Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2022):
Nhật ký của một liệt sĩ: “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau” Bài 2: “Tình yêu của chúng ta dừng lại ở đây”
Thứ ba: 23:15 ngày 19/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tổng cộng chúng tôi đã bị địch bao vây suốt 15 ngày đêm, tôi nghĩ chẳng may mình hy sinh hoặc rơi vào tay giặc, cũng không có gì phải nuối tiếc, chỉ tiếc là mình không còn được phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân nữa.

Nữ chiến sĩ pháo binh Quân giải phóng Trảng Bàng (Tây Ninh) luyện tập, nâng cao kỹ thuật chiến đấu. (Ảnh tư liệu)

"Kể từ khi trốn nhà ra đi, đêm bên sông Sài Gòn là một đêm vô cùng gay go. Tổng cộng chúng tôi đã bị địch bao vây suốt 15 ngày đêm, tôi nghĩ chẳng may mình hy sinh hoặc rơi vào tay giặc, cũng không có gì phải nuối tiếc, chỉ tiếc là mình không còn được phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân nữa. Trong đầu tôi chợt xuất hiện hình ảnh người mẹ già, bà sẽ đau khổ biết bao khi biết rằng tôi đã hy sinh".

“Tôi đi đầu, đi được khoảng 20 mét thì nhìn thấy có một vật gì to, đen cứ lù lù tiến về phía chúng tôi, do trời quá tối nên đến khi chỉ còn cách 5 mét tôi mới phát hiện ra đó là chiếc xe bọc thép của địch. Tôi không hiểu sao chiếc xe không nhả đạn, nếu không tất cả chúng tôi đã lãnh trọn”.

18.3.1967.

Qua 1 năm 2 tháng 6 ngày tích cực huấn luyện và chiến đấu, hôm nay tôi vinh dự được kết nạp vào Đoàn Thanh niên. Lòng tôi vô cùng phấn khởi, bởi từ nay tôi được Đoàn, được Đảng, được tập thể dìu dắt. Lễ kết nạp Đoàn cho tôi diễn ra giản dị nhưng không kém phần trang trọng. Trong lời phát biểu cảm tưởng, tôi nói rằng mình sẽ đem tuổi thanh xuân để phục vụ nhân dân phục vụ Tổ quốc, dù phải hy sinh cũng vui lòng.

26.4.1967.

Tình hình chiến trường lúc này cực kỳ ác liệt. Chúng tôi được tin địch mở cuộc hành quân đánh phá vào khu căn cứ Bời Lời của ta. Được tin này toàn đơn vị chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Sáng sớm hôm sau địch cho dọn bãi để đổ quân. Các loại pháo của địch ở dưới mặt đất, bắn cấp tập rất ác liệt. Ba mươi phút sau chúng cho trực thăng đổ quân.

Tiếp đó, các loại phi cơ tối tân nhất thi nhau trút bom, bắn tên lửa xuống các khu rừng có căn cứ của ta. Ngày hôm sau, 27.4, địch cho từng mũi đánh thẳng vào căn cứ của ta, nhưng được nguỵ trang tốt đơn vị của tôi không bị địch phát hiện.

30.4.1967.

Bốn ngày sau trận càn của địch, tổ chiến đấu của chúng tôi mới bắt liên lạc được với đơn vị và được bố trí chuẩn bị vượt sông Sài Gòn. Chúng tôi được tin ngày mai 1.5, địch sẽ đánh phá vào sông Sài Gòn. Đêm trên sông Sài Gòn là đêm kỷ niệm sâu sắc mà tôi không bao giờ quên được, tôi gặp lại Hy, một người bạn rất thân của tôi. Suốt đêm không ngủ. Hy tâm sự với tôi: “Nếu tao chẳng may bị bắt, tao gặp thằng N thì tao sẽ chửi vào mặt nó”. (Có lẽ N là một người bạn nhưng nay đã ở bên kia chiến tuyến- NV).

Đến 3 giờ khuya, lệnh của thủ trưởng ban ra, trở về vị trí chiến đấu. Trong tích tắc, một bầy máy bay trực thăng ở đâu bay tới. Ba chiếc trực thăng phát loa kêu gọi chúng tôi đầu hàng. Đơn vị chúng tôi liên tục di chuyển để tránh lửa đạn của địch. Tôi khoát tay cho mọi người rút lui.

