật tử Khmer đem hoa, lễ vật đến chùa làm lễ đọc kinh và cầu phước, quyên tiền giúp đỡ nhà chùa dưới sự hướng dẫn của vị Achar. Sau đó sư sãi tụng kinh, chúc phúc và cầu siêu. Trong các vật lễ cúng dường ngày Nhập hạ không thể thiếu đèn cầy. Các phật tử dâng đèn cầy đến chùa để thắp liên tục ngày đêm trong ba tháng Nhập hạ. Đây là một nét truyền thống lâu đời của Phật giáo.

Như đã biết, trong giáo lý của nhà Phật có hai vấn đề tối quan trọng đi đến giải thoát mọi nỗi khổ niềm đau, đó là từ bi và trí tuệ. Chỉ có ánh sáng của trí tuệ mới xua đi bóng tối trong thân tâm của mỗi con người. Chỉ có ánh sáng của trí tuệ mới giúp con người soi xét chính mình mà xa lìa mọi xấu ác tham dục. Đèn cầy chính là biểu tượng của sự minh triết ấy.

Bên cạnh đó, cúng dường đèn cầy cũng là thông điệp gửi gắm sự mong cầu cho gia đình được giàu sang phú quý, yên vui, hạnh phúc ở kiếp này và cả kiếp sau. Biểu tượng ngọn đèn và ánh sáng phát ra từ nó chính là sự sáng suốt tinh thần để tránh đi những rủi ro, xui xẻo, từ đó công ăn việc làm, học tập được suôn sẻ tốt đẹp hơn là vậy.

Ngày thứ hai (16.6 âm lịch), các gia đình phật tử chuẩn bị vật phẩm làm lễ Đặt bát. Đúng 9 giờ 30 phút, các phật tử bắt đầu đem cơm, nước, gạo, bánh, trái cây… đến chùa dâng lên Đức Phật cùng sư sãi, với ý nguyện cầu siêu cho người quá cố trong thân tộc và cầu bình an, hạnh phúc cho gia đình mình; cầu cho người người nhà nhà trong làng xóm yên lành, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu.

Trong ngày thứ hai này, bà con phật tử vào chùa rất đông vì sau khi làm nghi lễ tụng kinh cầu an theo sự hướng dẫn của vị Achar, bà con tiếp tục nghe sư sãi tụng kinh cầu an, cầu siêu và thuyết pháp độ sinh. Sau đó mọi người tập trung bên ngoài chùa với các đồ cúng trên tay cùng xem các em nhỏ múa chào lễ, rồi tất cả cùng hành lễ ba vòng xung quanh chánh điện.

Tiếp theo, họ dâng đèn cầy vào chánh điện và thắp sáng đèn cầy để làm lễ Nhập hạ. Xong thì làm lễ Đặt bát trước ngôi chánh điện để dâng cơm cho các sư, đồng thời mang cơm đến rải xung quanh các gốc cây trong chùa, coi như thí thực cho các vong hồn ma quỷ. Lễ Nhập hạ cơ bản là xong.

Kể từ sau lễ này, các sư sãi sẽ kiết hạ liên tục trong ba tháng. Ba tháng này tuyệt đối không được phạm giới luật, không được đi ra khỏi nơi an cư quá bảy ngày đêm. Nếu sư tăng nào đi xa quá bảy ngày đêm coi như phạm Tác ác và đứt hạ. Mùa An cư kiết hạ cũng là mùa mà thanh niên Khmer ở các nơi trở về chùa để tu học nhiều nhất.

Bởi thời gian này, họ có cơ hội học hỏi được nhiều điều về giáo lý, giáo luật từ các sư sãi. Đây là cơ hội rất tốt để các thanh thiếu niên rèn luyện bản thân, trau dồi nhiều đức tính tốt, trở thành người có ích cho xã hội.

Mùa An cư kiết hạ sẽ kết thúc vào ngày 15.9 âm lịch. Vào thời điểm này, bà con Khmer sẽ làm nghi lễ Xuất hạ và lễ thả đèn nước. Với ý nghĩa tưởng nhớ Đức Phật từ bi hộ trì cho vạn vật, thông qua lễ này, bà con tạ ơn Thần đất và Thần nước. Vì trong quá trình làm ăn sinh sống ít nhiều đã làm ô uế đến hai yếu tố tối quan trọng này.

Đó là một tư tưởng nhân văn cao cả, nhắc nhở mọi người phải bảo vệ môi trường. Có thể nói nghi lễ của An cư kiết hạ là sự tích hợp giữa văn hoá Phật giáo với văn hoá cổ truyền của dân tộc Khmer. Đây là nét độc đáo cần phải giữ gìn và phát huy giá trị.

Đào Thái Sơn