Ngay lúc ấy, địch cho thả pháo sáng, chiếc xe bọc thép bất ngờ bật pha đèn và tiến ra mé sông. Tình thế trở nên vô cùng nguy ngập. Cả tổ tôi phân tán mỗi người một nơi và tìm cách che giấu vũ khí. Tám giờ sáng ngày hôm sau, 1.5.1967, hai đồng chí trong đơn vị chúng tôi bị bắt sống (trong đó có Hy- người bạn thân của tôi).

Chuyện này mãi sau tôi mới biết. Còn trong đêm ấy tôi đã phải nằm ép mình từ 3 giờ sáng đến 4 giờ chiều cho đến khi địch rút đi. Tôi đi kiếm đồng đội nhưng không hề thấy một ai xung quanh tôi. Tôi vô cùng lo lắng khi biết hai đồng chí của tôi bị bắt và bị tra tấn vô cùng dã man. Súng của tôi cũng sắp hết đạn, toàn bộ chỉ còn 18 viên.

25.9.1967.

Tôi được lệnh chuẩn bị đi công tác xa. Trong khoảnh khắc bình yên tôi đã nhớ đến em. Tôi viết cho em một bức thư tạm biệt dài bốn trang, tôi nói với em rằng có thể tình yêu của chúng ta phải chấm dứt ở đây, tôi buồn lắm. Nhưng Tổ quốc trên hết.

27.9.1967.

Mười giờ trưa hôm nay tất cả chúng tôi được lệnh chuẩn bị lên đường đi tiền phương để xây dựng căn cứ. Lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất lầy lội này, lần đầu tiên tôi gặp người Campuchia. Đất đai ở đây có những cánh đồng rộng bao la. Khi mùa mưa về, cá ở những cánh đồng nhiều vô kể. Nhưng ở đây cũng rất nhiều muỗi. Tôi bị ngay một trận sốt rét phải nằm viện gần một tháng.

17.12.1967.

Tôi được lệnh trở về quê chuyển đồ sang cho đơn vị. Được trở về quê hương càng thấy thú vị vô cùng. Xa mảnh đất Bời Lời không lâu lắm nhưng cảm thấy nhớ nhiều. Trước mắt tôi là những cánh rừng xơ xác vì bom đạn, tôi không còn hình dung ra nữa, trong lòng vừa cảm thấy bùi ngùi yêu quê, vừa cảm thấy căm thù.

1.1.1968.

Tất cả được lệnh xuống đường chuẩn bị tổng tấn công. Mấy hôm nay tiếng súng nổ khắp nơi, bắt đầu tấn công địch. Trước khi xung trận, đồng chí tỉnh đội phó nói chuyện với chúng tôi rằng thời cơ ngàn năm có một, do đó chần chừ là suốt đời ân hận. Tất cả chúng ta hãy nỗ lực hăng hái tiến lên.

Được tin sắp tiến công lòng tôi như mở cờ, phấn khởi, nôn nao, trông đợi từng giờ từng phút để được nổ súng. Tôi ao ước sao được đánh vào thị xã Tây Ninh - mảnh đất thân yêu của quê tôi đang bị địch chiếm đóng. Thế rồi ngày tháng trôi qua, quân ta tổ chức 2 đợt tấn công vào thị xã: Pháo kích thành Nguyễn Huệ và đánh thẳng vào quận Phú Khương.

Thật may mắn là cả hai đợt tấn công đó tôi đều có mặt. Bao ngày đêm hành quân liên tục rất vất vả. Trước khi hành quân, người lính chúng tôi hầu như thức đêm. Thức ăn mà chúng tôi cần nhất trên đường hành quân để giữ gìn sức chính là muối. Gian khổ vô cùng nhưng cũng cảm thấy vinh quang vì mình cũng góp phần vào cuộc tổng tiến công nổi dậy năm 1968.

22.2.1968.

Giữa những ngày ác liệt này, tình cờ tôi lại gặp em. Nhưng chiến trường ác liệt đâu nói được gì nhiều. Ngày 30.2.1968 (có lẽ là ngày 28.2.1968 nhưng liệt sĩ ghi nhầm- NV), tôi được lệnh gọi về đơn vị cũ.

9.7.1968.

Tôi được tin người bạn của tôi là Trần Thanh Sắc hy sinh. Chiến tranh, chuyện mất còn khó tránh khỏi nhưng tôi vô cùng đau đớn khi người bạn của mình không còn nữa. Tôi hứa với vong hồn của bạn rằng sẽ đem hết sức mình để giải phóng quê hương.

18.8.1968.

Hôm nay là ngày toàn đơn vị ai cũng đau buồn vì cái tin anh Hồ Văn Ga, thủ trưởng đơn vị và Dương Hoài Văn, trợ lý báo chí tuyên truyền đã hy sinh trong đêm tấn công vào thị xã Tây Ninh. Được biết, trên đường từ mặt trận trở về, hai anh đã hy sinh vì một sự lầm lẫn. Tôi khóc một mình trong đêm tối, tôi vô cùng thương tiếc người thủ trưởng của tôi, đời đời tôi vẫn nhớ đến họ, hình ảnh hai anh luôn sống mãi trong lòng tôi.

1.1969.

Tôi nhận được tin nhà tôi bị trúng bom của Mỹ, tài sản của cả gia đình tôi đã bị bom thiêu cháy, ba bị thương. Bom đạn của giặc ngày càng trút nhiều vào quê tôi, mặc dù vậy người dân vẫn bám làng.

3.9.1969.

Hôm nay là ngày tôi trở thành Đảng viên chính thức, đó thật sự là vinh sự lớn nhất của đời tôi. Tôi vô cùng tự hào và phấn khởi, vì nhận thấy quá trình tôi theo Đảng, được Đảng rèn luyện giáo dục. Tôi suy nghĩ nhiều lắm, nguyện hăng say công tác để một ngày nào đó được gặp Người. Bỗng nhiên, cùng ngày 3.9.1969, đài phát thanh Hà Nội báo tin: Bác đã đau nặng. Giọng nói của xướng ngôn viên làm tôi vô cùng lo lắng nhưng thực chất chúng tôi biết Người đã từ trần 9 giờ sáng ngày hôm nay.

Thế là vĩnh viễn không bao giờ tôi gặp được Người nữa. Bao ước mơ và hy vọng giờ đã tiêu tan. Nghe đọc lời di chúc của Người, tôi vô cùng xúc động. Hôm nay, tỉnh đội tổ chức làm lễ truy điệu Hồ Chủ tịch.

Tôi rất vinh dự khi được phân công làm chiến sĩ cận vệ đứng gác bên cạnh chân dung Bác Hồ. Giờ hành lễ bắt đầu, các đơn vị nghiêm trang. Suốt 4 giờ liên tục mang súng đứng bên chân dung Người, tôi có cảm tưởng như mình đang đứng gần Người thật vậy.

2.1.1970.

Tôi có một người bạn tên là Hiệp, trùng tên với tôi. Hai đứa chơi thân với nhau, rồi đến một ngày đầu xuân năm 1970 tôi nhận được tin bạn tôi đã hy sinh, tôi thầm nói với hương hồn bạn tôi: “Hãy yên lòng nhé Hiệp, tao và những thằng còn lại sẽ đem hết sức mình để trả thù cho mày và giải phóng quê hương, nếu có hy sinh tao cũng không có gì nuối tiếc đâu Hiệp ạ”.

30.4.1970.

Trận càn mở màn cho cuộc chiến tranh xâm lược của giặc Mỹ sang mảnh đất Campuchia đã bắt đầu, hôm nay tôi cùng với một lực lượng chủ lực chống càn tại suối (không rõ suối gì - NV). Tôi lại trực tiếp chạm súng với quân thù trên đất bạn. Hàng trăm xe của giặc vây quanh tưởng chừng như nuốt chửng chúng tôi. Cả hai đợt tấn công của chúng đều bị chúng tôi đánh bật ra. Mãi đến 5 giờ chiều, chúng mở đợt tấn công cuối cùng vào tổ của chúng tôi, suốt một ngày chúng tôi nhịn đói.

Những dòng nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Tấn Hiệp dừng lại ở đây. Tối 20.3.1971, trong một trận đánh, anh đã anh dũng hy sinh.

Việt Đông

(Ghi lại từ nhật ký liệt sĩ Nguyễn Tấn Hiệp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục